Tô Lịch giang thần

hanoimoicuoituan| 05/07/2020 08:57

Xưa có 3 con sông chảy qua kinh đô Thăng Long là Tô Lịch, Thiên Phù và Kim Ngưu, trong đó Tô Lịch là con sông gắn liền với đời sống tinh thần và vật chất của dân chúng ở đất này.

Xưa sông Tô Lịch bắt đầu từ Hà Khẩu (tương ứng với đầu phố Hàng Buồm hiện nay), là nơi tiếp giáp với sông Hồng chảy qua Ngõ Gạch, Hàng Lược, men theo chân thành Thăng Long (nay là phố Phan Đình Phùng), qua các làng Thụy Khuê, Hồ Khẩu. Tại Hồ Khẩu, sông nối với hồ Tây qua cống Đõ ở đầu làng nên mới có tên là Hồ Khẩu (cửa hồ). Đến Yên Thái, Tô Lịch gặp sông Thiên Phù. Từ đây, Tô Lịch lại lấy nước của Thiên Phù chảy qua Nghĩa Đô đến Cầu Giấy theo đường Láng xuống Ngã Tư Sở rồi quặt theo hướng Đông Nam chảy qua Thượng Đình, Hạ Đình, Định Công đổ ra sông Nhuệ.
Tô Lịch giang thần
Sông Tô Lịch ngày nay. Ảnh: Việt Linh

Sông Tô Lịch có chiều dài 30km, bề ngang khá rộng. Vị trí Tô Lịch gặp sông Thiên Phù gọi là ngã ba Giang Tân (tương ứng với khu vực chợ Bưởi ngày nay). Ngã ba này chính là nơi Lý Công Uẩn dừng thuyền trước khi vào thành Đại La. Tô Lịch còn cấp nước cho sông Kim Ngưu ở Cầu Giấy.

Theo quan niệm phong thủy hàng nghìn năm trước, nếu mọi yếu tố xây thành thuận lợi nhưng không đầy đủ về phong thủy, người ta sẽ phải sửa, đắp núi giả, đào lại sông, uốn nắn theo hướng muốn có. Mục đích là bảo đảm cho công trình tránh được những tác hại, có được chỗ dựa vững chắc của khí thiêng đất trời. Vì thế, Tô Lịch là long mạch của thành Thăng Long. Là long mạch nên các triều vua luôn khơi sông cho dòng chảy liên tục.

Nhưng cái tên Tô Lịch có từ bao giờ?

Dù là sông cổ, tuy nhiên tên Tô Lịch lại bắt đầu từ truyền thuyết. Theo sách Việt điện u linh, Tô Lịch là tên một vị trưởng làng, vì có nhiều công lao nên khi ông mất, dân lấy tên ông đặt tên làng. Sau đó, ông được phong là Long Đỗ thần hay Tô Lịch giang thần. Vì nước sông Tô có lúc lại chảy ra sông Hồng nên người phương Bắc cho rằng sông Tô “nghịch thủy”. Lo sợ sự không bình thường, họ tổ chức tế lễ Tô Lịch giang thần.

Tuy “nghịch thủy” với người phương Bắc nhưng với người Thăng Long, Tô Lịch lại là con sông tình nghĩa. Sách Thượng Kinh phong vật chí viết: “Sông Tô Lịch ở Thượng Kinh, từ phía Bắc chuyển sang phía Tây đến Hà Liễu thì nhập vào sông Nhuệ, từng khúc, từng khúc như quay đầu về phía Thượng Kinh nên gọi là Nghĩa Thủy”. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Tô Lịch còn có nhiều tên gọi khác như: Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo nhưng dân chúng Thăng Long thường gọi là sông Tô.

Sông Tô là đường giao thông quan trọng chở người, hàng hóa từ Đông sang Tây của kinh thành Thăng Long. Trên nhiều đoạn sông có bến và chợ. Nổi tiếng nhất là chợ Bạch Mã, tức chợ Đông ở gần Hà Khẩu. Vì sông chảy ngang kinh đô nên từ phường này sang phường kia phải có cầu, nên mới có câu: “Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya”.

Đoạn qua Thụy Chương (Thụy Khuê ngày nay) có cầu Cau, gần đền Đồng Cổ có cầu Thái Hà, cầu Tây Dương (nay là cầu Giấy), cầu Cót, cầu Mọc. Thế kỷ XVIII, đời chúa Trịnh Doanh, ông Nguyễn Hữu Thiêm người làng Mọc là Thảo chính sứ Tuyên Quang - Hưng Hóa đã bỏ tiền làm 7 cây cầu trên sông Tô, bắt đầu từ cầu Cót, tiếp đó là cầu Trung Kính, Mọc, Giát (bị phá thay bằng cầu mới), Lủ, Minh Kính (từ Định Công sang Lủ) và cầu Quang (từ làng Bằng sang làng Quang). Thời Lý, Trần, các vua thường đi thuyền rồng dạo chơi trên sông Tô, đến cầu Mọc thì dừng lại vì ở đây có đình Lý Thôn, quanh đình cây cổ thụ xum xuê, phong cảnh đẹp.

Nhờ có phù sa và nước sông nên hai bên bờ sông Tô có các làng trù phú, hình thành văn hóa sông nước, trong đó có lễ hội liên quan đến thành hoàng của các làng. Làng Láng nổi tiếng kinh thành về trồng rau: “Đi đâu mà chẳng biết ta/ Ta dân Kẻ Láng vốn nhà trồng rau”. Sông Tô đoạn chảy qua nam hồ Tây còn là con sông của trai thanh gái lịch những đêm trăng trong gió mát: “Biết nhà cô ở đâu đây/ Hỡi trăng Tô Lịch hỡi mây Tây Hồ?”. Đặc biệt, Tô Lịch còn là nơi cung cấp nguồn nước cho các làng Hồ Khẩu và Yên Thái làm giấy. Dân ngâm cây dó và đổ bọt giấy ra sông. 

Nhưng thiên nhiên khó lường, nửa đầu thế kỷ XVIII, sông Hồng đổi dòng dẫn cát bồi lấp cửa sông Thiên Phù khiến sông này thành sông chết. Vì thế, Tô Lịch mất nguồn cấp nước. Mùa khô, nước sông Hồng cạn không thể cấp cho Tô Lịch và cho cả hồ Tây. Nhưng mùa mưa, nước sông Hồng dâng cao lại qua Hà Khẩu chảy vào Tô Lịch. Khi sông Hồng đổi dòng, cát bồi lấp Hà Khẩu nên nước không thể chảy vào Tô Lịch và Tô Lịch thành sông chết. Năm 1889, người Pháp cho lấp khúc sông gần Hàng Chiếu làm chợ Đồng Xuân, rồi họ làm cống ra đến tận chỗ Trường THPT Chu Văn An ngày nay. Dần dần, đoạn sông từ Thụy Khuê đến chợ Bưởi cũng bị lấp.

Sông Tô Lịch ngày nay vẫn còn, bắt đầu từ Nghĩa Đô nhưng nguồn nước chủ yếu là nước mưa và nước thải chưa qua xử lý. Hiện các ngành chức năng của Hà Nội đang xây dựng hệ thống gom nước thải ô nhiễm chảy xuống sông đưa về nhà máy xử lý để rồi trả lại nước sạch nhằm “hồi sinh” con sông lịch sử và truyền thuyết này.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty phát triển trạm sạc xe điện
    Ngày 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
  • Thị trường bất động sản “bắt sóng” xu hướng “live - work - play”
    Xu hướng “live - work - play” (sống - làm việc - tận hưởng) đang là hướng đi đột phá của các nhà phát triển bất động sản cao cấp. Tòa căn hộ TC2 - The Canopy Summit (dự án The Canopy Residences, Vinhomes Smart City, Hà Nội) với hệ tiện ích vượt trên cả sự tiện nghi đang cho thấy khả năng nâng tầm xu hướng của thương hiệu BĐS hàng đầu.
Đừng bỏ lỡ
Tô Lịch giang thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO