Nhiều tư liệu quý về khóa họa sĩ Kháng chiến

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:23, 21/09/2017

“Họa sĩ khóa Kháng chiến” (1950 - 1954) - cuốn sách chuyên khảo về khóa học chính thức đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) vừa được ra mắt độc giả Hà Nội. Điều thú vị của cuốn sách này là bên cạnh cơ hội ngắm nhìn nhiều sáng tác có lẽ lần đầu tiên công bố của các họa sĩ tài danh như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa,... cuốn sách còn mở ra một cửa sổ thông tin khác về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
 “Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950 – 1954)  là một trong hai cuốn sách thuộc dự án xuất bản do Quỹ Kim Long (một quỹ nghệ thuật hiếm hoi trong nước hiện nay) khởi xướng và hỗ trợ tác giả Đào Mai Trang thực hiện, từ giữa năm 2015. Sách do Nxb Mỹ thuật xuất bản, dày 300 trang, khổ 27x21cm, in màu trên giấy couche, với 255 hình ảnh sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân và các học trò của ông, trong đó phần lớn chưa từng công bố. 

Nhiều tư liệu quý về khóa họa sĩ Kháng chiến
Nội dung của cuốn sách được chia làm ba phần: Phần 1 “Họa sĩ khóa Kháng chiến – một biên niên sử” khái quát về lịch sử khóa học, diễn biến chính trong khóa học và vai trò của nó cũng như của họa sĩ – giám đốc nhà trường Tô Ngọc Vân, nguyên là sinh viên và giảng viên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong việc định hướng hành trình nghệ thuật của các thành viên trong khóa; Phần 2 viết về 22 sinh viên của khóa học. Phần nội dung này đã mở thêm một ô cửa sổ kiến thức về những học trò đặc biệt nhất của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong cuộc đời dạy học của ông. Trong số đó có những người đã thành danh, định vị tên tuổi trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại như: Lưu Công Nhân,  Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam; có những người đã có đóng góp quan trọng trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam như Đào Đức, Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Ngọc Linh... Bên cạnh đó, có những người mà cuộc đời và nghệ thuật của họ chưa ngừng gây nên các cuộc tranh luận, như họa sĩ Lê Huy Hòa. Một số khác có vẻ lặng hơn đi qua năm tháng nhưng nếu một lần được biết đến gia tài nghệ thuật họ để lại, hẳn thế hệ sau không khỏi ngạc nhiên. Đó là Ngô Minh Cầu, Đặng Đức, Ngọc Linh...; Phần 3 “Vĩ thanh” là những chia sẻ, suy cảm của tác giả sau hành trình khảo cứu về khóa học này. Tác giả chờ đợi giới nghiên cứu mỹ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam tiếp tục tìm hiểu, với các góc nhìn sâu sắc hơn nữa về khóa học đặc biệt này.
Tác giả Đào Mai Trang hiện là biên tập viên phụ trách chuyên mục Mỹ thuật của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTT & DL). Chị là tác giả của nhiều bài viết và tiểu luận về các nghệ sĩ cũng như vấn đề của mỹ thuật, nghệ thuật đương đại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; là chủ biên và đồng tác giả của cuốn sách “12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam” (Nxb Thế giới, 2010, song ngữ Việt - Anh; tác giả cuốn “Nghệ thuật & Tài năng” - một cận cảnh về thế hệ nghệ sĩ 8X của mỹ thuật Việt Nam (Nxb Phụ nữ, 2014). Với cuốn sách “Họa sĩ khóa Kháng chiến”, tác giả Đào Mai Trang hy vọng sẽ mở ra những gợi ý, suy ngẫm mới cho bạn đọc hôm nay về vai trò của mỹ thuật và của người họa sĩ trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc nói riêng, nhìn rộng ra là trong lịch sử xã hội Việt Nam hiện đại nói chung. 

Thanh Bình