Tìm hướng đi mới cho nghề đúc đồng

Huệ Minh| 06/06/2017 08:28

Tốt nghiệp chuyên ngành Đúc, Khoa Luyện kim, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1984, ít ai ngờ rằng Nguyễn Thượng Sách, quê ở Hải Dương lại trở thành một nghệ nhân. Gặp anh vào một chiều thu Hà Nội, ngồi nhâm nhi nước lá vối tươi, trò truyện với anh về đời về nghề càng khiến tôi hiểu hơn về anh - nghệ nhân, ông chủ xưởng đúc đồng Nguyễn Thượng Sách.

Cơ duyên đến với nghề 

Ngược dòng thời gian của những năm về trước, khi còn sản xuất kinh doanh trong ngành vàng bạc đá quý với công việc của một người thợ chế tác kim hoàn, cứ lúc rảnh rỗi là Nguyễn Thượng Sách lại lang thang thăm quan các khu phố cổ, các cửa hàng lưu niệm gần bờ hồ Hoàn Kiếm, nơi bày bán rất nhiều quà tặng lưu niệm cho du khách. Qua những lần lang thang anh nhận thấy hầu hết các sản phẩm được bày bán ở đây đều xuất xứ từ nước ngoài chứ không phải từ các làng nghề truyền thống ở Việt Nam, trong khi đó muốn tìm một món hàng mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam (cả về xuất xứ và diện mạo) thì không hề dễ.Thời điểm ấy trong anh đã dấy lên niềm trăn trở: Tại sao mình lại phải đi nhập các mặt hàng đó từ nơi khác? Suy nghĩ ấy cứ ám ảnh và thôi thúc anh phải làm một điều gì đó để tạo ra những mặt hàng quà tặng có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Và rồi thật may mắn khi anh gặp nghệ sĩ Trịnh Bách, một Việt kiều Mỹ luôn đau đáu về nguồn cội quê hương. Ông về nước và bắt đầu tìm tòi phục chế các trang phục cổ cung đình. Như một cơ duyên định trước cho hai tâm hồn đồng điệu, sự tha thiết với văn hóa truyền thống Việt Nam của Trịnh Bách khiến anh cảm phục, thôi thúc anh phải làm một điều gì đó, để đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn nữa với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Anh bắt đầu bỏ công đi khảo sát thực tế. “Tôi đến nhiều cửa hàng, nghe tâm sự của những ông chủ, bà chủ và được biết, hầu hết họ cũng đều xuất phát từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhưng ở thời điểm đó hầu như các sản phẩm của làng nghề không cạnh tranh được với các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc cả về mẫu mã và giá thành. Bởi vậy họ đành nhập các sản phẩm này về và bày bán”- Nguyễn Thượng Sách chia sẻ. Với kiến thức chuyên môn được học, anh nghĩ, những sản phẩm như vậy mình cũng có thể làm được, thậm chí còn đẹp hơn của họ bởi không ai hiểu văn hóa Việt bằng chính con người Việt.  Trong suy nghĩ của anh kỹ sư ngành đúc khi đó hiện lên hình ảnh của trống đồng Đông Sơn - một sản phẩm mang tính biểu trưng nhất cho văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên với anh đó lại là sản phẩm sản phẩm khó đúc nhất. 

“Trống đồng Việt Nam là niềm tự hào của ông cha, nhưng hiện nay nó chỉ được biết tới như một hiện vật của bảo tàng và các nhà sưu tập đồ cổ, rất ít người dân Việt Nam được tiếp xúc với trống đồng, thậm chí không hình dung rõ trống đồng như thế nào”- Đây cũng chính là trăn trở của Nguyễn Thượng Sách khi bắt đầu hành trình khôi phục trống đồng cổ và tìm hướng đi mới cho nghề đúc đồng truyền thống của cha ông.  Qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi về các sản phẩm trống đồng anh nhận thấy chỉ duy nhất có một bộ trống đồng nhưng được làm bằng đá của Hà Tây và một vài cái trống gò của làng nghề được bày bán. Thoạt nhìn khá bắt mắt, tuy nhiên khi xem kỹ sản phẩm anh thấy khá xa lạ so với trống đồng của ông cha ta ngày xưa. Những suy nghĩ, trăn trở đó cứ ám ảnh, thôi thúc anh phải làm một điều gì đó. Anh quyết tâm thực hiện niềm đam mê bằng việc rẽ lối tìm hướng đi mới cho nghề đúc đồng. 

Tìm hướng đi mới cho nghề đúc đồng
 Kỹ sư, nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách bên sản phẩm trống đồng được làm theo công nghệ hiện đại - Ảnh: HM

Tìm hướng đi mới 
cho nghề đúc đồng 

Đến bây giờ nếu như có ai nhắc lại những ngày đầu bắt tay vào công tác nghiên cứu người ta cũng vẫn sẽ gọi Nguyễn Thượng Sách là một “thằng khùng”. Bởi lẽ khi ấy anh đang là chủ một cửa hàng kim hoàn tại Hà Nội, cuộc sống gia đình ổn định, hơn nữa lúc ấy hai con anh còn nhỏ, còn phải lo lắng chuyện ăn học. “Khi quyết tâm đóng cửa xưởng vàng bạc đá quý và bắt tay vào công tác nghiên cứu tìm hướng đi mới cho nghề đúc đồng tôi cũng xác định đó là một công việc không hề đơn giản vì hầu như không ai dám đầu tư vào làm, nguồn vốn lớn thu hồi vốn rất chậm và đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn sâu nhưng vẫn quyết tâm rẽ lối. Rất may mắn là vợ tôi đã hiểu, thông cảm và chia sẻ với đam mê của mình”- Nguyễn Thượng Sách bộc bạch. 

Và rồi tất cả “vốn liếng” mà hai vợ chồng làm ăn tích góp được anh chị chỉ giữ lại một phần để nuôi hai con ăn học, còn lại nhường anh theo đuổi đam mê của mình. Anh thuê lại tầng hai một phân xưởng giày Hà Nội ở 35 Cự Lộc, bắt đầu hành trình mày mò nghiên cứu. Ban đầu anh thử công nghệ như của Trung Quốc tuy nhiên với kiến thức chuyên môn được đào tạo anh nhận thấy công nghệ này chưa ổn nếu đi vào các sản phẩm yêu cầu tính kỹ thuật cao. Vậy là lại mày mò tìm ra một phương pháp sản xuất mới, để làm sao các sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh được với mặt hàng Trung Quốc, được người dân đón nhận, và quan trọng hơn hết những sản phẩm đó phải mang đậm giá trị  văn hóa truyền thống của cha ông. Sau hơn 7 tháng, Nguyễn Thượng Sách đã nghiên cứu và hoàn thiện một công nghệ hoàn toàn mới cho nghề đúc đồng truyền thống bằng việc sử dụng nguyên vật liệu ngay ở trong nước. Đó là công nghệ đúc chính xác bằng phương pháp nấu chảy trong môi trường chân không dựa trên hỗn hợp làm khuôn tự cứng- một công nghệ hoàn toàn mới và duy nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. 

Trong quá trình nghiên cứu anh cũng luôn trăn trở làm sao phải nghiên cứu thành công công nghệ mới thân thiện với môi trường. Trước đây, ông cha ta vẫn sử dụng lò nấu đồng theo công nghệ cũ, sử dụng than làm chất đốt. Trong quá trình nấu, nhiệt lượng, khí thải tỏa ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng công nghệ đúc đồng mới của anh đã khắc phục những nhược điểm trên. Các công việc, điều chỉnh nhiệt độ, chất phụ gia trong quá trình đốt dễ dàng và thuận lợi. Đây là sự cải tiến lớn trong công nghệ sản xuất của anh hướng đến một nền sản xuất “xanh” góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Sản phẩm chứa đựng cái tâm và tình yêu nghề 

Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào việc phát triển nghề đúc đồng truyền thống của ông cha giúp Nguyễn Thượng Sách tự tin khẳng định một điều “Việc càng nhiều người tiếp cận, sở hữu những phiên bản trống đồng càng làm mọi người thêm yêu quý những nét văn hóa độc đáo của người Việt”.  

Nguyễn Thượng Sách chia sẻ mặc dù nghiên cứu thành công và đưa vào hoạt động công nghệ đúc đồng mới, nhưng anh vẫn luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm với tiêu chí văn hóa đặt lên hàng đầu chứ không phải sản xuất ồ ạt. Rất nhiều các sản phẩm đồng đúc của cơ sở anh là những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã được ra đời và được thị trường đón nhận như: tượng Bác Hồ, Kim tượng Đức Thánh Trần, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đầu rồng thời Lý, Lư hương, Trống đồng và tượng các danh nhân Việt Nam… Một số sản phẩm do cơ sở sản xuất đã được tôn vinh như: Bộ trống đồng Việt Nam được Ban chấp hành Hiệp hội trung ương Làng nghề Việt Nam vinh danh là sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề Việt Nam 2013; sản phẩm trống đồng được tỉnh Hải Dương trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2012, 2014 và tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia vào tháng 10/2015... Với những đóng góp to lớn của anh đối với nghề đúc đồng, Ban chấp hành Hiệp hội trung ương Làng nghề Việt Nam phong tặng anh danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.
Miệt mài, đam mê với công việc, tuy nhiên Nguyễn Thượng Sách không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu. Với anh được làm những gì anh thích, làm ra sản phẩm chứa đựng cái tâm và tình yêu nghề của anh đó mới thực sự là điều ý nghĩa. Anh cho biết thời gian tới, cơ sở đúc đồng của anh sẽ mở rộng mẫu mã sản phẩm, đúc các vật làm đồ thờ của Việt Nam trước đây... “Tôi muốn sẽ có thêm nhiều các sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam được đến với thị trường và được đông đảo khách hàng đón nhận” - nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách bày tỏ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng đi mới cho nghề đúc đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO