Phố Nhuệ Giang, quận Hà Đông, Hà Nội

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:36, 10/05/2018

Phố Nhuệ Giang bắt đầu từ cầu Trắng điểm tiếp giáp với đường Quang Trung, bên cạnh Vương hoa Hà Đông, đi dọc ven sông Nhuệ đến số nhà 128 Nhuệ Giang (bên cạnh Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nối với phố Bà Triệu. Hiện đang có dự án nối thông đường từ cầu Đen đến UBND phường Kiến Hưng, đấu nối với đường Phúc La - Yên Thái.

Phố Nhuệ Giang dài 700m, rộng 7m.

Phố Nhuệ Giang, quận Hà Đông, Hà Nội.

Hiện nay phố cụt và chỉ có nhà ở một bên.

Tên phố đặt tháng 3/2000 và đặt tên cho 7 ngõ bên số chẵn theo thứ tự 2, 4, 6, 8, 10, 12, 14.

Nay thuộc phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.

Nhuệ Giang hay sông Nhuệ, còn có tên là sông Đỗ Động, phát nguồn từ đầm Bát Long xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, rồi chảy đến Phù Diễn – Vân Canh thì hợp với sông Tô Lịch. Có thuyết cho rằng do khởi đầu dòng sông có hình nhọn, nên được ghi bằng tên chữ Hán là Nhuệ Giang. Sông Nhuệ chảy qua các cánh đồng phì nhiêu của các huyện Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên. Đến đây có một nhánh chảy xuyên qua huyện Ứng Hòa đổ vào dòng sông Đáy, còn một nhánh chảy xuống Hà Nam, đổ vào sông Châu Giang. Nhuệ Giang dài khoảng 47km, có nhiều kè cống điều tiết nước như: kè Hà Đông, cống Đồng Quan, Cống Thần…

Xưa kia sông Nhuệ có giá trị giao thông lớn. Thuyền bè từ vùng thượng du chuyên chở hàng hóa, lâm sản xuống vùng Sơn Nam phần nhiều đi qua sông này. Do vậy vùng cư dân hai bên sông Nhuệ có nhiều làng nghề sử dụng nguyên liệu để sản xuất. Tư liệu lịch sử hiện còn cho biết, vào đầu thời Lê quan, quân còn đi thuyền về Lam Kinh qua sông Nhuệ đến sông Đáy. Ngay đến những năm của thế kỷ XIX, thuyền đưa khách vào chùa Hương còn xuất phát từ cầu Hà Đông, xuôi dòng sông Nhuệ đi sang sông Đáy để vào bến Đục. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp tiến hành cải tạo sông Nhuệ, cửa sông ở Hạ Mỗ lấp lại, cửa sông ở bến Chèm – Đông Ngạc mở ra, sông Nhuệ trở thành một hệ thống thủy nông tưới tiêu cho toàn hạt Hà Đông.

Cầu Trắng và cầu Đen là hai cây cầu chiến lược được xây dung trên sông Nhuệ.

Năm 1899, thị xã Hà Đông được hình thành. Tòa Công sứ của thực dân Pháp dời về cầu Đơ thì cầu Trắng đã được xây dựng, dài 37m, rộng 6m. Dưới sông có 5 trụ cầu chịu tải là dầm sắt, mặt cầu bằng gỗ lim. Đến năm 1916 được mở rộng thêm và đổ mặt cầu bằng bê tong, cầu tồn tại đến năm 1947 thì được phá hủy để ngăn bước tiến quân địch. Sau hòa bình cầu Trắng được xây dựng lại.

Cầu Đen được khánh thành vào năm 1937, có chức năng là đập điều tiết nước trên sông Nhuệ để phục vụ dân sinh. Nay đang được cải tạo và xây dựng với quy mô lớn hơn để có thêm chức năng phục vụ giao thông vào các khi đô thị mới của Hà Nội.

Ngày nay, chức năng vận tải đường thủy của sông Nhuệ đã không còn nhiều mà chỉ còn chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng mà thôi.