Hà Nội đổi mới công tác truyền thông dân số

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:16, 08/07/2018

Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành Đề án Truyền thông dân số đến năm 2030.
Trong đó, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền vận động tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tập trung giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng, duy trì mức sinh thay thế, giảm thiếu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, kế hoạch còn đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới.

Đó là việc nêu cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng như việc chú trọng truyền thông về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và khuyến khích người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. 

Hà Nội đổi mới công tác truyền thông dân số
Hà Nội tăng cường sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông.

Bên cạnh đó, đối với quy mô dân số, Sở Y tế Hà Nội cần xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với thực trạng mức sinh của khu vực ngoại thành và nội thành. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Cần ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con để duy trì vững chắc mức sinh thay thế.

Về phân bố dân cư cần tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu được quyền và nghĩa vụ của người di cư, phát huy các yếu tố tích cực của quá trình di cư; đô thị hóa và quy hoạch Thủ đô, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần chăm sóc và nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.

Về nâng cao chất lượng dân số, cần tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh… Truyền thông hướng tới hình thành và phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Truyền thông vận động khơi dậy phong trào trong mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, lồng ghép chỉ số dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cần tuyên truyền và cung cấp thông tin, số liệu, nội dung, phương pháp, quy trình lồng ghép các biến cố về dân số trong phát triển tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của lồng ghép dân số trong phát triển, về ý nghĩa quan trọng của các yếu tố dân số đối với phát triển, về hiệu quả của các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nếu được lồng ghép các yếu tố dân số.

 Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông. Đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông để có sự thống nhất, tạo sự đồng thuận và đạt hiệu quả cao. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương. Tập trung xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin, báo, đài để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về công tác dân số. Tập trung khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác. 

Thanh Hà