Thân thương hai tiếng gia đình

Thu Đình| 15/08/2019 15:24

Hồi còn nhỏ, mỗi lần đòi mua thứ gì không được hay bị cha mẹ la mắng, đánh đòn, tôi lại giận ba mẹ lắm, thậm chí còn có ý định bỏ nhà ra đi, dù rằng chẳng biết đi đâu. Nhớ cả những lúc anh em giận nhau, tôi lại ích kỷ ước rằng: giá như cha mẹ chỉ có mỗi mình tôi thì tốt biết mấy… Những ý nghĩ non nớt ấy dần tan biến khi tôi ngày một trưởng thành. Và đến bây giờ, trong tôi chẳng gì thân thương hơn hai tiếng gia đình!

Thân thương hai tiếng gia đình

Hồi còn nhỏ, mỗi lần đòi mua thứ gì không được hay bị cha mẹ la mắng, đánh đòn, tôi lại giận ba mẹ lắm, thậm chí còn có ý định bỏ nhà ra đi, dù rằng chẳng biết đi đâu. Nhớ cả những lúc anh em giận nhau, tôi lại ích kỷ ước rằng: giá như cha mẹ chỉ có mỗi mình tôi thì tốt biết mấy… Những ý nghĩ non nớt ấy dần tan biến khi tôi ngày một trưởng thành. Và đến bây giờ, trong tôi chẳng gì thân thương hơn hai tiếng gia đình!

Nghĩ về gia đình, nhớ sao những thức quà quê bình dị một thời cảnh nhà khốn khó. Là mấy viên kẹo mấu thôi mà bốn anh em đoán già đoán non, nôn nao hóng mẹ đi chợ về từ đầu ngõ. Là cái bánh mì lâu lâu đi làm cha mua về, mỗi anh em chỉ được một khúc mà háo hức ăn trong điệu nói cười râm ran. Là gốc mít, gốc ổi trong vườn nhà, mỗi lần nghe hương thoảng thơm, mấy anh em đã dắt díu ra vườn, mắt dáo dác kiếm tìm. Chỉ bấy nhiêu thức quà quê quen thuộc cũng đủ hòa sâu trong nỗi nhớ gia đình.

Gia đình là tình cảm anh em như thể chân tay. Là que kem mút chung, cái bắp bẻ nửa, em nằm vắt vẻo trên lưng ôm lấy cổ anh đi khắp đường làng ngõ xóm. Là cái khóc thét khi cho một miếng bánh mà cắn phạm cả vào tay, lúc dỗi hờn khi bị châm chọc nhưng chẳng thể ngồi chơi một mình, lòng buồn trống trải chỉ mong anh em về nhà đông đủ. 

Gia đình là công ơn cha mẹ không gì có thể đong đếm. Cha ngược xuôi bán buôn. Mẹ sớm tối bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Bữa cơm ngày ba tháng tám, cha mẹ nhẩn nha miếng khoai miếng sắn để phần cơm trắng cho các con. Các con cơm áo đủ đầy, ngày một lớn lên, chỉ có đôi vai áo của cha mẹ vẫn bạc màu sương gió. Ngày bước vào mùa thi cuối cấp, con nhớ đến ly nước chanh mát lạnh mẹ âm thầm đặt trên chiếc bàn học nơi góc phòng, cha thức thâu đêm trong căn phòng trọ chật chội những ngày đưa con đi thi đại học…

Gia đình, ấm áp nhất là những bữa cơm. Bữa cơm quê chua chua, giòn tan vị cà muối trường của mẹ. Bữa cơm quê ngọt lành với tô canh cua ngày nắng. Là hũ muối lạc, muối vừng ăn suốt cả mùa mưa. Mớ cá đồng kho mặn mà đưa cơm đến nỗi mẹ ngồi đầu nồi không kịp xới. Bữa cơm đông đủ thành viên trong gia đình bỗng trở thành nếp nhà, thành nỗi nhớ và niềm mong đợi tự lúc nào chẳng biết!

Gia đình, đẹp biết mấy những đêm trăng thanh gió mát dưới mái hiên nhà. Mái hiên nhà, dù chẳng cao rộng, dù đã lấm tấm màu rêu phủ, nhưng dưới mái hiên ấy là ly nước chè xanh mỗi tối cả nhà vui vẻ chuyện trò, hóng mát. Con nằm gối đầu lên chân mẹ để được mẹ phe phẩy chiếc quạt mo cau đưa gió về. Cha thỉnh thoảng xoa xoa cái đầu tóc rối tổ cu của con, chỉ lên bầu trời cao vợi đầy trăng sao. Để rồi trong ánh mắt thơ ngây, con lại ước gì mình là ngôi sao sáng nhất giữa khung trời quê thơ mộng.

Gia đình, cho ta biết trân quý niềm vui lao động mỗi lúc vào mùa. Mỗi lúc vào mùa gặt hái, cấy cày, cả nhà lại rộn lên như trẩy hội. Thức dậy từ sáng sớm, về nhà khi đã tối mò. Những tay liềm tay hái, cuốc cào, xe cộ cứ nườm nượp xuống đồng. Những giọt mồ hôi lã chã rơi trên từng thửa ruộng. Những ánh mắt, điệu cười tươi rói trên những bông lúa trĩu hạt, những sân phơi vàng ươm một màu no ấm.

Gia đình là gì mà mỗi lúc đi xa, lòng chênh chao, ta lại nghĩ về? Là gì để mỗi khi nghĩ về, ta lại tràn trề niềm vui sống?
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thân thương hai tiếng gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO