Lớn lên em sẽ làm Cảnh sát phòng cháy,chữa cháy

Truyện - Ngày đăng : 10:43, 04/10/2021

Tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Truyện ngắn:

LỚN LÊN EM SẼ LÀM

CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Tác giả: Phạm Thanh Liễu

Những năm 70 của thế kỷ trước, tôi còn dạy tiểu học ở trường làng Trung Hà thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lớp tôi có 52 học sinh lớp bốn. Đó là lớp cuối cấp tiểu học lúc bấy giờ. Tôi đặc biệt chú ý đến em Nguyễn Ngọc Cương: Em có khuôn mặt vuông chữ điền rất ấn tượng. Đôi mắt sáng long lanh. Em học giỏi toán nhưng lại rất thích thơ. Trong các bài thơ tôi dạy, em thích nhất bài “Xe chữa cháy” của nhà thơ Phạm Hổ. Nội dung bài thơ tôi còn nhớ rất rõ:

“Mình đỏ như lửa

Bụng chứa nước đầy

Tôi chạy như bay

Hết vang đường phố

Nhà nào bốc lửa

Tôi dập liền tay

Ai gọi chữa cháy

Có ngay, có ngay.”

Tôi có hỏi Cương: “Sau này lớn lên em sẽ làm gì?”

Em bẽn lẽn trả lời: “Uớc mơ của em, lớn lên sẽ làm lính cứu hỏa.”

“Sao lại là lính cứu hỏa?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

“Cô ạ! Em sẽ kể chuyện của nhà em cho cô nghe nhé:

Vào năm 1960, lúc đó em mới được ba tuổi. Bố em đi bộ đội, đóng quân ở trên Điện Biên. Ở nhà chỉ có hai mẹ con. Hôm đó mẹ và em đang thổi nấu ở trong bếp – đun nấu chỉ có củi hoặc rơm rạ thôi, em mải chơi, đánh đổ cái đèn dầu hỏa. Dầu hỏa loang ra rất nhanh, lửa bùng cháy chùm lên cả căn bếp. Mẹ vội ôm em chạy vụt ra ngõ, kêu thất thanh: “Cháy to, cháy to, bà con ơi! Cứu! Cứu!” Hồi đó chưa có lực lượng phòng cháy, chữa cháy như bây giờ. Cả xóm gọi nhau mang xô, chậu lấy nước dập lửa. Một tiếng sau lửa tắt nhưng bếp bị cháy rụi hết. Nhà em bị mất ba cái nồi và một đống củi. Mẹ ôm em chạy vội ra cửa, vấp ngã gãy chân, bây giờ vẫn còn đi cà nhắc. Giá như ngày ấy có lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như bây giờ thì mẹ em đã không bị ngã gãy chân và cái bếp nhà em cũng không bị cháy, cô ạ! Cho nên, ước mơ của em là học thật giỏi để vào ngành cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, để được đi cứu hỏa, cứu dân.”

Tôi thầm thán phục cậu học trò của mình mới hơn 10 tuổi mà đã chững chạc quá. Tôi cười hiền nói với Cương: “Ước mơ của em sẽ thành hiện thực.”

*

**

Tháng sáu, tôi chia tay với học trò lớp bốn của tôi ở Trung Hà năm đó. Tôi được tổ chức phân công về dạy ở một trường trong nội thành Hà Nội. Tôi không còn gặp lại Ngọc Cương nữa, và cũng quên luôn cả ước mơ của cậu học trò bé nhỏ.

Thế mà thật là duyên kỳ ngộ. Mười năm sau, vào ngày 20/11, tôi đi dạy học về đến nhà thì gặp hai chiến sĩ – một nam một nữ – trong bộ quân phục cảnh sát đang chờ tôi ở cửa, trên tay nữ chiến sĩ cầm một bó hoa hồng rực rỡ.

Trông thấy tôi, nam cảnh sát chạy ùa ra đón, miệng chào rối rít: “Cô Thu! Em chào cô! Hôm nay là Ngày Nhà giáo Việt Nam, em và bạn gái đến thăm cô. Em vẫn nhớ địa chỉ nhà cô ở phố Phan Chu Trinh, gần Nhà hát Lớn. Cô còn nhớ ra em không ạ? Em là Ngọc Cương, học sinh lớp bốn ở Trung Hà năm 1970 mà cô làm chủ nhiệm đấy ạ. Em có ước mơ lớn lên sẽ làm cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Có lần cô còn đọc cho em nghe bài thơ “Xe chữa cháy” của nhà thơ Phạm Hổ mà em rất thích.”

“À, cô nhớ ra rồi!” Tôi reo lên. “Em là Ngọc Cương, học rất giỏi toán nhưng lại thích thơ, đúng không? Lớn quá rồi, cô không nhận ra. Bây giờ đã là anh chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy rồi, em công tác ở đâu?”

Cương hớn hở khoe với tôi: “Dạ thưa cô! Em đang công tác ở Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trung tâm thành phố ạ! Ước mơ của em đã thành hiện thực rồi cô ơi! Em vui lắm.”

Trầm ngâm một lúc, tôi mới hỏi Cương: “Làm cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nguy hiểm vô cùng, em không sợ sao?”

Cương rắn rỏi trả lời ngay: “Dạ! Em không sợ, được đi vào biển lửa để cứu người, cứu hỏa, em thấy rất tự hào cô ạ. Em đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.””

Tôi hồ hởi chúc mừng Cương: “Chúc em có nhiều thành công trong công tác và luôn luôn khỏe mạnh. Khi nào có tin vui báo cho cô biết nhé.”

“Dạ! Em cảm ơn cô ạ.”

Sau đó, hai chiến sĩ cảnh sát chào tôi ra về trong một sáng mùa thu Hà Nội. Tôi thấy lòng mình ấm áp và có một niềm tự hào trong lòng cứ trào dâng lên. Tôi có một em học sinh đã là chiến sĩ cảnh sát trong lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở thủ đô Hà Nội. Một lực lượng cảnh sát mà nhân dân vô cùng yêu mến và tin tưởng.

Phạm Thanh Liễu