Bảo hiểm du lịch quốc tế - những quy định của pháp luật

Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 17:09, 18/10/2017

Trong trường hợp gặp sự cố là lỗi của khách du lịch khi không thực hiện đúng nội quy, quy chế của khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, pháp luật Việt Nam, pháp luật nước lưu trú du lịch… mà gây thiệt hại cho bên doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thì khách hàng phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại.
1. Trách nhiệm của khách du lịch:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Luật Du lịch 2005 về nghĩa vụ của khách du lịch:

“…4. Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật;”

Trong trường hợp gặp sự cố là lỗi của khách du lịch khi không thực hiện đúng nội quy, quy chế của khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, pháp luật Việt Nam, pháp luật nước lưu trú du lịch… mà gây thiệt hại cho bên doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thì khách hàng phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại.

Bảo hiểm du lịch quốc tế - những quy định của pháp luật

Bảo hiểm du lịch đang được ngày càng nhiều người quan tâm- ảnh minh họa của PTI

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế:

Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 50 Luật Du lịch năm 2005 về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế:

“…b) Phải mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch;…”

Trong một hợp đồng bảo hiểm du lịch cơ bản, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải đảm bảo các quyền lợi cơ bản cho khách du lịch như những sự cố về chi phí y tế ốm đau, tai nạn; bồi thường trong trường hợp tử vong tai nạn, tử vong do ốm đau; bồi thường các chi phí được nêu trong hợp đồng bảo hiểm cho các trường hợp hoãn, hủy chuyến bay do các nguyên nhân bất khả kháng; hay bồi thường khi tài sản bị thất lạc hoặc mất cắp…

Theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015: “ sự kiện bất khả kháng có thể là do thiên nhiên gây ra như: lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… hay các hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, thay đổi chính sách Chính phủ…”

Đối với tài sản cá nhân, người được bảo hiểm cần xem xét kỹ các quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Thông thường, cơ quan bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường đối với các vật dụng bị mất mà không có giấy tờ xác nhận, do đó khách du lịch cần phải lưu giữ và xuất trình giấy tờ xác nhận các vật dụng mà bạn đem theo khi đi du lịch.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 5 Điều 14 Nghị định 92/2007 NĐ-CP ngày 01/06/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch 2005…có hướng dẫn về bảo hiểm du lịch:

“Điều 14. Bảo hiểm du lịch

…5. Doanh nghiệp mua bảo hiểm cho khách du lịch có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp nhận bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm kịp thời, đúng quy định khi khách du lịch gặp rủi ro phải chi trả bảo hiểm.”

Như vậy, doanh nghiệp lữ hành có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch. Khi gặp những rủi ro, sự cố trong quá trình đi du lịch tại nước ngoài (tai nạn, mất cắp…) thì doanh nghiệp mua bảo hiểm cho khách du lịch phải có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp nhận bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm kịp thời, khắc phục sự cố nhanh nhất cho hành khách.

 Đồng thời, Luật Du lịch 2005 cũng có những quy định về trách nhiệm của Nhà nước phối hợp cùng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để bảo đảm an toàn cho khách du lịch quy định cụ thể tại Điều 37:

“Điều 37. Bảo đảm an toàn cho khách du lịch

1. Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản của khách du lịch và ngăn chặn những hành vi nhằm thu lợi bất chính từ khách du lịch.

2. Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời có biện pháp cứu hộ, cứu nạn cần thiết để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với khách du lịch.

Ngoài ra, khách du lịch cần chú ý đến một số điểm mới của Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018):

“Điều 14. Giải quyết kiến nghị của khách du lịch

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, quản lý khu du lịch, điểm du lịch tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của khách du lịch”.

“Điều 37 Luật Du lịch 2017

“…3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ, g, h, i và k khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;

b) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế để đưa khách du lịch ra nước ngoài theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian đưa khách du lịch ra nước ngoài”.

Căn cứ theo quy định trên thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài có nghĩa vụ: Mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch; Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra với khách du lịch và có biện pháp khắc phục hậu quả.

Vậy nên, để đảm bảo một chuyến đi an toàn, hạn chế những rủi ro không đáng có, các bạn nên tìm đến những doanh nghiệp kinh doanh lữ hành uy tín, minh bạch về các quyền lợi bảo hiểm, thủ tục được đền bù…

Luật sư Lê Anh Trung
Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Anh Trung

Du lịch Việt Nam