Thiêng liêng hai tiếng 'gia đình'

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:24, 29/11/2020

Gia đình - hai tiếng thiêng liêng với mỗi người con đất Việt. Đó không chỉ là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, truyền tiếp các giá trị văn hóa ngàn đời, mà còn là mái ấm, nơi đem lại niềm vui, sức mạnh và hạnh phúc cho mỗi thành viên. Mỗi gia đình văn hóa chính là những “hạt nhân” góp phần dựng xây một xã hội văn minh, hạnh phúc. Tuy có đóng góp khác nhau cho cộng đồng, song mỗi gia đình văn hóa ở Thủ đô đều là những nguồn lực quý báu cần phát huy, nhân rộng và lan tỏa.
Thiêng liêng hai tiếng 'gia đình'
Gia đình bà Nguyễn Thị Mậu (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) quây quần trong ngày sinh nhật cháu nội.

Những hạt nhân tiêu biểu

Bước qua khung cửa của ngôi nhà khang trang nằm ngay mặt đường Hồ Tùng Mậu (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), chúng tôi được hòa mình vào một không gian yên tĩnh, ấm cúng và ngăn nắp. Chủ nhân của ngôi nhà khang trang ấy là bà Trần Thị Truyền và ông Nguyễn Thế Vinh, một gia đình văn hóa tiêu biểu của phường Mai Dịch và quận Cầu Giấy. Sắp đến tuổi 70 nhưng bà Truyền vẫn giữ nguyên tác phong nhanh nhẹn của “người nhà binh” và nụ cười thân thiện, giọng nói rổn rảng như truyền lửa sang người đối diện.

Vốn là người sôi nổi, làm việc gì cũng tận tâm, hết mình, ngay từ khi còn công tác tại Trung đoàn 130, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, bà Truyền đã hăng hái tham gia và là “hạt nhân” trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cơ quan. Vừa "chân ướt chân ráo" về hưu năm 2005, bà đảm nhận ngay vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ của cả ba tổ dân phố 18-19-20 (phường Mai Dịch), thường xuyên có mặt trong các buổi biểu diễn văn nghệ của khu dân cư, chương trình nghệ thuật cấp phường, quận. Từ năm 2009 đến nay, bà lần lượt đảm nhận vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ dân phố số 20 và Bí thư Chi bộ tổ dân phố…

Ở vị trí nào bà Truyền cũng hoạt động hăng say, nhiệt huyết và được nhân dân trong tổ dân phố yêu mến, tin cậy. Ngay khi được người dân tin tưởng bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố, bà không quản ngày đêm lặn lội đến từng hộ trong tổng số 252 hộ gia đình trên địa bàn để nắm bắt gia cảnh, biến động dân cư. Không chỉ năng nổ với công tác xã hội, trong gia đình, vợ chồng bà Trần Thị Truyền còn là tấm gương sáng về đối nhân, xử thế để con cháu noi theo. Ông bà có 2 người con, một trai, một gái, đều được học hành đến nơi đến chốn, vừa có tri thức, vừa làm kinh tế giỏi. Bốn cháu nội, ngoại của ông bà đều học giỏi, chăm ngoan, biết kính trên, nhường dưới.

Không chỉ vậy, bà Truyền và các thành viên trong gia đình còn luôn đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện. Năm nào cũng vậy, cứ mùa bão lũ, các con bà lại cùng nhau quyên góp tiền, hàng để hỗ trợ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Đầu tháng 10 vừa qua, gia đình con trai cả của bà đã cùng anh em, bạn bè mua 3.000 thùng nước uống cùng hàng tấn lương thực, quần áo… để ủng hộ đồng bào miền Trung bị mưa lũ.

Nhiều năm đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, gia đình ông Nguyễn Văn Hà (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) với 3 thế hệ cùng chung sống, có nhiều “bí quyết” giữ gìn hạnh phúc, vun đắp “tổ ấm”, để trên dưới thuận hòa. Ông Hà chia sẻ, cả nhà quy định, vợ chồng, con cái có giận gì nhau thì cứ qua 5h chiều là phải bỏ hết, không được ôm giữ trong lòng. Ông bà, cha mẹ có trách nhiệm nêu gương cho con, cháu từ cung cách sinh hoạt đến lối ứng xử; luôn thấu hiểu để con, cháu không có cảm giác bị áp đặt. Ngược lại, con, cháu trong nhà luôn lấy câu “trên kính, dưới nhường” để hành xử cho đúng với văn hóa truyền thống. “Gia đình là một cộng đồng thu nhỏ, tập hợp nhiều cá nhân trong đó. Mỗi cá nhân là một cá tính, sẽ có lúc thuận, lúc không thuận. Nhưng chỉ cần giữ được những tiêu chí mà gia đình đã họp bàn, thỏa thuận, thống nhất thì mọi khúc mắc đều được hóa giải, trong nhà luôn đầm ấm, yên vui”, ông Nguyễn Văn Hà nói.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Quang và bà Nguyễn Thị Mậu ở tổ dân phố Chiến Thắng (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đúng lúc bà Mậu đang dìu chồng, thương binh hạng 4/4, tập đi quanh nhà. Hai căn nhà 3 tầng xây dựng sát nhau, nơi sinh sống của vợ chồng ông Quang và hai người con trai luôn đầy ắp tiếng nói cười, tiếng đàn piano vào mỗi buổi chiều tối. Đây cũng là gia đình luôn giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa trong nhiều năm qua của phường Vạn Phúc.

Đã bước sang tuổi 80, nhưng bà Mậu vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Bà kể: “Gần 30 năm nay, ông nhà tôi mắc bệnh tiểu đường, một mảnh đạn còn găm lại trong chân nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Hiện, mọi sinh hoạt hằng ngày của ông ấy đều phải có người trợ giúp.

Ban ngày thì vợ chồng tôi chăm sóc nhau, chiều về hai con trai, con dâu và các cháu cùng hỗ trợ tôi chăm sóc ông, bố. Dù cuộc sống trước đây khó khăn, nhưng vợ chồng tôi luôn lo toan để các con học hành đầy đủ, đồng thời luôn bảo ban, dạy dỗ các con chu đáo. Nhờ vậy mà nay chúng rất có hiếu với bố mẹ và yêu thương nhau”.

Lan tỏa trong cộng đồng

Nhận xét về những đóng góp của gia đình bà Trần Thị Truyền, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch Đoàn Thị Ngọc cho biết: “Phường Mai Dịch có trên 6.000 hộ gia đình, trong đó có trên 5.000 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa với tỷ lệ 91,37%. Trong số đó, gia đình bà Trần Thị Truyền là một trong 6 gia đình văn hóa tiêu biểu. Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng, xã hội và trong việc gìn giữ “nếp nhà” trên dưới thuận hòa, gia đình bà Truyền thực sự là tấm gương sáng, góp phần lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người”.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây Phan Thị Thu Hương, những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, ngành, địa phương của thị xã quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Trong đó có sự đóng góp tích cực của các gia đình như gia đình ông Nguyễn Văn Hà. Đặc biệt, phong trào này đã có sức lan tỏa lớn đến các phong trào khác, như: Xây dựng nông thôn mới; gìn giữ an ninh trật tự, ngõ, phố xanh - sạch - đẹp; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…

Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông Vũ Minh Thu cũng chia sẻ, các gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc như gia đình bà Nguyễn Thị Mậu chính là tấm gương cho các gia đình trẻ trên địa bàn phường, quận học tập, nỗ lực xây dựng gia đình đầm ấm, kinh tế ổn định, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Rõ ràng, mỗi gia đình văn hóa đều là tấm gương sáng về sự yêu thương, sẻ chia và đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Chính những người biết xây dựng, giữ gìn hai tiếng thiêng liêng “gia đình” là những hạt nhân góp phần làm chuyển biến nhận thức của các gia đình khác trong cộng đồng về xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức truyền thống cũng như lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong giai đoạn 2005-2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội, trung bình mỗi năm có 87,5% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60,5% thôn, làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa” và 71,5% tổ dân phố đạt “Tổ dân phố văn hóa”...

HNM