Người đồng rừng

Truyện - Ngày đăng : 10:31, 04/10/2021

Tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH

Truyện ngắn:

NGƯỜI ĐỒNG RỪNG

                                              Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thủy

Con đường quốc lộ chia bản thành hai phần. Một nửa dựa lưng vào núi. Nửa kia thoải xuống cánh đồng có con suối chảy qua. Lững thững đi bộ ngắm cảnh chiều muộn nơi quê hương, Du thấy thanh thản và nhẹ nhõm. Nắng dịu xuống chỉ còn óng ả trên lưng chừng núi quay mặt về phía Tây. Bầu trời lác đác những cụm mây trắng bay lững lờ. Vài người đàn bà đang thu gom những nông sản phơi bên đường. Mùa này, chủ yếu là măng. Mùi măng phơi tái thoảng theo gió tạo thành một hương vị rất đặc trưng của quê hương Du. Đó là mùi của rừng sâu, mùi trong kí ức tuổi thơ của những đưa trẻ như anh mà mỗi khi xa quê, nó đánh thức niềm ao ước mong manh nhưng da diết. Măng nâu và những con người cũng nâu như măng thật thân thuộc và gần gũi!

Tiếng chuông điện thoại vang lên. Du rút chiếc điện thoại trong túi quần ra. Một số máy lạ không có trong danh bạ. Du mở máy:

-Alô

Tiếng một giọng nữ nhẹ nhàng trong máy:

-Xin lỗi anh! Đây có phải là số máy của anh Du, công tác tại Đội phòng cháy chữa cháy không?

-Vâng, cho hỏi ai thế ạ?

-Tôi là Thương, công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú đây ạ.

-À, chào chị!

-Sáng nay, nhà trường đã trao đổi với anh Nam, trưởng phòng về kế hoạch tổ chức chuyên đề ngoại khóa phòng cháy chữa cháy cho học sinh. Anh Nam thông tin lại là giao nhiệm vụ này cho anh. Tôi xin phép được gặp anh một lát được không?

-Vâng, tôi hiện đang ở nhà. Nếu tiện, mời chị qua chúng ta bàn bạc cụ thể nhé! Nhà tôi cũng gần trường…

-Vâng, tôi cũng được anh Nam cho địa chỉ của anh rồi. Tôi hết giờ nên qua chỗ anh bây giờ nhé!

-Sẵn sàng!

Du cười vui vẻ. Anh quay lại trở về nhà. Mẹ anh đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Lửa bập bùng trong gian bếp nhỏ của căn nhà sàn. Ánh lủa làm nổi dáng mẹ lom khom, gầy gò đang ngồi cúi xuống làm cá nướng trứ danh của dân tộc anh. Nhà có hai mẹ con nên bà mẹ cố gắng làm những món ăn mà con trai yêu thích. Mùi mắc khén sực nức, lan tỏa trong không gian nhỏ, ấm áp đến lạ thường:

-Mẹ à, nhà mình chuẩn bị có khách đấy!

Bà mẹ âu yếm nhìn con và cười:

-Khách quý à? Có ăn cơm ở đây không?

-Không mẹ. Họ đến để bàn công việc thôi.

Bà cúi xuống. Nhà ít người nên Du biết, bà mong con có bạn gái lắm nhưng anh thì chưa nghĩ đến. Mới ra trường đi làm nên anh muốn tận lực cống hiến cho công việc đã. Anh thường nói với bà là duyên chưa đến nên phải chờ.

Tiếng chân người bước lên cầu thang nhà sàn, Du ra đón khách. Trước mắt anh là một cô gái nhỏ nhắn nhưng có một đôi mắt to, trong veo:

-Chào anh! – Cô gái cười nhẹ

Du bỗng nhiên thấy lúng túng. Tay chân thừa thãi. Anh vụng về hua tay lên không trung một cách vô nghĩa, giọng đầy bối rối:

-Chị là…

Cô gái cười. Xem ra trong cuộc đối thoại này, cô có vẻ tự chủ hơn anh.

-Mời chị vào!

Thương lách người bước vào nhà. Cô cảm thấy buồn cười trước anh chàng to lớn, mặt đang đỏ lên trước mắt cô. Tuy còn trẻ nhưng làm công tác đoàn từ hồi còn là sinh viên nên cô có thừa sự tự tin trong giao tiếp. Cô bước đến bên bà mẹ đang hết nhìn cô rồi nhìn con trai mình:

-Cháu chào bác! Bác đang làm món cá nướng phải không? Cháu thích món này lắm!

-Vậy hôm nay ở đây ăn cơm nhé!

-Cháu cảm ơn bác. Hôm nay, cháu đến gặp anh Du có việc của nhà trường. Hẹn bác hôm khác!

-Thế à. Mời cháu ra ngoài uống nước!

Thương ra phòng khách. Du đã bình tĩnh trở lại. Anh pha nước, mời cô uống:

-Mời chị!

Thương đón chén nước chè nóng. Cô nhìn thẳng vào mắt Du:

-Chắc anh cũng đã nắm được kế hoạch của nhà trường. Hôm nay, tôi muốn qua anh để bàn cụ thể để chúng ta phối hợp cùng làm công việc này.

Du cười:

-Tôi cũng được giao nhiệm vụ rồi. Chỉ có điều cũng chưa làm công việc này bao giờ, tôi chắc không nói hay bằng cô giáo đâu!

Đôi mắt trong veo chăm chú nhìn anh:

-Cũng chưa chắc đâu. Năng lực tiềm ẩn trong mỗi người phải có điều kiện thuận lợi mới bật lên như cây rừng gặp mưa đầu mùa ấy! Cô dí dỏm so sánh

Du càng bối rối:

-Tôi sẽ cố gắng hết sức. Nếu bảo tôi làm tôi chẳng ngại khó đâu nhưng bảo tôi nói thì….

Thương mỉm cười:

-Anh cứ yên tâm. Chỗ nào anh cần, tôi có thể giúp được anh.

Du nhìn Thương. Cô gái này mới tự tin làm sao. Với cô ta, mọi việc dường như rất nhẹ nhàng. Cô ấy nói không hề mang tính khách sáo. Đấy, nhìn đôi mắt của cô, trong veo như nước suối mùa thu chảy từ trong khe núi ra. Du trầm ngâm:

-Tôi nghĩ tuyên truyền không hề là đơn giản. Nó là nghệ thuật tác động đến người nghe nên nói gì và nói như thế nào đúng là cần có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị kĩ lưỡng.

-Anh suy nghĩ như triết gia ấy nhỉ! Thương cười khúc khích – Sao anh lại chọn nghề này?

Sao lại chọn nghề này? Có lần bà Bua - mẹ anh đã hoảng hốt hỏi anh trong bữa cơm khi anh đang học cuối lớp 12.  Thiếu gì nghề đâu mà con lại đi học nghề này. Du ơi, nghĩ lại đi, mẹ sợ lắm, mẹ chỉ còn có một mình con thôi!...

Sau tết, từng trận gió Lào về thổi khô những cánh rừng. Lá cây rụng xuống ngày một nhiều. Những chiếc lá còn sót lai cũng lay lắt, ngả sang màu vàng nâu vì thiếu nước. Anh Ọi quyết định đi xẻ với hai người em họ. Họ lên núi, leo hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác, qua biết bao những bản người Mông nằm chênh vênh trên những sườn núi mà trong xa như những chuông chim bé tí. Họ cuối cùng quyết định tụt xuống một thung sâu, dựng lán tìm gỗ để xẻ. Công việc khá suôn sẻ, anh nghĩ chắc chỉ vài hôm nữa là về nhà bế thằng Du ba tuổi bụ bẫm kháu khỉnh đi chơi khắp bản và thưởng thức món xôi cá nướng thơm phức do người vợ trẻ nấu. Hôm ấy, hoàng hôn trời bỗng ngả sang màu vàng cháy, không khí khô rang, yên tĩnh đến nỗi dường như nghe thấy được cả tiếng một chiếc lá thiếu nước đến kiệt sức buông mình theo làn gió bạy xuống rơi vào lòng đất mẹ. Cả ngày làm việc vất vả nên ăn uống xong, mấy anh em nói vài câu chuyện rồi lăn ra ngủ say như chết,

Nửa đêm, có tiếng nổ lách tách xung quang khiến ông choàng tỉnh dậy. Mở mắt ra, ông kinh hãi khi thấy cả một vùng trời rực sáng xung quanh. Cháy rừng rồi! Ông cuống cuồng lay hai người em họ đang ngủ mê mệt. Họ hốt hoảng chạy ra ngoài. Cả một biển lửa xung quang đang reo hò, thị uy họ. Lửa đã biến thành một con quái vật hung dữ với những lưỡi dài, đỏ khé đang sung sướng thưởng thức liếm láp tất cả mọi thứ xung quanh. Đám tàn tro bay lên cuồn cuộn cùng với khói mịt mù. Cả ba người đứng như trời trồng, họ không biết cần làm gì lúc này. Sự sợ hãi khiến chân tay họ như tê liệt. Lửa đắc thắng trước nỗi sợ hãi của họ. Dưới thung sâu vắng người mà lửa cháy xung quanh thế này thì chạy đằng trời. Nó cất tiếng cười đắc chí bằng những tiếng động càng ngày càng to hơn. Một cành cây tắm bằng lửa bay lên không trung rồi rơi trúng mái mái lều lợp lá. Ngột ngạt quá! Nóng quá! Chắc mình chết mất! Du ơi! Bua ơi! ...

Hôm sau, tin dữ bay về bản “Họ đốt nương và làm cháy rừng. Tội quá, ba người dưới thung sâu, không thoát được…”.  Bua như người chết rồi nằm liệt giường mấy hôm. Thằng Du được người họ hàng bế đi sang nhà khác chăm sóc. Vài hôm sau, người chị họ bế Du về. Nước mắt Bua lại chảy ra. Cô thương người chồng hiền lành thương vợ, thương con nhưng đoản mệnh. Cô thương bản thân mình còn trẻ mà đã góa bụa. Cô thương thằng con ba tuổi ngây ngô vẫn hồn nhiên cười trước thực tế là nó đã mồ côi cha. “Thôi sống vì con em ạ!”.  Người chị khẽ khàng nói với Bua. Cô hiểu rằng cứ đau khổ mãi thì chồng cô cũng không bao giờ trở về nữa, cần phải sống để nuôi con khôn lớn.

Du lớn lên. Nó dần hiểu hoàn cảnh của mình và thương mẹ. Bà Bua ở vậy nuôi con. Có nhiều hôm bà mơ thấy chồng mình lúc thì cháy như ngọn đuốc lúc thì thấy người đen như than nhưng đôi mắt sáng như hai vì sao đang chăm chú nhìn mình.  Tỉnh dậy, mình ướt đẫm mồ hôi, đêm đen dài như vô tận. Bà nhón chân, vén màn ngắm đứa con trai đang say sưa ngủ…

Buổi sáng hôm đó đối với Du thật tuyệt vời. Anh bước lên bục, nhìn những gương mặt non tơ trong sáng giống mình thủa nào. “Các em ạ, nhiều bạn ngồi đây còn may mắn hơn anh rất nhiều khi anh bằng tuổi các em…”. Du mở đầu như vậy và dòng cảm xúc cuốn anh đi. Anh trôi trên dòng kí ức của chính cuộc đời mình, từ nỗi đau dài dằng dặc của cả mẹ anh và anh trong những năm tháng thơ ấu rồi đến quyết định chọn hướng đi của cuộc đời mình. Anh nhớ đến những giọt nước mắt của mẹ khi anh quyết định nộp hồ sơ vào trường Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Người mẹ lo sợ trước quyết định của con trai. Bà cố kéo con ra vì những ác mộng đã ám ảnh bà trong nhiều năm qua. Nói đến lửa là bà đã sợ lắm rồi. Nó lại chọn nghề đối đầu trực tiếp với lửa. Con ơi, có biết bố con chết khổ sở như thế nào không? Con biết chứ. Vì thế con quyết định chọn ngành này. Có một cái gì đó đã thôi thúc anh. Anh không thể nói ra cho mẹ hiểu được. Anh ngồi lặng thinh cả giờ, nhìn ngọn lửa hồng bập bùng trong bếp. Dân tộc Thái của anh thường hay ngồi ngồi quây quần cả bên bếp lửa nhà sàn, nhất là những đêm đông dài gió lạnh thổi ào ào qua những cánh rừng. Bọn trẻ con thường vùi vào đó củ sắn, của khoai hay bắp ngô, quả chuối xanh và kiên nhẫn chờ chúng tỏa mùi thơm đã chín rồi vừa thổi vừa bóc ăn và hóng chuyện với người lớn. Ngọn lửa hồng với nhiều gia đình khác sự xum vầy còn với gia đình anh là sự li tan, ngọn lửa hồng với nhiều gia đình khác là ánh sáng, là hạnh phúc nhưng với gia đình anh là nỗi đau không thể quên được. Anh thầm nghĩ: “Mẹ ơi, chỉ có đối diện trực tiếp với nỗi sợ hãi thì con người không còn cảm giác sợ hãi nữa.  Bố ở xa nhưng con tin rằng bố sẽ ủng hộ quyết định của con, mẹ ạ…”

Ngôn ngữ của Du bỗng lưu loát đến mức bản thân anh cũng không ngờ mình có thể làm được như vậy. Thật kì lạ, nó tuôn trào như dòng nước chảy liên tục không hề bị đứt đoạn. Anh nói không chỉ bằng sự hiểu biết mà bằng cả trái tim, không chỉ là công việc mà còn là sự say sưa được thổ lộ, được giãi bày. Lúc anh nói câu kết thúc: “Dưới bàn tay con người, ngọn lửa nhỏ có thể là sự sống nhưng cũng có thể là cái chết. Hãy để ngọn lửa là thiên thần, đừng để chúng thành ác quỷ, các em đồng ý không?”, “Có ạ!”. Cả trường đứng lên vỗ tay rào rào. Du thấy lòng mình nhẹ nhõm, ánh nắng bỗng dịu nhẹ và cuộc đời thật tươi đẹp. Có đôi mắt trong veo nhìn anh chăm chú không dứt. Anh thấy nóng bừng ở đôi tai và cảm giác đó đã lan nhanh xuống mặt.

Trước mắt anh, những dãy núi vẫn xanh thẫm như từ ngàn xưa. Rừng quê anh thật lạ, mùa khô, đất đỏ khè, lá cây vàng ệch, rụng như trút mà như thể một mồi lửa nhỏ là bùng lên cháy trụi, ấy thế mà một trận mưa, cây lại xanh tốt, mượt mà như chưa hề đi qua sự khô hạn. Cứ thế, mùa nọ nói mùa kia, thế hệ nọ tiếp thế hệ kia cho màu xanh bất tận. Bất giác, Du thấy thoang thoảng mùi măng khô vài nắng. Anh mỉm cười, thiên nhiên muôn đời vẫn thân thiết như thế, chỉ có con người đã đến lúc cần thay đổi…

Nguyễn Thị Thu Thủy