Quán cóc...

Trịnh Thu Tuyết| 02/04/2021 08:53

Quán cóc...

Gọi là “quán trà/ quán cóc” theo thói quen chứ thực ra hầu hết là các hàng trà chén ngồi ghé đầu hè, đầu ngách, nép bên cột điện, gốc cây..., chứ chẳng có lều có quán gì! Không nhẽ gọi là “quán trà - không quán”! 

Những quán trà kiểu đó thường nhỏ xíu, đồ nghề gọn nhẹ vì chút vốn còm cõi, vì thân phận ngồi ghé, ngồi nhờ, và chắc còn vì để... dễ chạy công an, hình như từ lâu lắm đã trở thành một phần của nhịp sống vừa hối hả vừa thư nhàn trong lòng Hà Nội hiện đại mà xưa cũ này! Một chiếc ấm tích cáu dày lớp cao trà đặt vừa khít trong cái ấm giỏ cũ kĩ, mấy cái chén uống trà bằng thủy tinh cũ kĩ nhưng luôn sạch sẽ, vài cái phích Rạng Đông thường đã mất nắp ngoài, vỏ lỗ chỗ gỉ sắt, cái bật lửa lắp vừa vặn trong một ống nhựa đủ dài và nặng để khách chỉ có thể dùng mà không thể lơ đễnh cất nhầm vào túi, vài cái ghế nhựa xanh đỏ... đó là “cơ ngơi” của phần lớn các quán trà vỉa hè. Phần quan trọng nhất tạo nên linh hồn của những quán trà này chính là chủ quán - những người thường đã qua tuổi lao động, hầu như không có dáng bươn bả, tất bật của mưu sinh mà thường thư thả, nhàn nhã như tham gia vào một thú vui, một thói quen... 

Cách đây vài chục năm, trong một ngách nhỏ trên phố Tràng Thi, nhìn chếch sang Thư viện Quốc gia cũng có một quán cóc như thế. Bà chủ quán già tới mức như không còn tính được tuổi nữa, lơ đễnh như cuộc đời, tóc bạc phơ, lưa thưa, chải gọn và mượt để lộ đường ngôi cũng trắng mướt như tóc, chân chỉ, nền nã, quần áo giản dị gọn gàng ... Bà ngồi bình thản trên chiếc ghế con, lặng lẽ nhìn dòng người một chiều lướt qua đều đặn trước mặt. Nhìn đôi mắt bà, tôi hay nhớ tới những người lính “Một lần tới Thủ đô” của Trần Đăng, “mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe” - dù biết bà hoàn toàn khác họ - những người lính ở rừng nhiều năm, họ tự luyện mình thành “thép đã tôi thế đấy” để dằn lòng thản nhiên trước những văn minh vật chất đang bày trước mắt, họ điều tiết trái tim và cả bản năng trong mình bằng lí trí, gói kín mọi ẩn ức, khát khao trong cái thản nhiên rắn lạnh như gỗ đá... Còn bà lão bán hàng nước của tôi, bà nhìn hết, nghe hết, hoàn toàn ngưng lặng, bình thản, tuyệt không cần gắng sức để nhớ hay quên, để thờ ơ hay chú ý... 

Ngồi bên bà, tôi hay nhớ tới bà lão bán hàng khô ở một làng quê nghèo, trong một khu chợ nhỏ và buồn, gần ngôi trường tôi dạy hồi mới ra trường - hỏi bà để mua mấy lạng miến, bà chậm rãi cân miến, thong thả buộc miến bằng sợi dây đay, rồi nhận tiền, nhặt riêng mấy đồng xu xâu vào chuỗi xu khá dài trong hộp đựng tiền. Mấy chục năm rồi tôi vẫn không quên được hình ảnh bà cụ ngồi trong buổi chiều hiu hắt, giữa phiên chợ nghèo vắng như trong trang sách Thạch Lam, cứ vừa lẩm bẩm tính toán gì đó, vừa lần đếm những đồng xu trong chuỗi xu chiu chắt chắc từ rất lâu rồi... Tôi nhớ cô gái 21 tuổi là tôi lúc đó cứ ngẩn ngơ nhìn bà cụ, và tới khi nhận ra sự tương hợp kì lạ giữa bà lão, buổi chiều và cảnh chợ quê buồn bã, hình như cô gái ấy lỡ rơi một giọt nước mắt, phi lí tới mức phải vội vã chào bà và trở về khu tập thể giáo viên nằm bơ vơ giữa cánh đồng...  Chỉ khác là bà già trong chợ chiều ngày xưa gợi nỗi buồn bã của sự lo toan tàn lụi, còn bà lão bán hàng nước bên đường Tràng Thi chỉ toát ra cảm giác an nhiên và thờ ơ, đặc biệt là cảm giác bà như nhập vào dòng thời gian, không ngưng nghỉ, không lụi tàn... 

Ngày ấy, cứ mỗi lần tới thư viện, tôi lại ghé vào cái ngách nhỏ xíu của bà, dù biết có thể bà chẳng nhớ ra tôi là khách quen, mỗi khi kéo chiếc ghế gỗ nhỏ ngồi xuống quán, đỡ chén nước vàng óng, trong vắt, nóng bỏng từ bàn tay ngàn vạn nếp nhăn của bà, tôi vẫn cảm thấy ấm áp như về với ngày xưa, thân thuộc và bình yên vô cùng. Hỏi bà vài câu về thời tiết nắng mưa, những câu hỏi và lời đáp luôn như sự hiện hữu rõ nhất cái trống thênh của hư vô - người hỏi không cần nghe thông tin, người đáp không cần khớp ý, những tương tác không thể coi là vô nghĩa dù nội dung thông tin hầu như luôn vô nghĩa - Mấy nay lạnh quá bà nhỉ!

- Ừ lạnh thật đấy! - và kì lạ là một người vốn hay bận tâm tới ý nghĩa của những diễn ngôn như tôi lại thấy chuỗi lời rỗng nghĩa ấy giàu chất thơ hơn bất kì bài thơ nào trên đời. Tôi luôn đọc ra ở đó nhịp trôi chảy bình dị ngọt ngào của cuộc sống, luôn tìm thấy ở đó nguồn năng lượng vô tận của thời gian vô tận, thấy như được tham dự vào dòng miên viễn của cuộc sống, để chút nữa, khi sang thư viện, cảm nhận rõ hơn sự ân thưởng khi dõi tìm cái ngưng lặng hiện hữu những khoảnh khắc trí tuệ hay cảm xúc của tiền nhân trên trang sách. Sau vài câu hỏi đáp quen thuộc, bà lặng lẽ ngắm nhìn dòng người, xe một chiều, tôi lặng lẽ tận hưởng vị chát ngọt mềm tan của trà, hương thơm quen thuộc vương vấn trong làn khói rất nhẹ từ miệng chén, hơi ấm tỏa lan trong lòng bàn tay... bà ngắm hiện tại trước mặt, tôi ngắm quá khứ ngay trên gương mặt và trong chén trà của bà... Lạ là những người khách dừng lại bên quán của bà, người nào cũng lặng lẽ như bà vậy, xin chén nước, chào hỏi xong, uống từng ngụm óng vàng lẫn với nắng đông trong vắt, và im lặng, hình như họ cũng sợ làm thanh động cái bình yên dịu ngọt nơi đây. 

Một sáng mùa đông mấy mươi năm sau, nắng trong ngần như ngọc, đủ để sóng sánh sắc trà vàng óng, gió lạnh đủ để se sắt khiến hơi nóng tỏa từ tách trà càng ấm nồng, gió và nắng dan díu đong đưa cho sợi tóc thêm lòa xòa, ánh mắt thêm xa xăm, và lời thơ Heine hình như chưa chịu ứng nghiệm bởi mùa hè vẫn cứ nồng cháy đâu đây dẫu trời đã sang đông và tóc xưa đã ngả bạc! 

Quả là những “quán trà - không quán” này đem tới cho người ta cảm giác không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khi rõ ràng ngồi giữa phố đông, hoàn toàn nhập thế với người xe qua lại, với bụi và tiếng ồn, với nắng và gió... mà vẫn như đang miên man cõi khác, yên tĩnh xa lạc với hoang vu... 

Bỗng nghĩ tới một ngày dừng lại, sắm ấm chén và dăm chiếc ghế nhựa, ngồi một góc hè phố nào đó, nhìn thời gian... 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Quán cóc...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO