Có nhiều lao động bỏ trốn: Hà Tĩnh dễ bị đình chỉ đưa lao động sang Hàn Quốc

Tin tức - Ngày đăng : 21:50, 25/08/2017

Theo quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc, sẽ có 7 huyện của Hà Tĩnh nằm trong nhóm các địa phương có nguy cơ cao về việc bị đình chỉ lao động tham gia Chương trình ở tất cả các ngành nghề mà doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng.

Có nhiều lao động bỏ trốn: Hà Tĩnh dễ bị đình chỉ đưa lao động sang Hàn Quốc - Ảnh 1

Đại diện các huyện ở Hà Tĩnh ký cam kết tuyên truyền đưa lao động hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc về nước.

Sau khi được Chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho các huyện ven biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường được phép tham gia Chương trình EPS ngành ngư nghiệp, tình hình lao động ở lại cư trú bất hợp pháp của Hà Tĩnh có chiều hướng gia tăng trở lại. Năm 2014, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp chiếm 41,2%; năm  2015 tỷ lệ này là 42,6%; năm 2016 tăng lên 48,7% và 7 tháng đầu năm  2017 đã tăng lên 52% (là một trong 6 tỉnh có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất cả nước). Đặc biệt, trong 6 tháng và tháng 7 năm 2017, Hà Tĩnh đã phát sinh thêm 2 lao động bỏ trốn ngay sau khi đặt chân đến Hàn Quốc làm cho tình hình càng  phức tạp hơn.

Số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho thấy, tình hình lao động Hà Tĩnh cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang là vấn đề "nóng" khi mà toàn tỉnh hiện có 1.288 người, chiếm 52% tổng số lao động hết hạn hợp đồng. Năm 2016 và 2017, đã có 6 địa phương bị phía Hàn Quốc đình chỉ một phần Chương trình đó là các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc và Kỳ Anh.

Hiện nay, theo quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc, sẽ có 7 huyện nằm trong nhóm các địa phương có nguy cơ cao về việc bị đình chỉ tham gia Chương trình ở tất cả các ngành nghề mà doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng. Đứng đầu trong các địa phương là huyện Nghi Xuân: 495 người, Cẩm Xuyên: 220, Đức Thọ: 88 người, Lộc Hà: 86 người, Thạch Hà: 77 người, Can Lộc: 71 người.

Có nhiều lao động bỏ trốn: Hà Tĩnh dễ bị đình chỉ đưa lao động sang Hàn Quốc - Ảnh 2Lao động Hà Tĩnh có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc đang gặp rào cản lớn bởi nhiều lao động làm việc tại Hàn Quốc đã hết hợp đồng nhưng không về nước.

Được biết, cùng với việc áp dụng các biện pháp xử lý chống trốn như: Thực hiện kỹ quỹ 100 triệu đồng và xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng đối với lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh, các sở, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động gia điình và bản thân người lao động chấp hành đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng và các quy định của Chính phủ Hàn Quốc. Đến nay, Hà Tĩnh đã tuyên truyền vận động được 1.197 lao động về nước.

Nguyễn Ngọc Vượng/Dan sinh