Sự thật thà của một thể loại

Thanh Thảo| 24/02/2019 07:59

Chiến tranh đi qua rất lâu rồi, nhưng ký ức về chiến tranh vẫn còn đọng lại. Với thế hệ chúng tôi, ký ức chiến tranh là một cái gì không thể quên, không muốn quên.

Sự thật thà của một thể loại
Thượng nghị sĩ John McCain nhận bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch từ ông Phạm Quang Nghị. 
Tôi đọc nhật ký chiến trường và những ghi chép ở vùng ven của Phạm Quang Nghị một cách chậm rãi.
Chiến tranh đi qua rất lâu rồi, nhưng ký ức về chiến tranh vẫn còn đọng lại. Với thế hệ chúng tôi, ký ức chiến tranh là một cái gì không thể quên, không muốn quên. Nó không phải là một tài sản có thể đo đếm, không phải là huy chương, huân chương để có thể tự hào, nhưng nó âm thầm sống như một mạch nước ngầm lặng chảy sâu trong lòng mình. Bỗng một lúc nào đó, mạch ngầm kia vọt trào, nhắc nhớ, day dứt, hiển hiện.
Khi Phạm Quang Nghị rời ghế trường Đại học Tổng hợp, khoa Sử để vào chiến trường B2 Nam Bộ, anh còn rất trẻ. Nhưng những suy nghĩ, những xúc cảm của anh ghi trong nhật ký thì đã nhiều chín chắn, cứng cáp hơn người. Không dám hơn ai, thì hơn tôi, chẳng hạn. Ngày lên Trường Sơn tôi tròn 25 tuổi, nhưng còn hồn nhiên ngây thơ lắm. Phạm Quang Nghị ngày ấy bước vào tuổi 22 mà đã có nhiều suy nghĩ khá chính thống, và anh đã giữ được sự chính thống không cố ý ấy cho tới mãi về sau.
Nhưng phải đọc nhật ký, mới thấy rõ hơn chất thật thà - chính thống trong con người Phạm Quang Nghị. Đó là sự thật thà bẩm sinh, tư chất trung thực như anh vốn có, không một chút làm dáng hay tô vẽ. Phạm Quang Nghị đã mang được phẩm chất ấy của mình tới những quãng đời về sau, kể cả khi anh là một quan chức cao cấp - Ủy viên Bộ Chính trị.
Trong một con người, tôi đánh giá cao nhất là đức thật thà. Xưa người ta hay nói: “Thật thà là cha đứa dại”, nhưng  tôi thà là đứa dại còn hơn là không thật thà.
Mấy năm trước, Phạm Quang Nghị đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội sang thăm Hoa Kỳ với tư cách là đại diện của Đảng. Anh đã tặng cho Thượng nghị sĩ John McCain một món quà. Đó là bức ảnh chụp tấm bia kỉ niệm dựng bên hồ Trúc Bạch, ghi dấu nơi Trung úy phi công hải quân Mỹ John McCain lái máy bay ném bom Hà Nội và bị bắn hạ. John nhảy dù rơi xuống hồ Trúc Bạch và được người nông dân Mai Văn Ôn cùng một số dân quân bơi ra cứu sống. Sau khi anh Nghị tặng tấm ảnh mà theo một số người cho là “nhạy cảm” ấy, nhiều ý kiến đã chỉ trích anh trên mạng xã hội, nói rằng anh đã “làm nhục” một Thượng nghị sĩ Mỹ. Khốn nỗi, họ lại không biết rằng, Thượng nghị sĩ John McCain từ lâu đã rất thích thú và tự hào về việc ông được dựng bia bên hồ Trúc Bạch. Một kỷ niệm mà theo ông là vô giá. Mỗi lần sang Việt Nam, ông đều đến chụp ảnh trước tấm bia ấy. Nụ cười vô cùng thật thà của John McCain cùng Phạm Quang Nghị đang giơ cao bức ảnh đã nói lên tất cả. Tôi rất thích bức ảnh này. Trong ảnh, cả người trao và người nhận đều cười rất thật thà, cười hết cỡ luôn. Và như trong một bài báo cho biết, sau khi tặng ảnh, hai người còn có cả một nửa buổi chiều đi dạo, tham quan tòa nhà Quốc hội Mỹ thật vui vẻ. Vậy thì sao nhỉ? Sống ở đời, thật thà có khi cũng thua thiệt, nhưng bù lại, thật thà khiến ta thanh thản vô cùng, thoải mái vô cùng. Có lẽ bởi thế, trong chuyến thăm Việt Nam vào năm sau (tháng 5/2015), Thượng Nghị sĩ John McCain đã đề nghị có cuộc gặp lại Phạm Quang Nghị tại trụ sở Văn phòng Thành ủy Hà Nội để bày tỏ lời cảm ơn về việc Phạm Quang Nghị đã tặng ảnh và đã cho sửa lại lời ghi chú trên tấm bia.
Tôi rất ấn tượng với chuyện Phạm Quang Nghị ghi trong nhật ký về ông già Nam Bộ đã rót cho anh ly rượu uống trước khi vượt Lộ 4 về R: “Uống ly rượu này để lát nữa qua lộ chạy cho mạnh chân. Mà rủi có chết, cũng chết khi đã được uống rượu”. Chiến tranh là như thế! Và tình người trong chiến tranh, tình quân dân trong chiến tranh là như thế! Thật thà đến tận cùng! Không ai chúc rượu cho cán bộ vượt Lộ 4 để “Lỡ có chết…” như ông già nông dân ấy cả. Nhưng đó lại là tất cả tình cảm thật thà nhất mà một người dân vùng ven đã dành cho một “Việt cộng” trong giờ phút nguy nan nhất. Đấy lại là sự thật của chiến tranh, của con người, của lòng dân vùng ven Lộ 4 đã dành cho Phạm Quang Nghị ngày ấy.
Chuyện chiến tranh có quá nhiều trong những quyển nhật ký và ghi chép của Phạm Quang Nghị. Nó đã khiến người đọc hôm nay cảm xúc chính vì cái tình thật của người ghi chép. Phạm Quang Nghị chỉ khiêm nhường ghi nhật ký những sự việc thường ngày, những câu chuyện có thật, có thể viết thành truyện ngắn, thậm chí thành tiểu thuyết. Mà anh lại là người, theo tôi, có tố chất của một người viết văn xuôi. Nhưng anh chỉ ghi nhật ký, thỉnh thoảng điểm xuyết những ghi chép, tôi đoán rằng đấy là những chuyện anh muốn nhớ, như những bút ký chiến trường, vậy thôi.
Sự thật thà của một thể loại
Nhật ký và ghi chép những năm tháng đi B của ông Phạm Quang Nghị
Ghi nhật ký là để dành cho riêng mình. Viết, ghi chép thì có thể cho người khác đọc. Nhưng trong cả hai thể loại này, Phạm Quang Nghị đều viết cùng một giọng văn thật thà, mộc mạc. Phản ảnh, ghi chép hết sức trung thực các sự kiện, địa chỉ, con người, cuộc sống… Từ người cán bộ đi cùng anh, có dáng người thật cao, khá bất lợi khi ở nơi trận mạc - nhạc sĩ Nguyễn Đồng Nai, tên gọi trong nhật ký: anh Đông Hải, cúi lom khom lội đồng trong đêm về vùng ven, một tay đỡ chiếc bồng, một tay bơi bơi để giữ thăng bằng; bóng cây dừa lảo đảo trên mặt đất dưới ánh pháo sáng treo lơ lửng trên không trung; hay cảnh chạy giặc càn của người dân vùng ven ngày ấy. Những ghi chép như chỉ cho riêng anh. Ngày ấy, ghi nhật ký không phải là không nguy hiểm. Một người bạn cùng đoàn nhà văn trẻ đi chiến trường Nam Bộ với Phạm Quang Nghị cũng chỉ vì “trót” ghi nhật ký trên Trường Sơn mà bị “hành” suốt mấy năm ở chiến trường. Tới mức, khi đã giải phóng Sài Gòn, bạn bè đều đã về Sài Gòn vui vẻ cả, thì một mình anh vẫn nằm heo hút ở một cánh rừng, yên tâm làm nhiệm vụ trông giữ một nhà kho. “Anh giữ những gì khi tất cả đã lãng quên?”. Tôi đã có một câu thơ như thế tặng anh trong trường ca “Metro” viết cách đây đúng 10 năm, nhân kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn. Nhật ký, người ghi nó đôi khi cũng gặp rắc rối vì sự thật thà. Thật thà là bản tính cốt lõi của thể loại nhật ký, vì thế có khi sinh chuyện. Cũng như, vì thật thà mà Phạm Quang Nghị mang bức ảnh “Bia kỷ niệm hồ Trúc Bạch” sang tận Hoa Kỳ tặng Thượng nghị sĩ John McCain. Cũng vì thật thà mà vị Thượng nghị sĩ này đã “cười hết cỡ” vì vui khi nhận món quà đặc biệt đó. Cũng vì thật thà mà Thượng nghị sĩ John McCain – người tù binh chịu năm năm rưỡi trong nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội, đã là một trong những người Mỹ đi đầu và rất mực kiên định trong việc bắc nhịp cầu hữu nghị Mỹ - Việt sau khi chiến tranh kết thúc. Và cũng vì thật thà mà khi Thượng nghị sĩ John MaCain qua đời, Phạm Quang Nghị đã trực tiếp tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để ghi sổ tang và gửi lời chia buồn tới gia đình. Thật thà là thế đó!
Dĩ nhiên, khi nói “Sự thật thà của một thể loại” thì trước hết phải nói về sự thật thà của người cầm bút ghi chép trong khuôn khổ thể loại đó. Tôi đã đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nhật ký Chu Cẩm Phong”, “Nhật ký Dương Thị Xuân Quý”, và tôi yêu thương, cảm phục những nhà văn - liệt sĩ này chính vì sự thật thà đến trong veo của họ khi ghi nhật ký. Đọc nhật ký và những trang ghi chép của Phạm Quang Nghị, tôi được sống lại không khí của Trường Sơn, của Đồng Tháp Mười, của vùng ven Lộ 4 năm xưa. Và được gặp lại những con người mà tôi cảm nhận được là Phạm Quang Nghị đã rất yêu quý họ.
Nhật ký là một thể loại đặc biệt, bởi khi ghi nhật ký, người viết chỉ dành những ghi chép ấy cho mình, cùng lắm là cho một vài người thân trong gia đình đọc. Nhưng nhật ký chiến trường lại có giá trị khách quan, vì nó ghi chép lại mọi ý nghĩ trung thực, mọi diễn biến trung thực của đời sống, của cuộc chiến đấu. Nó là tấm gương trong trẻo phản ánh tâm hồn người viết. Nếu nhật ký ấy, lại do một nhà văn hay một người có năng khiếu văn học viết, nó sẽ thêm giá trị văn học. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ chúng ta đã đọc được nhiều nhật ký chiến tranh rất hay, rất xúc động, cũng vì tính “không hư cấu” (non-fiction) của thể loại này. Nhật ký chiến tranh của Phạm Quang Nghị, bây giờ nghĩ lại, có khi khoảng thời gian tham gia chiến tranh ở chiến trường dù cực khổ nguy hiểm hay bầm dập cách mấy thì đó vẫn là thời gian hạnh phúc nhất của đời người. Có được những trang viết về “thời hạnh phúc” ấy chẳng phải là niềm hạnh phúc của những người may mắn đi qua chiến tranh mà còn sống sót hay sao? Giá trị là ở đó, trước hết là cho chính mình.
May mà Phạm Quang Nghị còn sống sau khi đã ghi nhật ký, đã trải qua những tháng năm gian khổ ác liệt ở những chiến trường vùng ven Lộ 4, vùng ven Tây Ninh, ở Phước Long, Bình Long… và ở “R” ngày ấy.
Mới đây, tôi vào Sài Gòn và gặp gỡ một người bạn tuy mới quen nhưng như thân thiết bao năm. Người bạn này là lính chiến VC ở ngay chiến trường nam Lộ 4 - đúng nơi và đúng thời điểm tôi với Phạm Quang Nghị đã cùng ở. Chỉ khác nhau, anh bạn là lính chiến đấu, bộ đội chủ lực, còn chúng tôi chỉ là “lính” bám cơ sở, bám dân. Nhắc đến Phạm Quang Nghị, anh bạn cựu binh nói, anh biết chúng tôi từ những ngày đó, tuy chưa có dịp gặp nhau. Bạn thân cũng là thế, nhiều khi bây giờ mới gặp nhưng đã thân thiết, quý mến nhau từ những ngày xưa khói lửa ở chiến trường, do có chung một cái gì đó. Tôi cũng không biết cái chung ấy gọi là cái gì, nhưng nó có, giữa chúng tôi.

 Cũng như tình bạn giữa tôi với Phạm Quang Nghị sở dĩ có được không phải vì anh đã “làm lớn” tôi mới đến làm quen, mà chúng tôi thân nhau vì đã từng chia sẻ ba ngày nhịn đói trên lộ đất Mỹ Long giữa vòng vây của địch ở Đồng Tháp Mười (còn gọi là lộ Trần Lệ Xuân) năm 1972, khi cả hai về chiến trường vùng nam Lộ 4. Đó là kỉ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên.

Cuộc sống nhiều khi thật giản dị, chỉ vậy thôi! 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sự thật thà của một thể loại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO