Công dụng của một nhà báo

Truyện - Ngày đăng : 09:03, 13/06/2017

Công dụng của một nhà báo
Minh họa của Vũ Khánh

Tổng Biên tập gọi tôi lên, giao cho việc phụ trách mục Gỡ rối tơ lòng. Mặt tôi méo xẹo. Chẳng là, từ ngày làm báo, tôi chỉ biết đi viết phóng sự, đi phỏng vấn, dù có trèo đèo lội suối vất vả cỡ nào cũng chịu được, chứ tự nhiên đi gỡ rối tơ lòng cho người khác thì quá khó, trong khi tơ nhà mình thì chằng chịt hơn cả mạng nhện. Vả lại, làm được những việc này phải có năng khiếu, nếu không cũng phải biết cách xoa dịu tâm hồn con người. Thỉnh thoảng, tôi hay nghe những chương trình kiểu ấy qua đài phát thanh mỗi khi đi công tác xa, thì công nhận người ta làm rất tốt. Ít nhất là chịu khó lắng nghe, rồi đưa ra những lời khuyên mà nếu có làm theo hay không thì cũng chẳng chết ai. Tôi thì không làm được việc đó. Với tôi, mọi thứ phải cụ thể, rõ ràng, chứ không có chuyện chung chung kiểu nếu thế nọ thì sẽ thế kia.

Tổng Biên tập, sau khi nghe một thôi một hồi những giãi bày của tôi, chỉ cười mà rằng:

- Không cãi. Tớ tin cậu làm được.

Chết dở, sao cứ tin nhau những việc này cơ chứ. Đời tôi rất sợ ai tin mình, y như kiểu ngày trước vợ tôi trước khi cưới luôn quả quyết rằng, em tin mình đã không chọn nhầm người. Chả lẽ lúc đó bảo em nhầm to rồi em ạ, anh chỉ biết múa bút sống qua ngày thôi chứ nào có tài cán gì. 

Bài đầu tiên tôi phải làm cho mục này là vấn đề nếu vợ có thu nhập hay vị trí xã hội cao hơn chồng thì làm thế nào, tập hợp từ hơn một trăm lá thư từ viết tay đến thư điện tử. Tôi thở dài, chả lẽ nói thẳng luôn là bỏ đi chứ làm sao. Vì tôi cũng ở trong hoàn cảnh này. Vợ tôi, chẳng hiểu do tài cán hay may mắn, có lẽ cả hai, mà tự nhiên có chức cao như thế ở độ tuổi của nàng. Chắc là do may mắn, chứ vợ tôi lại rất nghiêm túc, từ ngày lấy chồng chưa dám nhìn người khác giới nào chăm chú, xem tivi chưa dám khen tài tử nào đẹp trai vì sợ tôi tự ái do hình thức của tôi hơi giống trò đùa của tạo hoá, cho nên chuyện vợ tôi lả lơi để mua chức là không có. 

Mất một buổi chiều suy nghĩ bằng cách lướt mạng, lướt “phây”, cuối cùng tôi nghĩ ra một cách. Và tự thưởng cho mình một ly đen đá cuối chiều, lấy cảm hứng sáng tạo cho có vẻ sành điệu mặc dù đời tôi thích nhất là nước vối. Đã thế, mình không làm được cái gì thì khuyên người ta làm - một kiểu thắng lợi tinh thần rất là oách.

Đầu tiên tôi viết, chức cao thì đã sao, các đấng mày râu hẵng cứ coi như đó chỉ là việc chứng tỏ vị hôn thê của mình được thừa nhận về nghề nghiệp. Câu văn thì hăng hái như thế, nhưng thực chất lúc đó tôi tê tái lắm, vì mình cống hiến gần hai mươi năm rồi mà chả được cái chức quèn nào cả, kể cả chức bí thư đoàn hay chủ tịch công đoàn. Lại thòng thêm câu tư tưởng đúng, hành động đúng cho có vẻ triết học, mặc dù ngày còn mài đũng quần trên giảng đường, tôi dốt môn này nhất. Đến giờ tôi mới hiểu rằng chưa chắc văn đã là người đâu. Vì phàm những ông lười là hay khuyên người ta chăm chỉ, những ông dốt rất hay khoe chữ. Còn tôi, dốt triết học nhất nhưng rất thích trích những câu triết học vào bài viết, để che giấu cái dốt của mình dù biết sớm muộn cũng lòi ra.

Phần trọng tâm nhất, tôi xúi các đấng mày râu đã thế nên bỏ nhậu về lo việc nhà, để cho vợ xấu hổ mà hiểu rằng, người chồng của họ đã hy sinh như thế nào cho hạnh phúc gia đình. Tôi lại giải thích thêm, đàn ông chúng ta vốn khỏe mạnh hơn phụ nữ, nên làm việc nhà chắc chắn sẽ nhanh và gọn hơn. Thực ra đây là điều tôi đúc rút được ra từ thực tế nhà mấy người bạn. Có những món ăn, nhất là xào, khi phải đảo liên tục hay lật chảo, thì rõ ràng đàn ông có lợi thế hơn rất nhiều. Tôi tránh đi cùng vợ mình đến nhà những người bạn đó, bởi nàng mà nhìn thấy thì ngày nào cũng lôi những ông chồng đó ra làm gương. Mà tôi thì cực kỳ ghét soi gương. Mình là mình, học người khác làm gì.

Cuối bài tôi kết luận, cuối cùng thu nhập chức tước hay vị trí xã hội chẳng bằng một bữa cơm chiều bên người thân yêu, cho nó có vẻ lãng mạn. Cuối cùng là ký bút danh cho có vẻ bí hiểm.

Báo ra, chỉ trong ngày, thư từ, điện thoại gửi về tòa soạn tới tấp. Chị em thì khỏi phải nói, ủng hộ lắm bởi bài báo đã cảm thông với những vất vả của phái đẹp. Nhiều người đàn ông cũng đồng tình, bởi họ cũng nghĩ như thế mà chưa làm được, nay thấy đến như nhà báo mà còn vượt qua được thì họ sẽ cố gắng để đốt lại lửa yêu thương cho gia đình. Tôi đọc mà choáng váng, vì không ngờ đàn ông bây giờ suy nghĩ lại rộng đến thế. Hoá ra, việc họ tỏ ra gia trưởng chẳng qua vì ai cũng thế, chứ nếu giờ có phong trào đàn ông làm việc nhà là rất nhiều người làm theo.

Đến tối thì vợ tôi đọc được bài báo. Nàng bảo tôi, khen là tòa soạn anh có nhà báo nào tâm lý quá, lại nói đúng những gì đang xảy ra hiện nay. Được thể, tôi ưỡn ngưc bảo, toà soạn anh chỉ có tốt trở lên. Lại chê tôi là anh thì chỉ suốt ngày hết Đắng lòng thôn nữ tắm suối lại đến Sửng sốt trước hình siêu mẫu năm 3 tuổi, không viết được cái gì đem lại tính nhân văn cho cộng đồng. Bực quá, tôi bảo là em lúc nào cũng coi thường anh, thì làm sao mà hạnh phúc được, chính anh là người viết bài ấy đấy.

Lập tức, vẻ mặt vợ tôi trở nên rạng rỡ vô cùng. Nàng ỏn ẻn, anh ơi, anh nói được chắc chắn là làm được đấy nhỉ, thôi từ nay anh cứ làm theo những gì anh viết nhé, em cực kỳ hạnh phúc khi lấy được anh. Anh cứ coi chức giám đốc của em thấp hơn công việc phóng viên quèn - nàng nhấn mạnh chữ quèn với vẻ tinh nghịch - là chúng ta lại sống trong mùa tình yêu bao la ngay, anh nhỉ. 

Truyện vui của Nguyễn Toàn Thắng