Thằng Lanh

Truyện ngắn của Thăng Long| 26/10/2018 08:29

Đang chăm chú xem thực đơn tiệc cưới, đẹp quá, sang quá chẳng bù cho cưới mình ngày xưa, bỗng giật mình, một cái ôm lưng mạnh, bất ngờ quay lại - Ô anh Vũ sao anh cũng ở đây à?

Thằng Lanh
Minh họa của Lê Huy Quang
Tôi đang định hỏi chú, đây chính là quê anh mà.

Em về dự đám cưới con thằng Cường. Nó là ân nhân của em đấy. Ở Buôn Mê Thuột không có Cường thì em đã “mãi mãi tuổi 20” rồi. Bị sức ép bom, ngất không biết gì, nó cõng em gần một ngày đường rừng đến binh trạm. Cứu được người nhưng một bên tai thì điếc đặc đến tận giờ. Trong người còn hai mảnh bom bằng hạt đỗ, may ở phần mềm. Để làm kỉ niệm cho vui anh ạ.

Ừ tôi thấy đời hay thật.

Hay gì hả anh?

Thì quả đất tròn. Cường là con bác tôi là ân nhân của chú.

Mà chú lại là ân nhân của tôi.

Sao em lại là ân nhân của anh, lạ thế?

Thì đây: Đã hơn chục năm rồi anh còn nợ chú, nợ bà con H8 trên ấy mà chưa trả được, áy náy mãi. Giờ may gặp, anh kể chú nghe cho phần nào vơi bớt nỗi lòng…

Đến giờ khai tiệc, người đến đông, ồn ào quá mà tôi thì cứ ừ à, hử hả. Vũ ngồi luôn cùng mâm. Ăn xong Vũ  liền kéo thốc tôi về với anh. Muốn ở lại với Cường qua đêm, vì đã nhiều năm từ khi Cường phục viên hai thằng chưa được ngủ với nhau đêm nào. Nhớ lắm, nhớ nó, nhớ đến cả bom đạn ngày nào...

Nhớ lắm cũng mặc kệ. Đêm nay chú phải về chỗ anh.

Nhà Vũ cách không xa, độ hơn cây số. Thôi đi bộ cho tiện.

Vừa ra khỏi đầu làng theo tay Vũ chỉ: Đây là khu trang trại của anh. Ao vườn ngăn nắp, quy hoạch gọn gàng.

Vũ không mời về nhà mà đưa tôi ra thẳng chòi cá bên hồ. Gọi là chòi nhưng tầng 2 cũng ngăn nắp, dễ đến hai chục mét vuông.

Vũ bảo đây là văn phòng giám đốc trang trại của anh đấy.

Tôi thắc mắc: Sao đang là phó phòng cảnh sát mà anh lại về làm ông giám đốc chăn vịt, trồng cây?

Vũ nhẹ cười, thong thả rót nước, mời chú uống đi, anh kể đầu cuối chú nghe:

Em là ân nhân gia đình anh, chuyện là thế này.

Long còn nhớ ngày ấy anh chị chuyển cả nhà về quê mà theo sau biết bao điều thắc mắc, nghi kỵ, đúng không?

Vâng, chính em cũng hoài nghi dữ lắm.

Thì đấy. Tại thằng Lanh, thằng con đầu của anh. Ngày ấy nó lấy cắp cái xe đạp Nhật của em còn gì cái xe khi ấy là đáng giá. Nghe em bảo anh chị chưa tin ngay vì không thể ngờ thằng Lanh làm vậy. Cảnh giác để ý hình như dạo này nó có gì khang khác. Đang làm ở công ty điện thoại Hà Nội, công việc ổn định sao nó dám lấy cắp xe đạp?

Thì ra nó chớm nghiện. Anh chị giật mình, choáng váng. Thức trắng mấy đêm hai vợ chồng bàn bạc rồi nghiến răng quyết định. Anh phải về hưu non. Ngược đời. Còn hai năm nữa lên Đại tá, nhưng phải về để cứu con. Phải về, phải về quê. Chỉ có về quê, tách hẳn nó ra khỏi đám bạn lêu lổng thì mới may ra…

Về quê…!

Em hiểu tâm trạng bố con anh về quê trong hoàn cảnh đó nó đau đớn, ê chề đến thế nào không?

Dồn tất số tiền bao năm gom góp và bán cả căn hộ chung cư được món tiền, vợ chồng mình quyết định thuê 5 hecta ngoài bãi sông này, khoanh lập bờ vùng, bờ thửa, đào ao nuôi vịt trồng cây… Sổ hưu của vợ chồng thế chấp ngân hàng lấy tiền mua cây con giống và trả học phí làm nông dân nữa chứ. Ngày ấy tâm trạng nặng nề lắm Long ơi.

Chợt có tiếng xe máy lướt qua, nhìn ra Vũ bảo: Nó đấy, thằng Lanh đấy – anh chỉ ra hướng bờ hồ.

Dừng xe, đi bên hai đứa nhỏ là thằng Lanh. Mập, chắc, da bánh mật. Dừng vài giây nó à lên, sấn tới: Chú Long! Bố ơi chú Long đây rồi. 

Tôi đứng dậy ôm vai nó 

Lanh hồ hởi quay lại:

Minh chào chú Long đi – ân nhân mà anh vẫn kể đấy.  Nhìn tôi nó bảo: Vợ cháu – Minh dạy học chú ạ, cấp 1 trường làng thôi, nhưng được cái “hạnh kiểm khá” chứ không “hạnh kiểm kém” như chồng.

Minh mỉm cười lườm chồng tiếp lời: Kém nhưng bây giờ cũng ngoan ngoan rồi. Hạnh kiểm đã có nhiều tiến bộ. Tạm được, cần cố gắng.

Vũ đế thêm: Nhờ cô giáo đây kèm riết mới được thế.

Thằng cu Thái – cháu đích tôn đứng cạnh, giật nhẹ tay áo Vũ vội khoe: Mỗi em Bình là chưa ngoan ông nhỉ. Hay khóc nhè.

Cả nhà ồ lên vui vẻ.

Quay ra tôi hỏi: Thế chị Sợi đâu?

Sợi đây, nghe tiếng chân chị đang leo lên chòi. Vẫn cái nét tươi duyên, vồn vã ngày nào.

Chị có nhận ra em không? – Tôi hỏi.

Ôi chú Long làm sao quên được, giờ cô chú thế nào?

Vợ chồng em vẫn khoẻ. Nếp tẻ, nội ngoại hai đứa rồi.

Kìa chú ngồi đi, chị cười với tay thêm nước.

Tôi nói: Từ ngày anh chị về quê bà con trên ấy có nhiều thắc mắc đoán già, đoán non đủ cả…

Thì anh chị biết. Nghe nói có người còn phao tin ác ý chắc ông Vũ có điều gì khuất tất đang lên như thế mà đột nhiên gẫy cánh về vườn. Nhưng thôi đành chịu Long ạ. Con dại thì cái phải mang mà.

Chỉ vào Lanh – Tất cả là tại thằng này. Nhưng may quá chú ơi, giờ thoát nạn rồi. Cả nhà tôi như được sống lại  -  Chị hể hả tiếp lời:

Nói thêm để chú mừng cho anh chị chứ cái trang trại được thế này là công lớn ở nó đấy. Anh chị tuy vậy, có tuổi rồi cũng chỉ nhắc nhở nó việc xa, gần thôi chứ chẳng xông xáo được bao nhiêu…

Giọng chị bỗng dưng chùng xuống:

Ngày mới đưa nó về, mất đến 6 tháng khốn khổ vô cùng. Có thằng nghiện trong nhà cứ hở cái gì đáng đồng tiền cũng mất. Đang túng bấn nhà còn cái ti vi hôm anh Vũ sang huyện bên học ông bạn cách làm trang trại, chiều về thằng Lanh đã gọi thợ bán rồi. Giận quá, anh Vũ đánh nó. Nhưng đánh xong, nó đau, anh chị còn đau hơn. Nhìn con lên cơn, sùi bọt mép vừa thương, vừa giận đến tím lòng.

Tìm đủ cách, bàn tính mãi, chị bảo: Hay tìm vợ cho nó may ra có người gần gũi tình cảm, kèm thêm.

Anh Vũ gay gắt: Lấy ai? Ai lấy thằng nghiện bây giờ?.

Nhưng trời còn thương vợ chồng tôi chú ạ.

Cháu Minh xưa cùng bạn học. Chúng đã gần gũi quý mến nhau. Thấy thằng Lanh vậy nó càng thương. Ướm hỏi cháu Minh ra chiều xuôi thuận.

Vũ chen ngang: Nhưng nó ra điều kiện ràng buộc ngặt nghèo.

Sao phải điều kiện, tôi hỏi.

Cháu Minh nó nói: Dứt khoát phải làm cam kết, thằng Lanh phải ký vào cam kết. Chỉ khi nào thực hiện đúng cam kết thì mới được cưới!

Tôi vỗ đùi đánh đét: Hay – quá hay. Đời là công bằng, chẳng cho không ai cái gì!

Chị Sợi thêm: cháu Minh bảo phải cai nghiện được mới cưới, còn sau một năm nếu không xong thì đành tạm biệt vậy.

Nghe xong cái máu sĩ diện nổi lên, thằng Lanh quát: Không thèm!

Nhưng chẳng hiểu sao, sau 3 đêm nghĩ ngợi thế nào cậu đổi ý: chấp nhận!

Nói thực lúc ấy anh chị cũng hơi vui vui, nhưng chẳng dám tin ngay. Dại gì mà tin ngay lời hứa của thằng nghiện.

Thế mà thằng Lanh làm thật chú ạ.

Chẳng hiểu nó giấu ở đâu mà có sẵn cái xích to dài đến 3m và cái khóa càng cua. Đứng trước anh chị cùng cháu Minh nó cầm bút ký vào cả 4 bản cam kết cho mỗi người giữ một tờ. Cổ chân trái khóa xích với cột chòi. Đứng dậy nó từ từ nhắm hai mắt ném vèo chìa khóa đánh bũm ra giữa hồ.

Mọi người đứng lặng rồi bất ngờ cùng nhào vào ôm nó. Thằng Lanh khóc, cả nhà cùng khóc. Trong tôi le lói một niềm tin…

Nhưng phải 6 tháng sau.

Phải 6 tháng sau chú ạ. Thằng Lanh cũng đỡ vật vã nhiều. Mỗi lần lên cơn phải có người gần gũi giúp đỡ động viên. Ba người chia cắt thay phiên nhau canh trực. Những ngày đầu vật thuốc nó giãy giụa, gào khóc, chửi bới lung tung. Khi tỉnh lại chân thành xin lỗi. Cả nhà không ai xa lánh đều thương, an ủi nó nhiều.

Không cho nó điện thoại, nhưng quà bánh, đài , tivi và sách báo đủ cả. Để nó đỡ buồn.  Sức khoẻ ngày một khá hơn. Cơn thèm thuốc thưa dần. Nghiện thì giảm hẳn nhưng lý luận thì tăng tiến trông thấy, tranh luận hăng lắm. Nghe đài báo nhiều nên khi có tin gì thời sự cũng “ní na ní nuận” ra trò. Nó đo ván anh Vũ là thường. Phân tích hay, sắc sảo, thuyết phục đáo để.

Đột ngột Vũ chen ngang: Đúng một năm “Ông Lanh” hoàn thành cam kết. Vĩnh biệt “nàng Tiên trắng” ông quay sang “nàng thuốc lào” Tiên Lãng. Nhìn hàm răng ám khói và cái điếu điệu nghệ thế kia là tác phẩm điêu khắc mà nghệ nhân Đoàn Trọng Lanh 12 tháng “tù ngồi” đã chế tác thành công nên tôi hiểu!

Cái điếu cày đẹp thật . Đúng là sản phẩm của đôi bàn tay tài hoa. 

Phổng mũi, cao hứng thằng Lanh bắn liền hai điếu Tiên Lãng trình làng. Tiếng rít gắt như kéo neo sắt boong tàu, chói, đanh, sòng sọc lại hóa vui tai.

Nhìn chồng ngếch mồm nhả khói Minh cười nhanh nhảu chen lời: 

Chú Long không thể hình dung được nhà cháu vui như thế nào đâu! Ngày “lễ cưa xích” ấy. Chính anh Lanh làm lễ cưa xích chân mình chú ạ. Anh ấy tự tay khóa xích giờ lại tự tay cưa xích để trả lại cho mình cái quyền làm người tự do. Hay thật.

Hôm ấy họ hàng, bạn bè ngồi kín 5 mâm. Trước mặt mọi người anh Lanh hai tay nâng cái xích để vào khay nhựa, cẩn thận đặt lên bàn thờ. Kính cẩn xin phép tổ tiên được làm đám cưới. Miệng Lanh cười mà hai hàng nước mắt lăn dài. Cháu khóc, kéo theo cả nhà cùng khóc. 
Tối hôm ấy, ở lại nhà Vũ, tôi đã thiếp đi trong giấc ngủ thật êm ả, dịu dàng... 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thằng Lanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO