Tục lệ làng đúc đồng Ngũ Xã

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:59, 12/09/2017

Khoảng đầu thế kỷ XVII (thời vua Lê Kinh Tông - chúa Trịnh Tùng) triều đình trưng dụng những thợ đúc đồng có tay nghề cao của năm làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Đào Viên, Điện Tiến thuộc tổng Đề Cầu, huyện Siêu Loại trấn Kinh Bắc về Kinh đô để dựng một số lò đúc đồng.
Tục lệ làng đúc đồng Ngũ Xã
Đình Ngũ Xã nơi thờ ông tổ nghề đúc đồng. Ảnh: Ngọc Đông
Những người thợ giỏi này được định cư ở vùng ven hồ Trúc Bạch đặt tên là Ngũ Xã Tràng (Trường đúc của năm xã – nay thuộc quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Toàn thể dân làng Ngũ Xã chỉ biết một nghề duy nhất là đúc đồng.

Ban đầu làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền cho triều đình, sau đúc thêm các đồ dân dụng như: mâm, nồi, chậu, đồ thờ cúng… Lâu dần, tên Ngũ Xã đã được dân gian xếp thứ hạng.

Gốm Bát Tràng
Vàng Định Công
Đồng Ngũ Xã

Xin điểm một vài tục lệ cổ xưa của làng Ngũ Xã:

1. Tục truyền nghề

Đúc đồng là một nghề thủ công riêng lẻ của từng gia đình, từng tộc họ đồng thời cũng là nghề nặng nhọc nên đối tượng truyền nghề trước hết là con trai rồi đến các con dâu. Con dâu phải là người có sức khỏe, tinh ý và không được truyền những bí quyết như: trộn trấu làm khuôn sao cho khuôn không bị nứt vỡ, giữ lửa nhìn đồng nóng chảy tới mức nào thì có thể rót đồng vào khuôn, rót như thế nào để các chi tiết không bị bọt khí làm thiếu hụt hoặc phồng lõm… Thường con dâu chỉ làm công đoạn thứ 6, thứ 7 trong 8 công đoạn chủ yếu của nghề đúc đồng là mài nhẵn sản phẩm và lấy mài (da) cho sản phẩm mà thôi.

Tục lệ làng đúc đồng Ngũ Xã
Tỉ mỉ chạm khắc từng chi tiết 
Người được lựa chọn truyền nghề phải kinh qua thời gian rèn Đức, rèn Tài. Rèn Đức bằng sự kiên trì bền bỉ, coi sản phẩm làm ra không vì lợi nhuận mà vì thanh danh của gia đình, họ tộc, khi đúc những đồ thờ cúng thì còn vì điều thiêng liêng huyền bí nữa. Rèn Tài bằng cách kèm cặp, giảng giải tỉ mỉ khi thực hiện các công đoạn để làm ra sản phẩm.

2. Túc hiệp đồng trợ giúp

Gia đình nào nhận làm sản phẩm gặp mà gặp khó như thiếu nhân lực chuyển vật liệu, tháo dỡ khuôn của những sản phẩm quá lớn… thì cả làng xúm vào giúp để hoàn thiện sản phẩm. Cái đặc biệt của tục trợ giúp này là sự tự giác và vô tư. Người đến giúp không hề nhận được chút công xá hay đối đãi gì.

3. Lệ hỏi vợ cho con

Trước ngày ăn hỏi, gia đình chú rể làm một con lợn quay. Nếu đuôi lợn cong vắt lên mông thì là dấu hiệu cô dâu còn trinh tiết. Nếu đuôi lợn thẳng đuỗn hoặc chúc xuống là dấu hiệu cô dâu không còn thanh tân. Hôn lễ sẽ không tiến hành nữa. 

Trường hợp chú rể thú nhận mình đã ép liễu nài hoa hoặc thiết tha yêu nhau đã quyết một bề - dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng thì cha mẹ cũng đành thuận tình. Khi đón dâu về, cô dâu không được đi cổng chính mà phải đi vòng cổng sau để vào nhà.

Lê Đình Mai sưu tầm
(Theo “Tục hay, lệ lạ Thăng Long – Hà Nội”, NXB Phụ nữ, 2016)