TP. Đà Nẵng đầu tư đúng hướng cho giáo dục

THCL| 11/08/2018 17:19

Đoàn công tác liên ngành Ban Tuyên giáo Trung ương, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn, đánh giá chung, Đà Nẵng quan tâm, đầu tư mạnh về giáo dục, trong buổi làm việc với TP. Đà Nẵng về khảo sát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT mới đây.

TP. Đà Nẵng đầu tư đúng hướng cho giáo dục

Đoàn công tác liên ngành Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với TP. Đà Nẵng 

Đoàn công tác, TP. Đà Nẵng cho biết: 5 năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, công tác quán triệt, tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đã được triển khai đồng bộ dưới nhiều hình thức, tạo chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên, giáo viên, HS-SV và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.

Chất lượng GD&ĐT ngày càng được nâng lên. Nhiều chủ trương mới của ngành GD&ĐT Đà Nẵng đưa vào thực hiện, tạo được sự đồng thuận trong phụ huynh, HS-SV như trả lại 3 tháng hè cho HS-SV, tổ chức dạy bơi trong dịp hè, mở cổng trường hè, trường học sáng ánh đèn… Đặc biệt, ngành GD&ĐT đã thực hiện thành công trong công tác kết nối, phối hợp với các sở ngành; thực hiện khá tốt việc kết nối giữa các trường THPT, THCS, các trung tâm GDTX với các trường dạy nghề, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong phân luồng đào tạo, giáo dục hướng nghiệp, nghề nghiệp cho HS-SV.

Trong phương pháp dạy - học đã phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, phát triển năng lực của HS-SV. Số lượng, chất lượng dạy học tiếng Anh, Tin học, học 2 buổi/ngày đều tăng qua các năm học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Công tác quản lý giáo dục được cải tiến. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy được thực hiện tốt ở các trường học.

TP. Đà Nẵng đầu tư đúng hướng cho giáo dục

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (ngồi giữa) và đoàn công tác liên ngành khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết 29 tại Đà Nẵng

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Đà Nẵng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, duy trì mức độ đạt chuẩn tại một số trường học chưa tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, diện tích mặt bằng ở nhiều đơn vị, trường học chưa đáp ứng yêu cầu mới về dạy - học. Việc tổ chức sinh hoạt CLB tiếng Anh, dạy tiếng Anh tăng cường, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho HS-SV vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho HS-SV vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, vẫn còn tình trạng HS-SV vi phạm pháp luật. Một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm. Tỷ lệ trường mầm non có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia còn thấp so với các thành phố đô thị loại 1 khác.

Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn đều thiếu phòng hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập. Một số dự án trong Đề án Quy hoạch ngành đã được TP thống nhất đầu tư nhưng chưa triển khai được do chưa tìm được vị trí đất xây dựng phù hợp. Một số trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục mới chuyển giao còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp chưa tích cực tham gia vào việc xây dựng và thẩm định chương trình.

Được biết , thời gian qua, Đà Nẵng luôn quan tâm, đầu tư mạnh cho ngành GD&ĐT, đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên để dạy học. TP cũng rất quyết liệt trong vấn đề ứng dụng CNTT, trong đó ưu tiên chọn GD&ĐT để thực hiện GD điện tử. Thực hiện Nghị quyết 29, đã tạo những sự chuyển biến rõ rệt, mạnh mẽ trong đổi mới GD&ĐT của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung.

Các thành viên trong đoàn khảo sát đánh giá rất cao về sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho GD&ĐT của TP. Đà Nẵng. Theo đó, mức chi thường xuyên mà Đà Nẵng dành cho lĩnh vực GD&ĐT nhiều hơn so với một số tỉnh thành mà Đoàn đã đi khảo sát (trên 20%). Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương có những cách làm hay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị thời gian tới, TP cần quan tâm hơn nữa trong vấn đề quy hoạch đất đai, dành quỹ đất cho giáo dục; quan tâm hơn nữa đến đời sống của đội ngũ giáo viên mầm non công lập. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18-19 của Trung ương, cần rút kinh nghiệm để không thực hiện máy móc, cắt theo kiểu cơ học 10% như một số địa phương khác đã làm.

Cần kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương liên quan đến những bất cập, tồn tại trong quá trình tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29. Các trường đại học đóng trên địa bàn TP cần gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, làm tốt công tác liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, để tránh xảy ra tình trạng đào tạo xong không có việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
TP. Đà Nẵng đầu tư đúng hướng cho giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO