Hình ảnh Bác Hồ trong văn học, nghệ thuật và báo chí Đức

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:15, 17/05/2018

Hồ Chí Minh một người bạn thân thiết của nhân dân Đức. Những ấn tượng, những cảm xúc tốt đẹp, những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ phai của các bạn Đức về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết có thể tìm thấy ở các hồi ký, phát biểu, đánh giá… từng được công bố ở Đức và Việt Nam.
Hình ảnh Bác Hồ trong văn học, nghệ thuật và báo chí Đức
Tháng Giêng 1969, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ thân mật tiếp nhà báo, nhà thơ Wlly Zahl banu Tổng thư ký ủy ban đoàn kết với Việt Nam của CHDC Đức.

Được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1956, khi Vécnơ Lambécxơ mới ngoài 20 tuổi, ở cương vị Trưởng đoàn Đại biểu của Phong trào đấu tranh thanh niên quốc tế sang dự Đại hội của Đoàn Thanh niên Việt Nam, 20 năm sau, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất Đức, nhớ lại: “Cuộc gặp và tọa đàm với Người thuộc vào một trong những ấn tượng sâu sắc và không bao giờ quên được của đời tôi”. Ông viết: “Tôi vẫn còn thấy rõ Người trước mặt mình đây, còn nghe rõ âm vang trong tiếng nói của Người, còn nhận thấy sâu sắc sự chú ý và tính ham hiểu biết của Người, về cả những gì chúng tôi đã được chứng kiến ở Việt Nam cũng như những vấn đề của phong trào thanh niên quốc tế hồi đó”. Gheoóc Pôlikhai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức, Tổng biên tập báo “Thời đại chúng ta”, trong một chuyến công tác ở Việt Nam, đã được gặp Bác Hồ viết rằng: “Các ấn tượng sâu sắc mà Người để lại cho chúng tôi trước hết là phong thái hết sức bình dị. Thật khó tìm thấy một điệu bộ giả tạo nào đó ở Người. Ở Người toát ra một tình người ấm áp và một niềm thân ái kỳ diệu”. Cụ Mác Raiman, Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức, lần đầu gặp Hồ Chí Minh vào mùa hè năm 1935, cũng xúc động nhớ lại: “Ở đồng chí Hồ Chí Minh dường như lúc nào cũng tỏa ra một tình cảm ấm áp, một sự cảm thông đầy tinh thần cộng sản. Và chỉ bằng ấy thôi cũng đủ sức thu hút và hấp dẫn những người xung quanh”.

Trên đây là một số ví dụ trong hàng loạt các nhà cách mạng tiền bối của Đức đã quen biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nửa đầu thế kỷ 20. Đối với nhân dân Đức cũng như toàn nhân loại tiến bộ, Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm của nhân dân Việt Nam anh hùng. Qua quá trình tìm hiểu, học tập văn học và nghệ thuật Cộng hòa Liên bang Đức, tôi thấy tất cả các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ Đức từng qua thăm nước ta đều đã viết về Bác Hồ với một tình cảm hết sức nồng hậu. Tôi vẫn nhớ ngày 4 tháng Giêng năm 1947, chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ở phương trời Âu, tờ Tấm gương (Der Spiegel) của Đức đã có bài báo dài nhan đề “Người mà chung cuộc Tất Thành Công” với phụ đề “Việt Nam gây lo ngại cho nước Pháp”. Tên bài báo chiết tự từ tên thời thanh niên của Bác Hồ: Nguyễn Tất Thành. Có thể khẳng định rằng, đây là bài chính luận sớm nhất ở Đức về Bác Hồ và Việt Nam, thể hiện một cách nhìn khách quan và cũng đầy thiện cảm về Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho thấy một dự cảm sáng suốt về sự thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta. 

Bảy năm sau, khi chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc trong sự chào đón hân hoan của bầu bạn khắp năm châu, báo Nước Đức mới (Neues Deutschland), số ra ngày 17/10/1954 đã đăng trang trọng bút ký của Phritxơ Grenxen, một trong những nhà báo quốc tế đầu tiên gặp Bác Hồ, dưới nhan đề “Gặp gỡ với cha Hồ”. Đó là bài báo đầu tiên giới thiệu khái quát cuộc đời oanh liệt của Bác Hồ từ tuổi thanh niên cho đến khi trở thành vị lãnh tụ tối cao của dân tộc. Trước đó hai năm (1952), sách báo ở Cộng hòa Dân chủ Đức công bố một bức thư của Hồ Chủ tịch gửi cho những người lính Đức trong quân đội viễn chinh Pháp đã tìm ra con đường chính nghĩa và chạy sang hàng ngũ những người kháng chiến Việt Nam. Lá thư thể hiện lượng khoan hồng cao cả của Người, tình cảm ấm áp của một người Cha mà người đọc không thể nén nổi niềm xúc động và biết ơn. Phanxơ Phabơ, nhà báo Đức đầu tiên sang Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chính là người được Bác Hồ khích lệ đọc và dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức. Trong cuốn phóng sự “Sông Cái rực hồng”, ông đã kể lại những chuyến đi công tác cùng Hồ Chủ tịch tại Việt Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, chứng kiến mối quan hệ mật thiết giữa vị lãnh tụ và đồng bào mình. Ông hồi tưởng: “Bác Hồ là người rất am hiểu phong trào cách mạng thế giới, trong đó có phong trào cách mạng Đức mà Người đánh giá là một phong trào mạnh. Nhưng, Người vô cùng khiêm tốn, giản dị mà quả thật tôi không thấy ai là người như vậy. Tôi được biết, Người thuộc rất nhiều áng văn chương cổ điển của dân tộc mình. Trên đường đi công tác, mỗi lần gặp một cảnh nào đó, Người lại đọc hoặc lảy một câu trong Truyện Kiều hay Chinh phụ ngâm. Người thường khuyên các nhà văn, nhà thơ phải đọc Kiều, hiểu Kiều, thuộc Kiều cũng như hiểu biết sâu sắc ca dao, tục ngữ của dân tộc mình”. 

Những kỷ niệm tương tự về Bác Hồ, có thể đọc trong các hồi ức của các nhà lãnh đạo cao cấp như: Phriđơrich Êbớt, Cuốc Hagơ, Vôncăng Bairôithơ; các nhà hoạt động xã hội như: Mác Dêphrin, Vili Xanbao, Atua Manba; các thầy thuốc từng làm chuyên gia ở Việt Nam, như: Kiếcsơ, Henđơ, Ôđơ, Lanđơman, Smaoxơ hoặc của giáo sư Đathe, Giám đốc vườn thú Béclin, nữ phiên dịch Môđơ… Thật thú vị khi được biết: ở Đức có 3 người được Bác Hồ nhận là “con đỡ đầu”, đó là Vôncăng Vanthơ Knút, Uadula Bairoithơ và Hanolorê Khaophen. Những câu chuyện nói lên quan hệ mật thiết đó đã được chính họ hoặc người nhà giới thiệu rộng rãi trên nhiều tờ báo ở Đức và châu Âu. 

Một điều rất đáng được ghi nhận là ở Đức, trong các năm qua, đã cho ấn hành rộng rãi nhiều trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Nhật ký trong tù, Thơ Hồ Chí Minh hay bản Di chúc thiêng liêng của Người… Hàng chục phóng sự, công trình nghiên cứu lịch sử về Việt Nam ở Đức cũng đã dành những chương quan trọng viết về Hồ Chí Minh, như các tập: “Là bác sĩ ở Việt Nam” (R.Kiếcsơ), “Lịch sử Việt Nam” (G.Seno); “Những đồng lúa - những chiến trường” và “Trước khi trời hửng sáng. Việt Nam giữa chiến tranh và thắng lợi” (G. và K.Stécnơ); “Mạnh hơn những dòng sông chảy xiết” (nhiều tác giả); “Việt Nam trong giờ phút này” (H.Klem); “Việt Nam 1945 - 1980” (D.Vaiđơman và R.Vuynsê); “Những gương mặt Việt Nam” (E.Panítxơ)…

Với tư cách một vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Việt Nam trong ba năm 1959 - 1961, có lẽ không một nhà văn quốc tế nào có nhiều dịp tiếp xúc với Hồ Chí Minh bằng nhà văn nổi tiếng Eâđuác Claođiút. Cuốn “Các thông điệp”, xuất bản tại Béclin, in trang trọng bài “Nhân cách Bác Hồ” với những dòng được chắt lọc từ bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc. Cuối bài viết, nhà văn, nhà ngoại giao kết luận: “Sự vĩ đại của nhân cách Bác Hồ là ở chỗ, Người có gốc rễ trong đời sống nhân dân và sức mạnh của Người bắt nguồn từ đây. Chắc chắn đây là phong thái, những biểu hiện và sự kết tinh nhân cách, mà trong đó hiện diện mọi lực lượng có thể quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh lâu dài ở Việt Nam”.

Nhà thơ, nhà báo Vili Xanbao, nhiều năm giữ cương vị Tổng Thư ký Ủy ban đoàn kết với Việt Nam cũng đã có nhiều bài báo, bài thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những bài đặc sắc nhất có tên là “Người là hy vọng và niềm tin” đã được công bố trên báo Nhân dân, số ra ngày 18/5/1998. Từ nhiều lần được gặp Bác Hồ, Xanbao chia sẻ: “Tôi đã có may mắn được trực tiếp gặp con người phi thường này, một con người có học vấn uyên bác, là hiện thân của một nền văn hóa nhân văn, có phong cách ứng xử tinh tế và nhạy cảm.” 

Hình tượng Bác Hồ cũng đã được thể hiện và ca ngợi nhiều trong thơ ca - một loại hình nghệ thuật rất được ưa chuộng ở Đức. Không chỉ có những nhà thơ tên tuổi lớn như Srâythơ, Linđơman, Mâyơ, Eùccơ, Noiman, Brao, Linđơman, Bécgơ, Thíchnơ, Ximmơrich… hàng chục, hàng trăm nhà thơ không chuyên nghiệp ở khắp nước Đức cũng đã viết về Bác. Enxtơ Sumáchơ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhà nghiên cứu văn học và sân khấu, trong bài thơ “Hồ Chí Minh” viết:

“Chỉ là một
Người hiện thân cho biết bao người!
Không là cha
Người lại là Cha của mọi trẻ thơ
Là người con của dân tộc
Người cũng là Anh hùng chân chính của nhân dân”

Còn nhà thơ Ghéchác Slippê, khi hay tin Bác Hồ qua đời cũng đã biểu thị tình cảm của mình trong bài thơ kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Sự nghiệp của Người chính là tuyệt đỉnh
Dắt dẫn nhân dân đến thắng lợi hoàn toàn
Sự nghiệp của Người là sự tích vẻ vang
Mà đất nước chẳng nơi nào 
không nâng niu gìn giữ”

Họa sĩ Erích Giơhanxơn – người từng gặp Nguyễn Ái Quốc tại một triển lãm lớn ở Mátxcơva năm 1924 cũng đã vẽ chân dung Nguyễn Ái Quốc với lòng yêu mến và cảm phục. Nhiều năm sau, khi Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức chân dung đó được giới thiệu trên cả trang bìa của một tạp chí hội họa. Cùng với tác phẩm của mình về vị lãnh tụ năm 34 tuổi, Erích Giôhanxơn viết một thiên hồi ký thú vị về dịp gặp lịch sử đó. Ông viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một con người rất uyên bác… Cử chỉ văn hóa và tác phong thân mật của Người gây một ấn tượng là người có uy tín. Người trở thành lãnh tụ, không phải bằng cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ...”. 

Trần Đương