Tháng năm đong đầy nỗi nhớ

Truyện - Ngày đăng : 09:57, 30/05/2018

Chiều nắng tràn, tôi nhặt cánh phượng hồng giữa gió hè xào xạc, trong lòng ngân lên khúc nhạc da diết, từng nốt nhớ dịu dàng ẩn hiện một tháng năm xưa mênh mang…
Những ngày tháng năm tựa như một bản nhạc buồn. Nắng vàng gắt gao và những cơn gió nồm cứ thổi không ngớt, làng quê neo mình dưới rặng tre vi vút, khối đất cong lên khô không khốc. Tôi nhớ tới mảnh vườn tháng năm của mẹ, những cây cà chua bi chịu hạn, quả bé bằng đầu ngón tay út, thiếu nước vỏ quắt lại. Nhưng đó lại là thứ thần dược trong bữa cơm mùa hè, là cả một niềm tin mãnh liệt của người quê nghèo như mẹ và cả năm tháng tuổi thơ của tôi.

Tôi thích thăm vườn mẹ mỗi sáng sớm tinh mơ, khi tơ nhện vẫn còn giăng trắng xóa cùng những giọt sương mai lóng lánh. Đàn dế tranh thủ sáng sớm mát lành kéo nhau ra chụm đầu uống sương dưới gốc cây. Lũ kiến thì nhẫn nại nối đuôi nhau từng hàng dài, có lẽ chúng cũng đang đi tìm nước uống. Vườn mẹ tháng năm có cây rau mồng tơi, rau đay mẹ hay trồng vì chiều các con, mẹ dành nấu canh cua và cũng chẳng thể thiếu được một vài bụi cà pháo sát mép vườn. Ăn canh cua mồng tơi rau đay, thêm vài quả cà pháo muối thì đúng là ngon hết sảy. Những đứa con của mẹ lớn lên, đi xa cũng chỉ mong trở về nhà thưởng thức bát canh cua dân dã đơn giản như vậy. Vườn mẹ là cái nôi dưỡng sinh từ tấm lòng thơm thảo của mẹ, những lộc biếc đầu cành bao giờ cũng vươn mình về phía có hơi người, có ánh nắng mặt trời ấm áp. Tuổi thơ tôi lại vươn về phía mẹ, đón nhận vòng tay âu yếm của người, vực dậy khi con vấp ngã.

Tháng năm đong đầy nỗi nhớ
Tháng năm, thấy một tà áo trắng cũng đủ lòng xao xuyến, nhớ về một thời cắp sách, nơi sân trường bằng lăng, phượng hồng và mùa chia tay. Ngôi trường làng be bé, chỉ gồm hai dãy nhà cấp bốn, tổng cộng chưa đầy mười phòng học. Nắng tháng năm ghé thăm chỗ ngồi, nhảy nhót lên bục giảng, rồi ngoan hiền đậu vào trang vở trắng học trò. Màu tháng năm nhuộm đầy nỗi nhớ, nhuộm tím trang lưu bút, nhuộm cả màu mực học trò… Cánh phượng ép nồng trong trang vở cùng nỗi nhớ, lũ học trò ngô nghê hỏi: “Liệu đến bao giờ gặp lại?”. Lũ con trai bày trò để tụi con gái thôi ngừng rơi nước mắt, nhưng trong lòng không kìm được những phút bâng khuâng. Những dòng lưu bút ngưng đọng ngàn nỗi nhớ, bao lời yêu thương lại dành cho nhau nhiều như chưa từng một lần gửi trao. Những cái nắm tay thật chặt, những ngày nắng còn nóng ấm cả chiếc ôm…

Tháng năm gọi về trong hình ảnh đứa bạn, mặc dù có biệt danh là “còi dí” nhưng lại là đứa luôn sẵn sàng chở tôi mỗi khi tôi mệt. Hai đứa cùng làng, học cùng lớp, trên chiếc xe cọc cạch lạo xạo khô xích, băng qua cánh đồng tháng năm với thảm lúa đương chín, rồi qua hai con dốc cheo leo đầy thông. Ngồi sau lưng bạn, “bất đắc dĩ” phải làm khán giả nghe những giai điệu không đầu không cuối, chắp vá sao thấy bình yên quá đỗi. Chúng tôi nói với nhau thật nhiều, không biết bao nhiêu là chuyện, dự định này, dự định khác. Rồi tháng năm nghiệt ngã, đã chia cắt tình bạn chúng tôi, mỗi đứa mỗi phương. Bạn ở xứ người nhắn cho tôi bảo nhớ quê da diết, nhớ tháng năm đến nao lòng và dĩ nhiên là nhớ tôi nữa. Tháng năm đẹp như một câu chuyện cổ tích, tuổi học trò như một trang thơ, và tình bạn thì mãi mãi là vĩnh cửu…

Vẫn là nỗi nhớ muôn thuở, bao tháng năm trôi qua lòng vẫn cứ quay quắt nhớ. Nhớ cái nắng quê nghèo, nhớ vuông cà chua bi chịu hạn, nhớ mái trường, thầy cô, bạn bè và dòng lưu bút thân thương. Nỗi nhớ dài dằng dặc, tôi chỉ còn biết xếp chúng lại thật gọn gẽ trong ngăn nhỏ trái tim, để mỗi khi thổn thức lại bâng khuâng lục ra xem. 

Mai Hoàng