Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Cần có chính sách cho một số doanh nghiệp đầu tàu

Nhóm Phóng viên/KTĐT| 27/10/2018 09:56

Sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia giải trình về các vấn đề được quan tâm.

Trong hai ngày 26 và 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch năm 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu, nhưng chưa vững chắc

Phát biểu đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đánh giá, tăng trưởng GDP 2018 vượt chỉ tiêu Quốc hội là tín hiệu tích cực, nhưng tính bền vững chưa vững chắc khi nguồn lực tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào các DN FDI. Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 200% GDP, cho thấy tăng trưởng dựa vào nhu cầu thế giới nhưng nguồn lực đáp ứng nhu cầu (phục vụ sản xuất của khối FDI) lại nhập từ bên ngoài. ĐB Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần có giải pháp tích cực trong thời gian tới.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kiểm soát thấp hơn 4%, để giữ mức này Chính phủ đã sử dụng một số giải pháp hành chính như hoãn tăng giá điện, kiềm chế giá xăng dầu. “Tôi lo rằng, sẽ có áp lực dồn đẩy sang năm 2019, nên Chính phủ cần có kế hoạch thật tốt kiểm soát lạm phát năm sau”, ĐB Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thanh Hải cho rằng, Chính phủ cần tăng dự báo tình hình, nhất là trước thời cơ và thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; như việc chuyển dịch hàng Trung Quốc và tỷ giá sẽ tránh được những thiệt hại cho xuất khẩu, tránh thực trạng được mùa mất giá nông sản như vừa qua...

Một vấn đề nữa được ĐB đoàn Tiền Giang đề cập là ô nhiễm môi trường, xử lý rác. Theo ĐB, khoảng cách giữa bãi rác và khu dân cư ngày càng rút ngắn, bài rác quá tải, gây bức xúc trong dân. Nước bẩn tràn ra khi mùa mưa, mùi hôi thối bốc ra trong dân. Vấn đề này đã tồn tại từ lâu nhưng không được chỉ đạo đến nơi đến chốn. “Đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm”, ĐB đề nghị.

ĐB Nguyễn Thanh Hải cũng nêu mối lo ngại về việc đòi nợ thuê, chế tài xử lý chưa rõ, khiến dân bức xúc, bất an. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy tràn lan, nhiều hệ lụy. 70% tội phạm xuất phát từ ma túy. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện, cực độc, gây tác động lớn. Phương tiện trang bị cho cơ quan chức năng để phát hiện các loại này còn hạn chế.

Sau cổ phần hóa, DN có hoạt động hiệu quả?

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nêu: Cách đây 1 năm, Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu. Do đó, công tác xử lý đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên, hiện còn nhiều xung đột về quy định thi hành án dân sự đang là rào cản cho Nghị quyết này. “Đề nghị Quốc hội quan tâm chấn chỉnh”, ĐB đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ĐB, thời gian gần đây, đồng bào ở miền núi phía Bắc đang phải đối mặt nhiều thiên tai, cơn lũ dữ. Thay mặt cử tri Đà Nẵng, chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm đưa đồng bào về chỗ an toàn, để an cư lạc nghiệp.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Bá Sơn quan tâm đến hiệu quả của quá trình cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa liệu một số DN có hoạt động hiệu quả hay không. Đặc biệt, tiến độ xử lý một số công trình chậm tiến độ, yếu kém đến đâu rồi?

Đề cập đến việc thời gian dành cho ngành thuỷ sản Việt Nam thực hiện các yêu cầu về minh bạch ngư trường đánh bắt đã hết hạn, ĐB Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh: "Nếu điều này không được tháo gỡ kịp thời đồng thời với việc xây dựng một tập quán đánh bắt hải sản phù hợp với thông lệ quốc tế, thì ngành thuỷ sản và phát triển xuất khẩu thuỷ sản sẽ gặp không ít khó khăn". ĐB cũng đề nghị cơ quan chức năng xử lý tốt vấn đề nội tại và hợp tác với EU sớm tháo gỡ thẻ vàng đối với thuỷ sản.

Đề nghị phân bố nguồn lực theo hướng thị trường

ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần đổi mới phương thức phân bố nguồn lực theo hướng thị trường, phát triển DN lĩnh vực nông nghiệp, tập trung đầu tư các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

ĐB đoàn Trà Vinh, người dân đang rất bức xúc về hàng giả, hàng nhái tràn lan, đặc biệt là phân bón nông nghiệp. Tình trạng thất nghiệp cũng được ông Bình nhắc đến và đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp, chú ý kéo giãn doanh nghiệp về vùng nông thôn để giải quyết việc làm cho lao động tại đây.

ĐB Thạch Phước Bình cũng đề nghị Chính phủ có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên.

Sáp nhập trường tiểu học và THCS có hiệu quả hay không?

ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nói hiện người dân nhận thức không đúng và đủ về chi tiêu cho bộ máy, khiến họ nghĩ bộ máy là gánh nặng với dân. Thực tế, chi cho bộ máy hành chính chỉ khoảng 10% chi thường xuyên. Sự cần thiết tinh giản bộ máy ta nói không đầy đủ, làm cho người dân đang nhận thức bộ máy là một gánh nặng cho ngân sách. Chúng ta cần phải truyền thông cho người dân hiểu đúng.

70% chi thường xuyên cho 13 mục tiêu trong đó bộ máy hành chính, đảng đoàn thể… chỉ chiếm 10%. Trong khi đó, chi thường xuyên bao gồm cả chi cho sự nghiệp y tế và giáo dục và ta đang bao cấp cho người dân. Nếu không bao cấp thì giá sẽ giống các đơn vị tư nhân. Số chi đó là chi chi cả người dân chứ không phải là chỉ chi cho bộ máy. Nếu truyền thông không đúng thì người dân hiểu không đúng...

ĐB đoàn Ninh Bình cho rằng, mục tiêu là tinh giản nhưng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Chúng ta đang chạy theo vấn đề tinh giản. Ai làm được nhiều tinh giản, sáp nhập coi là thành tích. Chính phủ cần quan tâm, và phải trả giá về việc sát nhập, nhập vào lại thôi.

“Đơn cử như trường tiểu học và trường THCS nhập vào với nhau giảm bớt được lãnh đạo, giảm mấy giáo viên năng khiếu. Liệu khi sáp nhập có hiệu lực hiệu quả hay không? Ở vùng cao nếu sáp nhập thì các cháu đi học như thế nào. Chính phủ cần quan tâm, không được vội vàng”, ĐB Bùi Văn Phương dẫn chứng.

Bên cạnh đó, ĐB bày tỏ băn khoăn: “Gần đây tôi thấy có một số địa phương đã làm nhập sở nọ sở kia… nhưng nhập dựa trên quy phạm pháp luật nào, mà bên dưới thực hiện như thế nào, để đảm bảo đúng pháp luật?”

Cần có chính sách cho một số DN đầu tàu

Theo ĐB Hà Sĩ Đồng (đoàn Quảng Trị): Báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình kinh tế-xã hội khả quan hơn năm 2017, củng cố niềm tin cho dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao và nhiều khả năng vượt mục tiêu 6,7%.

Tuy vậy, ngành nông nghiệp không còn giữ được tốc độ cao như 2 quý đầu năm, kết quả triển khai nông nghiệp công nghệ cao chưa được như ý muốn để tăng trưởng 4-5%/năm; ngành du lịch chịu tác động bởi cạnh tranh thương mại quốc tế. Ngành xây dựng tăng trưởng cho thấy việc tháo gỡ các nút thắt trong đầu tư công đã có ý nghĩa tốt. ĐB đoàn Quảng Trị cũng đề nghị cần có chính sách cho một số DN đầu tàu.

ĐB Hà Sĩ Đồng cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã phân tích khá cụ thể về năm 2019, đại biểu phân tích kỹ hơn về cạnh tranh Mỹ - Trung, không chỉ thuần túy về thương mại. Từ đó, đại biểu kiến nghị một số vấn đề về chính sách tiền tệ và cho rằng, cần tiếp tục cải cách thể chế, hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thu gọn khu vực kinh tế nhà nước. Bảo đảm thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Đẩy mạnh tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ DN, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, bức tranh kinh tế đang đẹp nhưng vẫn còn vết nhám cần giải quyết, như chính sách hỗ trợ DN còn thiếu công bằng, còn nhiều thủ tục, rào cản với DN. Tiến trình cổ phần hóa còn chậm.

ĐB đoàn Bến Tre đã nêu một số ví dụ cụ thể về các nội dung này và đề nghị cần bịt các lỗ hổng trong cổ phần hóa; tăng cường kiểm toán, thanh tra; coi trọng cải cách tư pháp.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội

Tham gia giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Thứ nhất, về tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ đã triển khai quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Công Thương có đề án với 9 nhiệm vụ lớn. Trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo là động lực tăng trưởng của nhiều năm nay, 2017 tăng trưởng hơn 14%, nhiều lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định chứ không phụ thuộc vào một số ngành. Dệt may đứng thứ 7 thế giới, da giày thứ 3 về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu, thủy sản thứ 4, đồ gỗ đứng thứ 5 về xuất khẩu. Đã hình thành một số tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng nhắc đến một số doanh nghiệp lớn có đóng góp lớn cho nền kinh tế và xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng, mặc dù khu vực FDI vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng trong năm 2017, 2018, khu vực có vốn đầu tư trong nước đã có bước phát triển nhanh, cách biệt giữa hai khu vực trong nước và nước ngoài đã có chuyển dịch tích cực.

Chúng ta cũng đã quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp, hình thành một số trung tâm công nghiệp theo các ngành; thực hiện tốt chủ trương đa phương, đa dạng hóa các thị trường thương mại, xuất khẩu tới gần 200 quốc gia, riêng nông sản tới 180 quốc gia. 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Chất lượng hàng hóa ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới - hiện cũng không còn thị trường nào dễ tính nữa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng phân tích thêm về cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và cho biết, Chính phủ rất quan tâm, các bộ ngành nghiên cứu, phối hợp thường xuyên và báo cáo Chính phủ, từ đó khai thác tốt cơ hội và hạn chế các nguy cơ. Do không có thời gian, Bộ trưởng xin phép sẽ báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, về 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng khẳng định đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý. Các dự án này cần được xử lý trong khung khổ luật pháp, theo đúng nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Các Bộ ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc này, đến nay, tiến độ đến nay cơ bản đạt một số kết quả tích cực. Sáu dự án dừng kinh doanh thì đã có 2 dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. Bốn dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ.

Hai dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học cũng đã có những chuyển biến cụ thể. Các dự án khác như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam... có nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý rất đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật...

Cân nhắc mục tiêu lạm phát khoảng 4% trong năm 2019

ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho biết đồng tình cơ bản với các báo cáo. Chính phủ đã xây dựng và triển khai rất kiên định các chương trình phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh và đây là lần đầu tiên Chính phủ có Nghị quyết về phát triển DN. Chính phủ cũng đã ghi dấu ấn mới về các hiệp định thương mại tự do. Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần một thập kỷ qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đó là một kỳ tích.

"Nền kinh tế của Việt Nam hiện có độ mở cao và rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ tiếp tục leo thang, thì liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%/năm cho 2 năm tới? Và liệu các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam? Trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là các động lực chính của tăng trưởng", ĐB đoàn Thái Bình nói.

ĐB Vũ Tiến Lộc cho hay, nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi, trong bối cảnh đó, các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư trong thời gian tới sẽ khó khả quan và thuận lợi như trong 3 năm qua. Do vậy, việc xác định các mục tiêu khác như thu/chi ngân sách, nợ công... rất cần có sự thận trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.

Về kiềm chế lạm phát, trong 3 năm qua luôn giữ được dưới 4%, đó là kết quả rất quan trọng, thể hiện bản lĩnh của Chính phủ. ĐB đề nghị cần cân nhắc mục tiêu lạm phát khoảng 4% trong năm 2019. ĐB cũng nêu ra một số vướng mắc trong phát triển DN như chế độ kế toán, chính sách thuế... cần sửa đổi để dễ áp dụng và thuận lợi cho đội ngũ DN nhỏ, siêu nhỏ như nhiều nước đã làm.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Cần có chính sách cho một số doanh nghiệp đầu tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO