Vì sao 3 triệu người lao động chưa được tham gia bảo hiểm y tế?

Tin tức - Ngày đăng : 21:43, 29/09/2017

Sáng 29.9, tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 7, thảo luận nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực bảo hiểm y tế.
Theo dự thảo báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tiến tới BHYT toàn dân, năm 2016, cả nước có 75,91 triệu người tham gia BHYT, bằng 81,9% dân số; năm 2017 ước có khoảng 79,3 triệu người tham gia BHYT, bằng 84,9% dân số. Trong tổng số đối tượng tham gia BHYT, nhóm đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng bằng khoảng 65%.

Đáng chú ý, nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng tới hết năm 2016 có 11,86 triệu người tham gia BHYT, chiếm 15,6% trên tổng số người tham gia BHYT và số tiền đóng bằng 41,1% trên tổng số thu BHYT.

Nhóm này hiện còn khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHYT. Việc chấp hành pháp luật về BHYT còn nhiều hạn chế, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT phổ biến tại các địa phương. Số nợ tiền đóng BHYT hiện nay khoảng 619 tỷ đồng và có xu hướng gia tăng.

Theo dự thảo báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội, nguyên nhân là một bộ phận người sử dụng lao động tìm cách né tránh đóng BHYT cho người lao động. Nhận thức của một bộ phận người lao động về BHYT còn hạn chế, chấp thuận ký hợp đồng lao động kể cả không được tham gia BHYT, BHXH, BHTN để giải quyết nhu cầu có việc làm. Năm 2016, tổng số nợ BHYT là 3013 tỷ đồng, trong đó đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nợ 686 tỷ đồng, chiếm 22,8% và ngân sách nhà nước chưa chuyển 2.327 tỷ đồng, chiếm 77,2% trên tổng số nợ BHYT.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 7 (Ảnh: Thùy Linh)
Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 7 (Ảnh: Thùy Linh)

Tình trạng trốn đóng BHYT diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ do cơ quan BHXH không xác định được người lao động làm việc tại các doanh nghiệp này.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Bắt buộc người sử dụng lao động phải mua cho họ, đó mới là việc quan trọng. Mua ở doanh nghiệp thì rõ ràng mệnh giá phải cao hơn. Nếu mà khuyến khích mua bảo hiểm y tế theo đối tượng hộ gia đình đối với những người có quan hệ lao động thì người sử dụng lao động sẽ đẩy họ về mua bảo hiểm hộ gia đình".

Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết: "Thực tiễn thì rất khó khăn, hiện nay, doanh nghiệp trốn đóng BHXH vô cùng nhiều. Công đoàn được phép khởi kiện, nhưng lại với điều kiện là công nhân phải ký ủy quyền cho công đoàn, mất 100 nghìn tiền công chứng, mà hàng nghìn người thì mất bao tiền công chứng ủy quyền?

Trước đây, công đoàn chủ động khởi kiện, giờ tại sao công nhân phải ủy quyền cho công đoàn? Điều này thật là vô lý, dẫn đến chúng tôi không kiện được. Rất nhiều vụ cần phải kiện mà chúng tôi không kiện được. Có doanh nghiệp hàng chục vạn người, họ không thể ủy quyền cho công đoàn được, đang làm việc mà lại viết giấy ủy quyền, phải ký vào, thế là họ bị sa thải ngay".

Thùy Linh (Lao động)