TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa tăng giá làm khó người dân

KTĐT| 16/07/2021 09:02

Sau gần 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hoạt động của người dân TP Hồ Chí Minh, nhất là việc mua các thực phẩm thiết yếu bị đảo lộn,

Các kênh bán hàng thiết yếu bị thu hẹp

Để phòng, chống dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp và cuối cùng buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 9/7. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội trùng với thời điểm đóng cửa 3 chợ đầu mối và hơn 110 chợ truyền thống cùng hàng trăm chợ tự phát. Đây là những trái tim “bơm máu” cho cuộc sống bình thường của toàn thành phố.
Từ đây, các kênh bán hàng bị co hẹp lại, khiến người dân tập trung hết vào các siêu thị, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, dở khóc dở cười khi mua hàng.
Theo thông tin trên báo đài và mạng xã hội, có nơi hàng hóa dư thừa, có người cười hí hửng vì mua được cả xe chất đầy thực phẩm. Nhưng cũng có nhiều nơi người dân phải méo mặt khi chỉ thấy những quầy thực phẩm trống rỗng hoặc chỉ còn lèo tèo vài món rau, củ đã héo úa. Cả hai hình ảnh này có thật, bởi vì hiện nay toàn bộ sức mua đã dồn vào siêu thị, trong khi trước đó, hệ thống siêu thị chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu mua sắm của người dân. Do đó, người tới sớm tha hồ lựa chọn hoặc vét hết hàng thiết yếu, người đến sau chỉ biết thở dài. Đặc biệt, thực phẩm tươi sống như: rau, củ, quả, thịt, cá…, hầu như hết sớm nhất.
Một số siêu thị có hàng, nhưng giá rất cao và được giải thích là hàng ngoại nhập, như: Bắp cải Úc, khoai lang Nhật… Tuy nhiên với người lao động nghèo, 100.000 đồng có thể mua được 1 cái bắp cải thường (loại 20.000 đồng), còn lại mua 1kg gạo, vài trăm gram thịt và ít gia vị là có bữa cơm tươm tất cho cả gia đình. Giờ đây chẳng lẽ người nghèo phải mua cái bắp cải giá 100.000 đồng để về luộc chấm muối ăn thay cơm?
Mặt khác, dù mang tiếng là hàng “bình ổn giá”, nhưng hầu như các mặt hàng thiết yếu đều tăng. Đơn cử, hành lá ở chợ Bình Điền bán giá cao nhất vào ngày Tết cũng chỉ 50.000 đồng/kg, nhưng thời điểm dịch bệnh Covid-19, tại một số siêu thị như Bách Hóa Xanh (Thành viên của Tập đoàn Thế Giới Di Động) bán với giá 110.000 đồng/kg.
Hàng hóa siêu thị tăng giá- vì sao?
Trả lời trên một tờ báo, đại diện của Tập đoàn Thế Giới Di Động cho rằng, Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Nhưng Bách Hóa Xanh cũng không thể giữ giá bán như trước đợt dịch vì thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng bị kéo dài khi đi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh. Tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng giá xăng tăng), và tỷ lệ hàng tươi sống bị hư hao cũng tăng. Chưa kể chi phí để làm giấy xét nghiệm Covid-19, cho hàng ngàn tài xế giao hàng và nhân viên kho cùng hàng trăm nhân viên làm việc ở 2 tỉnh lân cận chỉ có thời hạn trong 3 ngày, sau thời hạn này phải xét nghiệm lại đối với số nhân viên trên nên phải tốn thêm phí.
Về phía Bộ Công thương, khi trả lời báo chí cũng cho rằng, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ngoài việc tạo “luồng xanh”, Bộ Công thương đã có phương án tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” để các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương thuộc chương trình bình ổn thị trường (Trong và ngoài vùng có dịch), được lưu thông nhanh nhất, kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân tăng giá do dịch bệnh, vận chuyển khó khăn, do chi phí tăng…được các siêu thị đưa ra, mới nghe qua có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, thực tế là siêu thị luôn có kế hoạch đặt hàng, thu mua theo từng tháng, từng quý và có hệ thống kho trữ hàng từ mấy tháng trước chứ không phải “bán ngày nào xào ngày đó”. Đặc biệt, việc phòng chống dịch Covid-19 đã có chủ trương và diễn ra từ lâu, những đơn vị được chọn tất nhiên phải có năng lực và nhận được chỉ thị, thông tin sớm nhất từ chính quyền để có phương án chuẩn bị hàng hóa.
Do đó, đại diện của các siêu thị giải thích vì nguyên nhân đi lại khó khăn, xăng tăng giá, phải đóng phí cho hàng ngàn nhân viên để làm giấy xác nhận âm tính với Covid-19..., từ đó tăng giá các mặt hàng thiết yếu là không thể chấp nhận. Nhất là trong hoàn cảnh toàn dân TP Hồ Chí Minh nói chung và người lao động có thu nhập thấp nói riêng đã quá mỏi mệt, kiệt quệ sau gần hai tháng chống chọi với dịch bệnh Covid-19, và thời điểm điểm kết thúc chưa biết đến khi nào. Do vậy, cần tính toán thêm kênh bán hàng đảm bảo phòng chống dịch, và có cơ chế giảm sát, kiểm tra các siêu thị để bình ổn giá, hỗ trợ người dân.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa tăng giá làm khó người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO