Đồng cảm Chiều thu mưa

Truyện - Ngày đăng : 09:55, 14/05/2018

Phùng Trung Tập
Chiều thu mưa

Gió vờn mây lang thang từng luồng xám
Mây vương lòng rời rợi khắp không gian
Khóm trúc đầu sân rười rượi sắc vàng
Cửa nhà khép hắt hiu từng cơn gió.

Chiều hiu quạnh con một mình đi bộ
Tóc bết đầu trôi giọt giọt mưa rơi…
Trước cổng nhà vắng giọng nói cười
Không một tiếng khua vui chùm chìa khóa.

Con đắm chìm trong từng luồng gió lạ
Lòng cồn lên nhớ cha mẹ những ngày
Khi con về mở rộng cửa đón ngay
Tay run rẩy nắn sờ vai con khỏe.

Mắt mẹ vui với những gì con kể
Còn gật gù căn dặn những dại khôn,
Cha rạng cười với thành tích cùng con
Nghiêm nghị dặn phải không ngừng cố gắng.

Nhưng hôm nay giữa chiều thu lạnh vắng
Con một mình thấm ướt dưới mưa rơi,
Hoa cúc đầu sân gục rũ gió trời
Nước lấp lánh cánh vàng rơi nhẹ nhẹ.

Cha vẫn bên con những ngày thơ bé
Mẹ vẫn cùng con, mỗi độ thu về…
Nhưng hôm nay giữa chiều thu mưa bụi
Con một mình mở cửa đợi sao Khuê.

Tôi đã đọc Lời ru khát vọng (NXB Hội Nhà văn 2017), tập thơ thứ 5 của Phùng Trung Tập không dưới 3 lần và tất nhiên cũng đã 3 lần đọc bài Chiều thu mưa trong tập. Nhưng chiều nay đọc lại Chiều thu mưa tôi đã dừng lại và rưng rưng nước mắt vì bài thơ đã đưa tôi về với kỷ niệm hơn 60 năm về trước khi Tết đến, tôi từ nơi trọ học xa trở về căn nhà của bố mẹ tôi. Ở Chiều thu mưa, Phùng Trung Tập cũng nhớ lại: "Khi con về mở rộng cửa đón ngay/ Tay run rẩy nắn sờ vai con khỏe” rồi: "Mắt mẹ vui với những gì con kể/ Còn gật gù căn dặn những dại khôn". Và: "Cha rạng cười với thành tích của con/ Nghiêm nghị dặn phải không ngừng cố gắng". Cũng đầy yêu thương nhưng cử chỉ và lời nói của mẹ và cha có khác nhau đôi chút, mẹ thân mật hơn, tình cảm hơn vì không nén được cảm xúc, cha nghiêm nghị hơn, lí trí hơn.

Bài thơ có kết cấu rất tự nhiên, chân thực như chính diễn biến hành động, tâm trạng của chủ thể trữ tình khi trở về căn nhà xưa sau ngày bố mẹ đã đi xa rồi. Tâm trạng buồn của nhân vật trữ tình đã nhuốm cả không gian nghệ thuật, thấm vào từng chữ, từng chi tiết: "Gió vờn mây lang thang từng luồng xám/ Mây vương lòng rười rượi khắp không gian". Đây là tâm trạng của người về nhà mà vẫn như người lữ thứ, người ở đây mà hồn như vẫn trải ra. Tác giả nói là trải khắp không gian nhưng thực ra là trải khắp thời gian, về dĩ vãng, về những thời xa vắng, những nơi xa vắng. Cảnh vật lúc này duy có sắc nắng là tươi nhưng lại như càng đối lập với cảnh nhà buồn vắng, theo quy luật: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". 

Khổ thơ sau, tác giả còn tiếp tục sử dụng những chi tiết, những thi ảnh gợi cảm: "Con một mình đi bộ/ Tóc bết đầu trôi giọt giọt mưa rơi" hay "Trước cổng nhà vắng giọng nói cười/ Không một tiếng khua vui chùm chìa khóa". Vẫn cảnh cũ nhưng người đâu khiến người con cảm thấy như khác lạ cả đến từng ngọn gió. "Con đắm chìm trong từng luồng gió lạ". Tư thế của nhân vật ở đây chính là tâm thế trữ tình và sự liên tưởng tiếng chùm chìa khóa ở đây là sự sống lại của cảm giác vui sướng xưa khi trở về được nghe tiếng chìa khóa của bố mẹ mở cửa đón mình. Sự đồng hiện giữa cái im ắng, khác lạ của hiện tại và tiếng động vui quen thuộc của quá khứ trong tiềm thức, làm ta nhớ đến câu thơ của Đăng Tơ, đại thi hào Ý: "Trên đời đau khổ nào tày/ Chuyện vui nhớ lại giữa ngày thê lương". Cái hiện tại đầy tâm trạng ấy sẽ dẫn đến tự nhiên sự tái hiện của quá khứ - sự trở về của người con trong vòng tay thân ái của bố mẹ xưa.

Và cũng tự nhiên như thế, sau phút hồi tưởng là sự trở lại hiện tại với: "Con một mình thấm ướt dưới mưa rơi" và "Hoa cúc đầu sân gục rũ gió trời". Đúng là người với hoa, cảnh với người cùng một tâm trạng, làm cho chất trữ tình càng thấm thía. Nhưng sao ở đây lại có một cảnh, một nét đẹp nhẹ nhàng: "Nước lấp lánh cánh vàng rơi nhẹ nhẹ" vì tâm trạng trữ tình ở đây là buồn nhưng không phải là sầu thảm, bi lụy mà là một điều cao đẹp, nó nâng đỡ tâm hồn con người. 

Đúng như tác giả nói: "Cha vẫn bên con những ngày thơ bé/ Mẹ vẫn cùng con, mỗi độ thu về". Cha mẹ vẫn sống trong lòng chúng ta, cũng như sau này, chúng ta vẫn sống trong lòng con cháu chúng ta. Vì thế: "Hôm nay giữa chiều thu mưa bụi/ Con một mình mở cửa đợi sao Khuê". Bài thơ về nỗi buồn nhớ cha mẹ đã khuất lại kết thúc bằng ánh sáng vì chính nỗi buồn đó là ánh sáng, ánh sáng của tâm hồn con người. Kết thúc này cũng tự nhiên vì cánh cửa trước khép thì nay lại được mở ra và sau chiều là đến tối và tối thì có sao, sao trên trời, sao trong tâm hồn. Sao Khuê - sao rất sáng và đã là ánh sáng, tất sẽ lan tỏa.

Đặng Hiển