Thành phố Hà Nội ra đời khi nào?

HNMCT| 04/10/2020 09:53

Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, xóa bỏ Bắc thành (gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc) ở Bắc Hà và lập tỉnh Hà Nội. Như vậy, Hà Nội trở thành một tỉnh như 30 tỉnh khác trên đất Việt Nam.

Thành phố Hà Nội ra đời khi nào?
Hà Nội nhìn từ Cột cờ Hà Nội năm 1890. Ảnh: Tư liệu

Tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa và Lý Nhân. Theo bản đồ hiện nay, tỉnh Hà Nội xưa có tới 5 huyện của tỉnh Hà Nam là Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên, Bình Lục và Thanh Liêm. Dù các đời vua sau Minh Mạng có thay đổi số tổng, xã, thôn nhưng cơ bản tỉnh Hà Nội vẫn bao gồm 4 phủ như thời Minh Mạng.

Tuy nhiên, đến năm 1875, tỉnh Hà Nội không còn nguyên vẹn. Trước sức ép của người Pháp, vua Tự Đức phải cắt hơn 18ha của huyện Thọ Xương cho họ lập khu lãnh sự (còn gọi là khu nhượng địa Đồn Thủy, nay tương ứng khu vực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai rồi chiếm hết huyện Thọ Xương, địa giới hành chính tỉnh Hà Nội lại tiếp tục thay đổi. Năm 1883, họ lập tòa Công sứ ở phố Hàng Gai, thiết lập các cơ quan cai trị, cho xây nhà làm việc vào năm 1885 để phục vụ cho mục đích bình định toàn xứ Bắc Kỳ.

Những việc làm này cũng là bước chuẩn bị cho việc ra đời thành phố nhượng địa Hà Nội trên đất tỉnh Hà Nội. Trong phiên họp Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ ngày 2-5-1886, Tổng trú sứ Paul Bert đã tuyên bố: “Hà Nội sẽ ngày càng trở thành một thành phố châu Âu, phải mau chóng xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa, chợ búa, lò mổ. Để chỉ huy công việc này cần phải có một chính quyền coi sóc đặc biệt cho Hà Nội. Chính quyền này chỉ có thể là một ủy ban thành phố”. Tuyên bố đó cho thấy chính phủ Pháp đang thực hiện ý đồ biến một phần đất tỉnh Hà Nội thành thành phố nhượng địa. 

Ngày 19-7-1888, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định, theo đó đứng đầu thành phố Hà Nội và Hải Phòng là Đốc lý kiêm Chủ tịch Hội đồng thành phố. Chức vụ này dành riêng cho người Pháp - do Thống sứ Bắc Kỳ đề xuất và Toàn quyền Đông Dương ra quyết định bổ nhiệm. Giúp việc cho Đốc lý còn có hai cấp phó. Còn Hội đồng thành phố gồm 16 người nhưng chỉ có 4 người Việt, còn lại là người Pháp. Nghị định cũng quy định: Hội đồng thành phố họp mỗi năm 4 lần để quyết định các vấn đề và nó chỉ có giá trị khi được Thống sứ Bắc Kỳ thông qua.

Ngày 1-10-1888, vua Đồng Khánh ra chỉ dụ cắt toàn bộ huyện Thọ Xương, một phần nhỏ huyện Vĩnh Thuận cho Pháp lập thành phố nhượng địa. Thực ra, chỉ dụ đó chỉ là hợp thức hóa những quyết định mà người Pháp đã làm trước đó. Trong khoảng thời gian này, Thống sứ Bắc Kỳ cho lập một bản đồ vẽ tay chỉ giới thành phố Hà Nội, theo đó, ranh giới phía Bắc tỉnh Hà Nội là hồ Trúc Bạch, phía Nam là khu nhượng địa Đồn Thủy, phía Tây là thành Hà Nội và Văn Miếu. Diện tích thời kỳ đầu là 945ha với dân số là 100.000 người. Hội đồng thành phố khóa đầu cũng cho đúc huy hiệu hình tròn, hai bên có hai con rồng, ở giữa nhô lên thanh kiếm, trên cao là mặt trời màu đen, xung quanh là tường thành. Không rõ người Pháp hay người Việt vẽ nhưng huy hiệu có tính biểu trưng khá cao khi sử dụng truyền thuyết và di tích lịch sử Thăng Long.

Dù trở thành thành phố nhưng những ngày đầu Hà Nội vẫn là thành phố bảo hộ, chưa thực sự là thuộc địa nên vẫn còn nha huyện Thọ Xương mà lỵ sở ở thôn Tiên Thị (nay tương ứng với phố Ngõ Huyện) để giải quyết những việc như thu thuế, điều tra xét hỏi, giải quyết các tranh chấp...

Ngày 26-1-1896, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định do Chánh Thư ký của quan Toàn quyền là J.Foures ký chuyển trị sở tỉnh Hà Nội vào vùng đất làng Cầu Đơ thuộc tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai.

Một sự kiện lớn xảy ra vào năm 1902 làm thay đổi vị thế của thành phố là Quốc hội Pháp đã quyết định Hà Nội là Thủ đô của Liên bang Đông Dương gồm: Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Lào và Campuchia. Thủ đô liên bang không thể trùng tên với một tỉnh nên ngày 3-5-1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra nghị định đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ. Vì Cầu Đơ là tên Nôm của một làng, giờ mang đặt cho tỉnh lớn nằm sát Thủ đô của Liên bang Đông Dương nên có nhiều ý kiến đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho đổi tên khác. Và ngày 6-12-1904, quan Toàn quyền đã ra nghị định đổi tên Cầu Đơ thành Hà Đông.

Đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn chỉ là bù nhìn nên khi mở rộng thành phố về phía Nam và phía Tây, chính quyền đã phớt lờ Nam triều, họ quyết định tất cả.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hà Nội ra đời khi nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO