Nồi cháo xóm dưới chân núi Sóc

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:40, 14/09/2017

Ngày mồng sáu tháng Giêng hàng năm là ngày lễ hội đền Sóc, tưởng niệm Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương. Đến ngày nay, thôn Dược Thượng thuộc xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, phải rước voi nan lên đền trả Ngài nhằm chuộc lại lỗi lầm khi xưa đã giết nhầm voi của Ngài.
Trưa mồng bốn Tết – đúng giờ Ngọ, mọi người được tham gia rước voi đều có mặt ở ngoài đình làng.

Luật nghiêm cấm những người nhà đang có tang không được tham gia; cấm đàn bà con gái không được lai vãng tới chỗ đàn voi.

Trước khi bắt tay vào công việc, mọi người chắp tay trước ngực đứng thành vòng tròn quanh nồi cháo to nấu rất loãng, gọi là cháo xóm, chờ đợi húp cháo.

Nồi cháo xóm là nồi cháo do các xóm trong làng lần lượt thay nhau nấu. Năm ngoái xóm Đông nấu thì năm nay đến xóm Đoài.

Đến lượt xóm nào nấu, dân xóm ấy mỗi nhà đóng góp một nắm gạo (chỉ một nắm chứ không nhận hơn). Đúng ngày giờ quy định, nồi cháo được gánh ra để ở giữa sân đình. Đứng bên nồi cháo là một trưởng lão và một người giúp việc, cả hai vị đều ăn mặc chỉnh tề, áo the khăn xếp. Trưởng lão trịnh trọng tuyên cáo, đại ý là: Chúng con được dân làng cử tuyển ra sắm sửa lễ vật hoàn trả cho Ngài. Nay đứng trước anh linh của Đức Thánh, thay mặt dân làng chúng con xin hứa từ nay trở đi dù có nghèo đói đến đâu, dù có phải đi ăn xin ăn mày mới có được bát cháo như bát cháo loãng này, dân Dược Thượng chúng con không bao giờ làm những điều ngu ngốc dại dột ấy nữa. Chúng con thành tâm cầu xin Đức Thánh mở rộng lòng thương, tha thứ cho dân làng…

Nói xong, trưởng lão lấy gáo múc cháo đổ vào bát, người giúp việc bưng bát cháo đưa cho một người đang cùng mọi người đứng xếp hàng xung quanh, tay chắp trước ngực động tác giống như các nhà sư đi hành khất. Người này đón lấy bát cháo, làm động tác như đói quá húp lấy húp để; húp xong trả bát lại cho người phụ giúp, rồi lặng lẽ cúi đầu nét mặt trầm tư vẻ ân hận xót xa, mệt mỏi lê từng bước chân về chỗ làm việc của mình. Việc húp cháo cứ thế diễn ra cho đến người cuối cùng. Xong việc ăn cháo xóm, mọi người tiến hành pha vót nan đan voi. Đây là tục được truyền lại từ ngàn đời nay.

Chiều mồng năm Tết, voi đan xong, sư trụ trì ở chùa làng làm lễ Khai quang, điểm nhãn cho voi; voi được đặt trên bệ uy nghi hoành tráng, các bà mẹ trong làng lũ lượt dắt con nhỏ độ 5, 3 tuổi ra sân đình và cho con chui luồn qua bụng voi gọi là để lấy khước. Thực chất của việc làm này, một lần nữa nói lên rằng: voi bị giết oan là do một lũ người ngây ngô ngốc nghếch như trẻ con vậy. Sự ngây ngô dại dột ấy nay phải trả giá; mọi người nhất nhất chỉ mong Đức Thánh rộng lòng thương cho dân làng được bình yên vô sự.

Thực hành xong những tục lệ trên, sáng ngày mồng Sáu, dân làng mới tổ chức rước ông voi lên đền Sóc trình Thánh. 

Lê Ngàn (sưu tầm)
Theo “Tục hay, lệ lạ Thăng Long – Hà Nội”, NXB Phụ nữ, 2016