Hà Nội triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2018

Tin tức - Ngày đăng : 05:52, 16/05/2018

Bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện đảm bảo để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức tập huấn, hiệp đồng, thực hành triển khai các phương án xử lý sự cố công trình do thiên tai gây ra ngay từ giờ đầu…
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2018 được ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP. Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 15/5/2018.
Hà Nội triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2018
Ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều thông tin tại buổi giao ban báo chí (Ảnh: Đăng Chung).

Theo ông Thịnh, từ tháng 5 - 10/2018 dự báo xuất hiện 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông và có khoảng 2 -3 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, xuất hiện nắng nóng cục bộ vào cuối tháng 5 và tháng 8/2018. Trong tháng 6 và tháng 7 xuất hiện 3 -5 đợt nắng nóng diện rộng tuy nhiên không gay gắt và không kéo dài như năm 2017. Mưa lớn diện rộng năm 2018 có khả năng xuất hiện 6 - 8 đợt, trong tháng 5 là tháng đầu mùa do vậy nhiều khả năng các hiện tượng mưa dông kèm theo lốc, mưa đá sẽ xuất hiện. Với lượng mưa dự kiến dao động từ 700 - 900 mm vào tháng 5 và tháng 7.

“Mùa lũ năm 2018 có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật nhiều năm. Một số sông, suối nhỏ trong khu vực xuất hiện lũ tiểu mãn với đỉnh lũ tiểu mãn thấp hơn trung bình nhiều năm. Toàn mùa xuất hiện 3 - 7 đợt lũ; trong đó 2 - 3 đợt lũ trung bình. Đỉnh lũ năm các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ năm 2017 (hạ lưu sông Thái Bình cao hơn); thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm (sông Đáy cao hơn)…” - ông Thịnh nhận định tình hình khí tượng, thủy văn năm 2018.

Năm 2018 cũng được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn. Để chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó kịp thời, hiệu quả giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm đời sống, sản xuất của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế -xã hội bền vững, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai TP. Hà Nội triển khai nhiều phương án phòng, chống lụt, bão và úng ngập.

Khu vực ngoại thành, các huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, đảm bảo cấy xong cơ bản vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất; đồng thời thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng các khu vực ruộng trũng, để phòng, chống úng hiệu quả. Thực hiện phương án chống úng ngập khu vực ngoại thành theo phương án của Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng, có phối hợp với phương án của Sở Xây dựng. Việc vận hành hệ thống công trình tiêu úng khu vực ngoại thành thực hiện theo phương án xây dựng được phê duyệt của các công ty thủy lợi sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ và các địa phương. Trong đó, chú trọng giải pháp chủ động tiêu kiệt nước đệm đẩy nhanh thời vụ gieo cấy vụ mùa và ưu tiên hỗ trợ tiêu úng khu vực nội thành.

Một số công trình thuộc hệ thống tiêu úng khu vực ngoại thành được xây dựng đã lâu, chưa được nâng cấp; do địa hình bị chia cắt, tốc độ đô thị hóa nhanh tại khu vực này nên công trình tiêu úng chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, giải pháp tiêu úng cần phải linh hoạt. Chuẩn bị cụ thể phương án chống úng từng vùng, từng khu vực; thực hiện khoanh vùng khép kín khu tiêu, giữ nước vùng cao, vợi nước vùng trũng, ưu tiên tiêu vùng tập trung dân cư.  Đối với khu vực nội thành, giải pháp chống úng khu vực nội thành liên quan chặt chẽ đến việc vận hành trạm bơm Yên Sở và trục chính sông Nhuệ…

Chi cục trưởng Chi cục Đê điều, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai TP. Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2018 như: kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão. Xây dựng các phương án bố phòng hộ đê, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi; phương án phòng chống úng, khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất nông nghiệp; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro; tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ, xử lý hư hỏng đê điều, hồ đập, nạo vét kênh mương đảm bảo chất lượng, tiến bộ quy định.

“Bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện đảm bảo để thực hiện phương án phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức tập huấn, hiệp đồng, thực hành triển khai các phương án xử lý sự cố công trình do thiên tai gây ran gay từ giờ đầu. Kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi…” - ông Đỗ Đức Thịnh nhấn mạnh.

Đăng Chung