Đình Tú Thị và chuyện ông tổ nghề thợ thêu

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 09:02, 04/08/2017

Xưa kia vùng đất ga Hàng Cỏ là nơi tập trung của những gia đình chuyên buôn bán tàn, lọng. Phố Hàng Cỏ còn được gọi là phố Hàng Lọng nay là đường Lê Duẩn. Ở số 2 Yên Thái, Hàng Gai có đình Tú Thị, nơi thờ ông tổ của những người thợ thêu.
Đình Tú Thị và chuyện ông tổ nghề thợ thêu
Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành
Theo bản thần phả họ Bùi Trần ở thôn Quất Động, huyện Thường Tín thì cụ Lê Công Hành vốn người họ Mạc. Năm 1546, ở triều đình có ông Phạm Tử Nghi định đưa Mạc Chính Trung lên ngôi vì ông vin cớ Phúc Nguyên còn bé không thể nắm chính sự được. Nhưng các quan trong triều không đồng ý. Mạc Chính Trung bèn làm loạn. Lúc ấy để bảo toàn tính mạng, bà Bùi Thị Ban, thứ phi của Mạc Phúc Hải đưa Mạc Phúc Đăng về lánh nạn ở làng Quất Động. Tại đây, Mạc Phúc Đăng sinh con là Mạc Phúc Đồ. Năm 1952, nhà Lê khôi phục lại triều chính ở Thăng Long, để tránh mọi phiền nhiễu, con cháu họ Mạc ở Quất Động đổi sang họ Trần là họ ngoại. Cụ Lê Công Hành lúc trẻ tên là Trần Quốc Khải, sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1606), có thời làm con nuôi họ Bùi nên có tài liệu ghi cụ theo họ bố nuôi. Cụ đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (năm 1637). Năm 1646, lúc 40 tuổi, cụ được cử đi sứ Trung Quốc. Là người nhạy cảm và thông minh, cụ đã học được kỹ thuật tinh xảo của nghề thêu và nghề làm lọng, đưa các nghề này về truyền cho nước ta.

Vốn làm Thượng thư Bộ Công, lại lập được nhiều chiến tích nên cụ được vua Lê ban Quốc tính. Từ đó cụ có tên gọi là Lê Công Hành.

Tiến sĩ Lê Công Hành mất ngày 12 tháng sáu năm Tân Sửu (1661) thọ 56 tuổi. Nhớ ơn cụ tổ truyền nghề, nhân dân 5 xã ở tổng Vũ Du, huyện Thường Tín dựng đền thờ, đến thời Thành Thái lại khắc bia “Vũ Du tiên sư bi ký” kể rõ lai lịch cụ tổ nghề. Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng sáu thợ thêu các làng lại sắm lễ vật, rước kiệu về đền Ngũ Xã và tế tổ tại đây. 

Ngày 9/7/1995, đoàn cán bộ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam do Giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn đầu đã về nghiên cứu đền Ngũ Xã và được biết thêm rằng: Cụ Lê Công Hành khi mất được thờ ở nhà thờ họ sau lại thờ ở đền Ngũ Xã. Bia còn ghi: Hơn 100 năm sau ngày cụ tổ nghề thêu qua đời, tại Quất Động còn thêm một tổ nghề thêu ghi là Á Tiên Sư. Bia được tạo năm Gia Long thứ 13 (1814). Đền Ngũ Xã được tu sửa vào đời Thành Thái.

Cách đền 50m có một quán, dân quen gọi là quán âm hồn. Nhưng sau khi xóa bớt rêu phong, ở tường cửa đền có 4 chữ lớn: Minh Mạc vương từ (đền thờ vua Mạc).

Cách đình Ngũ Xã không xa là làng Quất Động, đất sinh ra cụ tổ nghề thêu, nơi đây còn lăng mộ và nhà thờ cụ Lê Công Hành. Đó là 3 gian nhà gỗ kẻ chuyền đơn sơ, lợp ngói ta. Bức hoành “Thụ phúc đường” tạo năm Canh Tý đời Thành Thái. Một hương án tạo gỗ son, một giá gương thờ tổ bình thường như mọi gia đình khác. Nhà ở của vị Công Bộ Thượng thư thật giản dị. Chỉ có những câu đối được viết từ gia phả là gửi lại hành trang của cụ:

Khoa bảng phương liên tiền đại Lý
Công hầu phong tặng cố triều Lê

Ngày trước thợ thêu Hà Nội phần lớn là người các làng Quất Động, Hướng Dương… ra kinh thành lập phường nghề đều có nơi thờ phụng tổ nghề. Từ thế kỷ XIX về trước đây chợ Hàng Lọng bày bán các mặt hàng thêu. Khi người Pháp sang, đô thị phát triển, mở rộng những phố hàng, hàng thêu được bày bán ở nhiều nơi trên đất chợ. Và một ngôi đền mới được dựng lên để tưởng niệm cụ tổ nghề thêu. Văn bia trong đền cho biết, đền được xây dựng năm Thành Thái thứ ba (1891), trên một thửa đất 40 x 60m, do 26 người đứng lên quyên tiền và xây dựng. Hơn 100 năm qua, đền xưa vẫn mang dáng vẻ cổ kính. Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng sáu, các thợ thêu ở Hà Nội lại về Tú Thị đình lễ giỗ cụ rất trọng thể. Tiếp đến là Tết Trùng Cửu (9 - 9) còn gọi là lễ thường tân. Lễ vật gồm chuối, cốm, chim ngói, gạo mới. Đội tế gồm 9 đến 12 người là các bậc cao niên của phường thêu. Ở đình Tú Thị, điều đặc biệt là các đỗ tế khí có giá trị từ mũ, hia, áo của thần đến câu đối, hoành phi đều là sản phẩm đặc sắc của nghề thêu.

Ngày 30/4/1995, nhân kỷ niệm 20 năm ngày đất nước Việt Nam thống nhất, Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức hội nghề truyền thống Việt Nam, mở đầu là lễ rước ngai bài vị cụ tổ nghề thêu Lê Công Hành từ nhà thờ họ Bùi Trần ở khu Quất Động về khu triển lãm Vân Hồ. Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ đọc “Văn tế tổ nghề truyền thống Việt Nam” trong đó có đoạn:

- Tổ phụ nghề thêu: Lê Công Hành đi sứ thần, bị nhốt trên lầu cao, không lương ăn, nước uống, sống nhờ pho tượng Phật bằng bột tẩm đường…

Uống nước cúng, ngắm trời xanh, ngắm lọng vàng, nghi môn thêu hình rồng, hình phượng.

Nghề thêu buổi đầu từ Ngũ Xã miền quê. Trải mấy trăm năm, nhờ tổ phụ mọi thị thành thôn xóm, đâu đâu cũng học được nghề. Dân bớt khổ, ngày ba tháng Tám, trẻ già có công việc làm vui, làng trên xóm dưới đỏ đèn, đỏ đuốc…”

Cùng chung vận hội mới của đất nước, nghề thêu của đất nước ta ngày càng thêm khởi sắc. 

Trần Văn Mỹ