Phố Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:51, 04/05/2018

Phố Nguyễn Trung Trực bắt đầu từ đường Yên Phụ đến phố Hàng Than cắt ngang qua phố Hồng Phúc.

Phố Nguyễn Trung Trực dài 168m, rộng 6m.

Phố Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đây nguyên là đất thôn Cận Hàn (đầu phía đông) và thôn Yên Thuận (đầu phía tây) đều thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Còn hai ngôi đền Thượng và Hạ ở chỗ nay là số nhà 25 và 39 phố Hàng Than.

Thời Pháp thuộc là đường số 91 (rue N091), năm 1929 đổi thành phố Tơripenbách (rue Trippenbach). Năm 1945 đổi thành phố Thủ Khoa Trực. Năm 1949 đổi thành Nguyễn Trung Trực cho đúng họ tên.

Nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình.

Nguyễn Trung Trực (1838-1868), có tên nữa là Lịch, người phủ Tân An, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Long An).

Ông thông hiểu chữ Hán, vừa làm nghề nông, vừa làm nghề chài lưới. Ngay khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, ông đã đứng lên chống lại chúng. Trận đánh nổi tiếng của ông lúc ấy là trận đốt cháy tàu Ét-pê-răng-xơ (Espérance) trên sông Vàm Cỏ Đông tại làng Nhật Tảo vào trưa ngày 10 tháng 12 năm 1861. Tàu đó vốn được dùng làm chỉ huy sở của giặc Pháp ở vùng này (vì chúng không dám lên trên bờ). Trung Trực đã cho một toán nghĩa quân dụ quân giặc lên bến rồi ông cùng 5 chiến thuyền áp tới đánh tàu, khiến bọn giặc còn lại không kịp trở tay, hầu hết bị diệt. Sau trận đó, ông được triều đình Huế phong trào cho chức quản cơ, coi giữ vùng Hà Tiên.

Năm 1867, Pháp chiếm xong Nam Kỳ, triều đình Huế lún sâu vào chính sách đầu hàng, phong trào ông chức lãnh binh rồi gọi ông ra miền Trung. Ông chống lệnh này, lập căn cứ kháng chiến ở đảo Hòn Chông. Rạng sáng 16/6/1868 ông đưa quân về đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thị xã Rạch Giá), tiêu diệt toàn bộ quân Pháp đóng ở đó. Sau ông dời sang đảo Phú Quốc. Giặc Pháp huy động một lực lượng lớn đuổi theo, bao vây và tấn công đảo này. Tháng 9/1898, ông bị giặc bắt. Chúng dụ dỗ nhưng ông kiên quyết không đầu hàng. Ông đã nói một câu nổi tiếng “Bao giờ đất này hết cỏ thì mới hết người Nam chống Tây”. Cuố cùng giặc đã đem ông ra hành hình ở Rạch Giá ngày 27/10/1868.