Dục tốc bất đạt

Tin tức - Ngày đăng : 09:09, 11/08/2020

Thông tin về Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh được quyết định điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khi mới 36 tuổi và chỉ sau Đại hội địa phương đó ít ngày, vẫn đang gây xôn xao dư luận.
Dục tốc bất đạt
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan trao quyết định cho ông Nguyễn Nhân Chinh - Ảnh: VietnamNet

13 ngày sau, dư luận lại càng xôn xao hơn khi vị cán bộ trẻ ấy đã được quyết định điều chuyển sang làm Phó Giám đốc một Sở.

Câu chuyện điều động, bổ nhiệm nhân sự “rất lạ” ở TP Bắc Ninh lần này khiến rất nhiều câu hỏi băn khoăn được đặt ra. Băn khoăn không chỉ ở tuổi đời, ở bằng cấp của vị cán bộ trẻ ấy, mà còn ở “cách” làm nhân sự không giống ai.
Vị cán bộ trẻ ấy được điều động làm Bí thư Thành ủy chỉ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Bắc Ninh một tháng, khi Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư khóa mới. Sau đó, Bí thư được bầu này chuyển sang vị trí công tác khác và vị cán bộ trẻ được đưa về nắm giữ vị trí này. Việc điều động, chỉ định Bí thư mới diễn ra, dù nằm trong thẩm quyền của Thường vụ Tỉnh ủy nhưng vẫn gây dư luận nhiều chiều.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu một cán bộ mới ngoài 30 tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn lại giao đứng đầu một Đảng bộ quan trọng như vậy, liệu có ổn không? Và nếu đây không phải là con trai của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm thì có được ngồi vào “ghế” này không?...
Mặc dù sau đó, trước những phản ứng từ dư luận, một quyết định được cho là "sửa sai" đã được đưa ra, khi điều chuyển công tác vị Bí thư Thành ủy trẻ sang vị trí khác. Nhưng chính sự nhập nhằng, thiếu minh bạch khi bổ nhiệm nhân sự cũng khiến dư luận nhớ lại những câu chuyện đã nhiều lần râm ran về việc "cả họ làm quan" liên quan đến lãnh đạo địa phương này.
Đáng nói, trước đó, trả lời báo chí về quy trình công tác nhân sự đối với vị cán bộ trẻ này, người làm công tác tổ chức của tỉnh Bắc Ninh cho rằng "không vướng quy định nào của Đảng cả". Vậy, nếu đúng quy trình, không vướng quy định nào thì tại sao mới bố trí giữ chức Bí thư Thành ủy 13 ngày đã điều chuyển sang vị trí khác?
Đây dường như cũng không phải là câu chuyện hiếm trong bổ nhiệm cán bộ thời gian qua. Việc bổ nhiệm cán bộ, sau đó gặp phải phản ứng của dư luận rồi điều chuyển sang vị trí khác đã có không ít bài học rất lớn từ các địa phương, cấp, ngành. Khi giải thích, người trong cuộc luôn nói là đúng quy trình, nhưng “đúng quy trình rồi, lại không đúng người”, bởi sự thăng tiến “thần tốc” của một số cán bộ trẻ ấy đều nhờ sự "nâng đỡ" của những người đứng đầu địa phương.
Nhân gian có câu “dục tốc bất đạt”, làm việc gì mà vội vàng, nôn nóng sẽ khó thành công. Câu nói đó thật đúng khi áp vào một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ quá nhanh thời gian qua. Trong khi hầu hết cán bộ phải miệt mài phấn đấu thời gian rất dài mới được ghi nhận, cất nhắc, bổ nhiệm thì nhiều người, không hiểu có năng lực gì lại “đốt cháy được giai đoạn". Điều dư luận, trong đó có cả những người làm công tác quản lý vẫn không thể hiểu nổi một quy trình được cho là rất chặt chẽ về công tác cán bộ, đặc biệt là việc bổ nhiệm chức vụ nhưng không hiểu sao lại rộng mở với số ít cá nhân.
Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, những trường hợp “trái non chín ép” không sớm thì muộn cũng bộc lộ yếu kém, thất bại. Đối với trường hợp của vị cán bộ trẻ ở Bắc Ninh này cũng như những trường hợp tương tự, đó chính là bài học đau xót về sự vụ lợi, vun vén cho bản thân và gia đình. Những ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những việc này, đó là câu hỏi đang được dư luận quan tâm để tình trạng bổ nhiệm "bừa" sẽ không trở thành “tình trạng chung” trong tương lai.

kinhtedothi