Phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội.

36 phố phường - Ngày đăng : 11:54, 15/11/2022

Phố Ngũ Xã nối ngã tư Phó Đức Chính - Châu Long với khu bán đảo bên bờ hồ Trúc Bạch.

Phố Ngũ Xã dài 258m, rộng 6m.

Phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đất thôn Ngũ Xã, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ.

Thời Pháp thuộc, phố Ngũ Xã có tên là phố Trần Hưng Đạo, sau cách mạng đã đổi ra tên hiện nay.

Nay thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.

Ngũ Xã là tên gọi chung của cả bán đảo này, rộng tới ba vạn mét vuông. Vào hồi cuối Lê, khoảng thế kỷ XVII - XVIII, có một số thợ đúc đồng quê ở năm xã Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Đào Viên (hay Thái Ti) và Điện Tiền, tên nôm là làng Hè, làng Me, làng Rồng, làm Di trên và Di dưới đều thuộc huyện Siêu Loại mà nay là vùng huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Họ kéo nhau ra đây mở lò đúc đồng, lập nên một làng gọi là Ngũ Xã Tràng (trường đúc của năm xã). Họ đúc nồi, xanh, đèn, đỉnh, đồ thờ, chuông và sau triều đình giao cho đúc cả tiền nữa. Người đúc tượng thánh Trấn Võ ở đền Quán Thánh vào năm 1677 cũng là dân Ngũ Xã. (Có tài liệu lại nói đó là năm xã của tổng Đề Cầu: An Nhuệ, Kim Tháp, Lê Xá, Thư Đôi và Đề Cầu). Tới cuối thế kỷ XVIII thì nghề đúc đồng Ngũ Xã thật phát đạt nên Nguyễn Huy Lượng coi đó là niềm tự hào của vùng ven hồ Tây, đã viết trong “Tụng Tây Hồ Phú”: Lửa đóm ghen Năm Xã gây lò. (Lò đồng Ngũ Xã đỏ lửa cả trong đêm thâu khiến lũ đom đóm sinh ra ghen tức vì chúng mất độc quyền soi sáng). Tới giữa thế kỷ XIX, Ngũ Xã Tràng hợp với Tứ Chính Tràng thành thôn Lạc Chính, là một trong 12 thôn của tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. (Đền Lạc Chính nay là nhà số 5 phố Châu Long).

Ngày nay trên bán đảo Ngũ Xã có sáu phố: ba phố dọc là Nam Tràng, Nguyễn Khắc Hiếu và Lạc Chính; ba phố ngang là Mạc Đĩnh Chi, Ngũ Xã và Trần Tế Xương. Ngũ Xã là phố dài nhất, hiện còn hai di tích đáng lưu ý: đền và chùa Ngũ Xã. Ngôi đền thì không rõ xây dựng năm nào, thờ chư vị Đại vương. Còn ngôi chùa có tên chữ hán là Thần Quang tự hoặc Phúc Long tự, xây dựng từ thế kỷ XVIII. Vì là chùa của làng đúc đồng nên bên cạnh Phật, chùa còn thờ cả Nguyễn Minh Không, được coi như là tổ nghề. (Cái tên Thần Quang tự cũng là lấy lại tên của ngôi chùa chính thờ Minh Không ở tỉnh Thái Bình mà nay quen gọi là chùa Keo). Trong chùa có pho tượng Di Đà bằng đồng, đúc năm 1952, cũng là pho tượng hạng lớn ở nước ta: riêng tượng cao tới 3,95 mét khoảng cách hai gối là 3,60 mét, chu vi tượng là 11,6 mét, nặng tới 10 tấn. Tòa sen gồm 96 cách dùng đến 16 tạ đồng. Di tích được xếp hạng kiến trúc nghệ thuật năm 1993.