Tin vào những khởi sắc của Người Hà Nội

Miên Thảo| 29/06/2017 08:25

Lần đầu tiên Người Hà Nội tổ chức buổi gặp gỡ lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, lãnh đạo 9 Hội chuyên ngành cùng các cộng tác viên thân thiết đúng ngày kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017). Cuộc gặp gỡ giản dị mà thật thân tình, ấm áp và sẻ chia.

Tin vào những khởi sắc của Người Hà Nội
Lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, các nhà văn, nhà thơ chụp hình kỷ niệm với cán bộ, phóng viên báo Người Hà Nội - Ảnh Đăng Chung

Sẻ chia niềm vui

Cảm xúc đầu tiên ùa về với mỗi cán bộ, phóng viên Người Hà Nội là được sẻ chia cùng đại diện các văn nghệ sĩ Thủ đô, các nhà báo, nhà văn, nhà thơ về những thay đổi bước đầu của tòa soạn với phòng họp, các ban Tuần báo, Điện tử, Trị sự, Kinh tế được quy hoạch khang trang; tự trang trải trả được một phần nợ; tờ Tuần báo được trình bày khá đẹp cùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm báo chí ngày càng được chọn lọc, nâng cao chất lượng. KTS Lê Văn Lân – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã bày tỏ rằng ông thấy rất vui mừng và có phần khâm phục khi được chứng kiến sự tiến bộ mỗi ngày của Người Hà Nội – dù tòa soạn vẫn còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội cũng chia sẻ rằng thấy được sự đổi mới của Người Hà Nội, đặc biệt là cơ sở vật chất. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhấn mạnh đây là một nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên tòa soạn. Nhà thơ Vũ Xuân Hoát – nguyên TBT báo Người Hà Nội dành nhiều lời khen đối với tuần báo Người Hà Nội với nội dung hấp dẫn hơn, đặc biệt là chất lượng tác phẩm sáng tác – nhất là tác phẩm thơ có nhiều chọn lọc.

Dù đến trễ nhưng nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội vẫn đem đến cho cán bộ, phóng viên báo Người Hà Nội biết bao sự xúc động khi nghe ông trần tình rằng vì là lần đầu đến báo nên ông đã phải chạy taxi lòng vòng mấy lượt thì mới tìm được trụ sở tòa soạn ở 126 Nam Cao.  Dẫu thế, với nhạc sĩ, những âm thanh lách cách của xưởng in Người Hà Nội trên phố Hàng Buồm đã quá quen thuộc với ông từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, để hàng tuần ông vẫn đón đợi những thông tin văn học nghệ thuật vừa sang trọng vừa tươi mới của tạp chí Văn nghệ Hà Nội rồi đến tuần báo Người Hà Nội như ngày hôm nay. Với ông, Người Hà Nội đã trải qua biết bao “dâu bể” nhưng báo vẫn giữ được tiếng nói của anh em văn nghệ sĩ, vẫn bền bỉ với sức sống mãnh liệt rất đáng trân trọng, nhất là trong thời đại truyền thông bùng nổ như hôm nay. 

Những gợi mở tâm huyết

Cùng chung những tình cảm đặc biệt dành cho Người Hà Nội như thế, chủ tịch, phó chủ tịch các hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật cũng như các cộng tác viên thân thiết còn gợi mở cho báo biết bao cách làm hay để làm sao vẫn giữ được bản sắc của tờ văn nghệ duy nhất của Thủ đô đã có hơn 30 năm xây dựng, phát triển mà vẫn đứng vững trong cơn lốc thị trường hôm nay.

NSND Thanh Trầm – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng bên cạnh những bài viết đa dạng về văn nghệ sĩ thì Người Hà Nội cần có những bài viết chuyên sâu về cuộc đời các nghệ sĩ nổi tiếng giúp cho thông tin của tờ báo thêm hấp dẫn độc giả. Biên đạo Nguyễn Thế Chiến – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội thì góp ý, báo cần chú trọng đến những bài viết về tư chất của người Hà Nội xưa và nay để phát huy tên gọi Người Hà Nội rất hay của mình. Còn đạo diễn Đan Thiết Thụ - Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội thông tin rằng sẽ phối hợp với báo mở chuyên trang về lĩnh vực điện ảnh.

Dù băn khoăn trước thách thức của mạng xã hội, nhưng nhà văn Lê Phương Liên cũng như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý vẫn cổ vũ sự phát triển của báo giấy – trong đó của tuần báo Người Hà Nội, với cái lý “báo giấy có cái hay riêng của báo giấy; Hà Nội vẫn có một lượng độc giả chờ đợi những bài báo hay” (nhà văn Lê Phương Liên); và “đọc báo giấy có cái thú lật từng trang giấy sột soạt, mắt dán vào từng con chữ - cái thú làm gì có trên mạng xã hội”. Cổ vũ như thế để rồi nhà văn Lê Phương Liên gợi ý: “Người Hà Nội cần tổ chức các cuộc giao lưu thường xuyên với độc giả, lắng nghe những mong muốn của độc giả để đổi mới về nội dung, hình thức. Theo tôi, mỗi tờ báo phát triển được cần lấy phát hành là hàng đầu.” Còn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thì cho rằng Người Hà Nội cần có những bài viết chuyên sâu hơn nữa về văn học nghệ thuật, chứ không phải dạng đưa tin – công việc báo điện tử và mạng xã hội đã làm xong trước từ lâu rồi. Cùng với đó, lấy ví dụ về một số tờ văn nghệ địa phương như tạp chí Hồng Lĩnh của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh hay báo Văn nghệ Thái Nguyên luôn nhận được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh Hà Tĩnh, Thái Nguyên, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý còn thẳng thắn góp ý rằng: “Để Người Hà Nội phát triển bền vững thì rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ Thành phố Hà Nội thông qua nhiều hình thức. Bởi lẽ theo tôi, dù có nỗ lực đến bao nhiêu đi chăng nữa nhưng trước những cơn sóng dữ của thời đại truyền thông bùng nổ thì kể cả hiện nay có nhiều tiến bộ vượt bậc song vẫn là sự tự bơi của cán bộ, phóng viên tòa soạn để cố gắng gìn giữ, duy trì tờ văn nghệ duy nhất của Thủ đô. Nhìn sang các tỉnh bạn, gần như các tờ văn nghệ vẫn nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, vậy hà cớ gì Hà Nội lại chưa hỗ trợ?”. 
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tin vào những khởi sắc của Người Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO