Tết Thăng Long hòa nhịp Tết xứ Đoài

Nhật Anh| 06/02/2019 12:13

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã chẵn 10 cái Tết người Hà Tây (cũ) và người Hà Nội “về chung một nhà”. Những tưởng gà Mía, chè kho, chè lam, bánh tẻ, bánh gio… sẽ phai mờ dần giữa bánh cốm, hạt sen và muôn màu đặc sản nở rộ trên đất Thăng Long xưa. Những tưởng tục đụng lợn, tục gói bánh tét, chợ Tết Mường… sẽ phôi phai giữa điệp trùng hàng Tết lưu thông về chốn đô thị sầm uất. Nhưng không, những sắc màu hồn hậu của Tết xứ Đoài vẫn song hành và rạng ngời bên những sắc màu đằm thắm, tinh tế của Tết đất Thăng Long.

Tết Thăng Long hòa nhịp Tết xứ Đoài
Hòa nhịp văn hóa

Nhìn về văn hóa của 2 vùng đất giàu truyền thống sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhà nghiên cứu Giang Quân hồi đó đã khẳng định: “Văn hóa xứ Đoài vẫn còn nguyên ở đó”. Và giờ sau 10 năm “về chung một nhà”, không ai có thể phủ nhận, quá trình hợp lưu hai dòng văn hóa lớn đã làm giàu thêm bản sắc của văn hóa Thủ đô. Văn hóa xứ Đoài không chỉ “còn nguyên đó”, mà còn có phần rạng rỡ hơn khi có thêm cơ hội bảo tồn và phát huy bản sắc riêng có. 

Có thể thấy, sau khi hợp nhất Hà Tây, 1 huyện của Vĩnh Phúc và 4 xã tỉnh Hòa Bình, Thủ đô trở thành địa phương có nhiều di sản văn hóa nhất cả nước với 5.922 di tích, có 1 Di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), 3 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại, 1 Di sản tư liệu thế giới, 12 di tích Quốc gia đặc biệt và trên 1.000 di tích Quốc gia. TS. Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: 10 năm với văn hóa là không dài để cảm nhận được sự đổi thay, đặc biệt là vùng truyền thống lâu đời 1.000 năm như Thăng Long - Hà Nội, rồi Hà Tây, Mê Linh cũng là vùng đất ngàn năm. Hà Nội bây giờ trong phần cũ và phần mở rộng có sự tương đồng rõ nét, đó là văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng. Sự hợp nhất của 2 vùng đã giúp Hà Nội giàu lên trong kho tàng văn hóa. Nếu như cả nước có 4 tứ bất tử, thì Hà Nội đã có 3 vị là Phù Đổng Thiên Vương (Sóc Sơn), Tản Viên (Ba Vì) và Chử Đồng Tử (Gia Lâm)...

Nhiều thế kỷ trước, ở kinh thành Thăng Long đã có sự hiện diện của những làng nghề nổi tiếng xứ Đoài - Sơn Nam thượng như: Phố Hàng Khay do dân làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ lập ra; phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), phố Hàng Thêu (nay là ngõ Yên Thái) do dân làng Quất Động lập nên; rồi phố Thợ Tiện (nay là phố Tô Tịch) là do cư dân của làng mộc - múa rối Chàng Sơn, Hữu Bằng và làng tiện gỗ Nhị Khê tạo dựng. Chưa kể các làng nghề như: Vạn Phúc, Cổ Đô, dân “Bảy La - Ba Mỗ” (Mỗ, La, Canh, Cót - “tứ danh hương”) xưa đều thuộc xứ Đoài, chuyên cung cấp lụa cho phố Hàng Gai, Hàng Đào - phố tơ lụa nổi tiếng Kinh kỳ.

Đến lịch sử hiện đại, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng ở trên mảnh đất Hà Tây… Rất nhiều mối tương đồng về văn hóa lịch sử của 2 mảnh đất này. Hai vùng văn hóa lớn, cùng có bề dày khi hội nhập, không tạo ra cú sốc, sự vênh về văn hóa. Xứ Đoài vẫn vậy, Thăng Long vẫn vậy. Nét đặc sắc của văn hóa mỗi vùng vẫn giữ được như xưa, có sự hòa nhập nhưng không hòa tan.

Người ta đã nhận ra sự hòa nhập văn hóa đó trong nhịp sống thường nhật, trong ngôn ngữ, ẩm thực, thời trang, tín ngưỡng... Để rồi tất cả được “lên tiếng” với sự hài lòng trong cuộc bàn tròn “Văn hóa Thăng Long - Hà Nội sau 10 năm hợp nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện này. Không hề nhận thấy hiện tượng áp đảo của một vùng văn hóa này với một vùng văn hóa khác. Các danh thắng và cảnh quan của xứ Đoài bổ sung cho Thủ đô là mảng giá trị văn hóa vật thể đáng kể như danh thắng Hương Tích rồi các đền, đình, chùa nổi tiếng như đền Và, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Đậu, chùa Mía… đều đã trở thành những di tích văn hóa xếp hạng đáng tự hào của Hà Nội. Các đặc sản nổi tiếng từ các làng nghề có từ bao đời cũng đều đã trở thành những đặc sản của Thủ đô: Tơ lụa Vạn Phúc, giò chả Ước Lễ, khảm trai Chương Mỹ… rồi những sân khấu chèo, múa rối nước cũng vậy. Theo nhà thơ Bằng Việt – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, “tinh hoa của mỗi vùng đất đều được phát huy và cộng hưởng sang vùng đất kế cận, như vậy ở mức độ nhẹ, chúng ta có thể thấy rõ là đã có sự tiếp cận văn hóa, chứ chưa thấy có hiện tượng tiếp biến văn hóa”. 

Vẹn nguyên phong vị Tết

TS. Nguyễn Viết Chức nói đúng: Xứ Đoài vẫn vậy, Thăng Long vẫn vậy. Nét đặc sắc của văn hóa mỗi vùng vẫn giữ được như xưa, có sự hòa nhập nhưng không hòa tan. Thế nên, phong vị Tết của người xứ Đoài và người Thăng Long vẫn cứ ôm ấp những đặc sắc riêng như một thói quen đẹp ngàn năm không xa rời.

Dù đã ghi tên địa danh Hà Nội, dù đô thị hóa đã về đến thôn xóm, dù làng đang dần lên phố, song người xứ Đoài vẫn giữ thói quen chuẩn bị đón Tết như ngàn đời nay vẫn vậy. Về Thạch Thất mấy năm nay sẽ thấy, cứ sáng 22 Tết là người ta gọi nhau đi chợ Nủa. Chợ Nủa nằm ở xã Bình Phú, không xa lạ đối với người dân Thạch Thất, đặc biệt là với người Canh Nậu, Hương Ngải, Dị Nậu, Hữu Bằng, Thạch Xá, Chàng Sơn... Có khác là mấy năm nay, chợ Nủa phiên nào cũng có du khách đến chơi chợ, quay phim, chụp ảnh. Chợ Nủa tháng họp 6 phiên, nhưng phiên chợ ngày 22 tháng Chạp là phiên nhộn nhịp nhất trong năm - phiên chợ để người ta đến chọn mua lá dong chuẩn bị cho nồi bánh chưng Tết. 

Bánh chưng đã bán đầy các chợ, song với người xứ Đoài dứt khoát Tết đến, dù nhà giàu hay nghèo đều phải gói bánh chưng. Quãng 27, 28 Tết, đi dọc những con đường làng, từ Hữu Bằng qua Thạch Xá sang Chàng Sơn... dễ dàng bắt gặp những nồi bánh chưng đang đỏ lửa. Già trẻ quây quần trông nồi bánh, mùi củi than, mùi bánh chưng, mùi ngô khoai nướng quyện vào nhau, tỏa đi trong hơi gió bấc cuối năm. Lại thêm chút mưa bụi lắc rắc bay trong gió, chợt thấy phong vị Tết quê thật thi vị. Có khác là người xứ Đoài hôm nay không còn phải tích trữ gộc tre cả năm để nồi bánh thêm đượm lửa như trước. Củi đun bánh không còn là chuyện đáng lo, gạo đỗ thịt gói bánh giờ cũng dễ dàng mua được… Nhưng quý là dù sẵn khuôn, sẵn củi vậy, nhưng người xứ Đoài vẫn cứ giữ thói quen gói những chiếc bánh chưng dài (nhiều nơi gọi là bánh chưng đòn) trông tựa như những cây giò treo ở góc nhà ngày Tết. Giản dị vậy thôi, nhưng phong vị Tết ngập tràn.


Tết Thăng Long hòa nhịp Tết xứ Đoài
Ngày xuân đón Tết - Ảnh: Duy Ngọc

Rồi bên cạnh bánh chưng, mỗi làng quê vùng đất đá ong ấy còn vẹn nguyên loại bánh riêng của mình. Người Hương Ngải nổi tiếng với bánh gai. Dân Cần Kiệm, Chàng Sơn có thêm bánh mật. Mâm cỗ cúng tổ tiên ngày Tết của người dân làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) không thể thiếu bánh tẻ răng bừa. Người làng Thạch Xá còn có bánh chè lam rất đặc biệt… Nhưng chính những thứ quà dân dã ấy lại trở thành món đặc sản yêu thích của du khách khi trẩy hội xuân Hà Nội những năm gần đây, nhất là khi văn hóa xứ Đoài đã hòa nhịp với văn hóa Thăng Long… Phải nói rằng, món kẹo lạc, dồi, vừng đã lang thang từ Đường Lâm vào trong bàn trà của rất nhiều người đô thị, không chỉ ngày Tết mà còn cả ngày thường. Có lẽ như ai đó nói, trong ngập tràn hương bơ sữa, cái chất dân dã, trong lành của thứ quà này khiến người ta như được thoát ra khỏi vòng xoay hối hả của nhịp sống công nghiệp. Quý giá biết bao cái hồn quê thanh bình nơi đô hội náo nhiệt!

Còn nhiều lắm những tập tục ngày Tết vẫn sống hồn nhiên giữa sắc màu cuộc sống đô thị. Ấy là tục đụng lợn, dựng cây nêu, ấy là việc chúc Tết và mừng tuổi, tục xông đất đầu năm… Thế mới thấy, Tết xứ Đoài đang hòa nhịp với Tết Thăng Long để tạo thành một vùng văn hóa đầy bản sắc Hà Nội. 
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tết Thăng Long hòa nhịp Tết xứ Đoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO