Tú Mỡ

Vũ Quần Phương| 06/01/2020 10:00

Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Sinh năm 1900. Như vậy, ông có sáu năm được thở chung một bầu khí quyển với nhà thơ Tú Xương yêu kính. Thuở nhỏ, Hồ Trọng Hiếu học chữ Nho, ông nội dạy. Học xong Tam tự kinh thì ông nội mất, Trọng Hiếu theo học chữ quốc ngữ ở trường Hàng Bông (nay không còn), trường Hàng Vôi (trường Nguyễn Du bây giờ) và trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Chính ở cái trường Bưởi này, Tú Mỡ đã “anh hoa phát tiết” tài làm thơ.

Tú Mỡ

Tự thuật 
(Thất ngôn thập bát cú)

Ở sở "Phi-năng" (1) có một thầy
Người cao dong dỏng lại gầy gầy.
Mặc thường xoàng xĩnh, ưa lành sạch,
Ăn chỉ thều thào, thích tịnh chay
Tom chát quanh năm vài bốn bận
Say sưa mỗi tháng một đôi ngày.
Tính vui trò chuyện cười như phá,
Lòng thẳng căm hờn nói toạc ngay.
Xiên xỏ vào tay hơi kha khá,
Ở ăn thì nết cũng hay hay!
Yêu người chân thật, người hào hiệp,
Ghét kẻ chui luồn, kẻ quắt quay.
Võ vẽ hay làm văn quốc ngữ,
Xì xồ ít nói tiếng Âu Tây.
Bạn mà bàn đến thi cùng cử,
Thời vội van luôn: Tớ lạy mày!...
Bởi tính ngang phè như chánh bứa,
Già đời chẳng được cái mề - đay.
.....................................................................................

(1) Sở Giám đốc Tài chính Đông Dương

Ông nghị đi hội đồng về

Ông ôi! ông đi đâu về
Có vẻ phỡn phè, phấn chấn hỡi ông?
- Rằng: tôi đi họp hội đồng,
Mỗi năm một bận, hết lòng vì dân.
Gật gù, nghe đọc diễn văn,
Vì dân ráng sức mấy lần vỗ tay.
Trăm công, nghìn việc, nặng thay!
Vì dân nên phải đêm ngày miên man.
Bao chương dự toán luận bàn,
Vì dân sái cổ gật tràn bao phen.
Nhờ trời công việc đã yên
Vì dân phải xuống Khâm Thiên giải sầu.
Quản gì thức mấy đêm thâu,
Vì dân “khai trí” mấy chầu tổ tôm.
Mỗi năm vất vả mươi hôm,
Một bầu nhiệt huyết vẫn ôm kè kè.

Tiệc kỷ niệm ba mươi năm của 
phái bộ đi Tây (1908)

Tiệc làm tại đình làng Phúc Xá là làng ông Nguyễn Thừa Đại, một người trong phái bộ năm ấy phải chứa đăng cai.
Ông Đại có xuất thêm tiền để làm tiệc mừng tám vị phái bộ vẫn còn sống cả.
Có bầy cuộc khiêu vũ, hành lễ chúc thọ và có mời cụ Võ Hiền, cụ Thiếu Vi tổng đốc Hà Đông, cụ Hiệp tá Nguyễn Năng Quốc v.v… dự lễ.
Dân chúng tới xem có tới vài ngàn người. Khi các quan khách tới, liền cử âm nhạc chiêng trống, rồi các cô đầu sắp hàng mặc áo màu điều, khăn xanh chít vành dây tế ba tuần, tuần thứ nhất dâng cành đào và cành thiên tuế, tuần thứ nhì dâng rượu, tuần thứ ba dâng bánh.

Tám ngài phái bộ đi Tây
Linh đình làm… giỗ nhớ ngày Âu du.
Thưởng xuân, chén tạc, chén thù,
Rượu ngon gái đẹp, lu bù cùng nhau.
Đầu trò có bọn cô đầu, 
Áo điều điểm với khăn màu thiên thanh
Ba tuần tế tổ tế tiên,
Cử theo nghi lễ đặt riêng lạ lùng!
Tuần tiên, múa dịp đánh bồng,
Dâng cành thiên tuế và bông huê đào,
Ý mừng tám cụ niên cao,
Mà tâm bất lão, lúc nào cũng xuân…
Tuần nhì, chuốc rượu ái ân,
Sau dâng “bánh thánh” vào tuần thứ ba,
Hát mừng tám vị năm xưa,
Đi Tây đến chốn, về nhà đến nơi,
Chốc là ba chục năm giời,
Bao phen xao xuyến, cuộc đời đổi thay,
Thế mà phái bộ đi Tây,
“Bát tiên quá hải” ngày nay vẫn còn
Sống mà vui với nước non,
Gái tơ mơn mởn, rượu ngon nồng nàn.
Trong đình quan khách cỗ bàn,
Vòng ngoài dân đói hàng ngàn xúm đông,
Há mồm, lố mắt đứng trông,
Chúc thầm các cụ, các ông muôn đời…

Đại phu... xe hàng

Xưa nay các học trò lười,
Mẹ cha mắng mỏ, nặng lời mỉa mai
Rằng:”Mày lêu lổng, dông dài,
Nhớn lên âu đến suốt đời kéo xe!”
Bây giờ thời buổi khắt khe,
Kéo xe cũng hóa ra nghề khó khăn:
Cu ly cũng phải lấy…  bằng
Của tòa Đốc Lý chứng rằng… chính tông!
Là người da sắt, xương đồng,
Khỏe chân, cứng gối, chính dòng kiện nhi,
Danh trong, giá sạch như li,
Chẳng khi can án, chư khi ngồi tù.
Bao lần giấy, bấy lần… xu,
Mới làm nên chức đại “phu xe hàng”
Phải đâu là việc dễ dàng!

Ngài “ Trâu”

Con trâu, mày đang kéo cày,
Người ta lại đón, tôn mày lên ông.
Dắt về nuôi nấng tốn công,
Cho mày thắm thịt, trơn lông, béo sù.
Mùng mười tháng tám trung thu,
Đem mày ra bãi, bầy trò chọi nhau,
Cùng loài trâu lại húc trâu,
Gẫy sừng, thủng bụng, vỡ đầu, xẻ tai.
Máu đào nhuộm đất láng lai,
Trâu thua bỏ xác ở nơi chiến trường.
Còn trâu thắng trận vẻ vang, 
Được người long trọng, nghênh ngang rước về,
Linh đình trống gióng, lọng che,
Vênh vang như thể ông nghè vinh quy.
Tưởng rằng danh giá những gì,
Kiếp trâu khốn nạn, vẫn là kiếp trâu.
Nào người quý báu chi đâu,
Rước về làm thịt, xúm nhau người xài,
Lắm anh danh vọng trên đời…
Chung quy cũng chỉ như “Ngài Trâu” thôi.

Bé Nguyệt làm thơ

Trước cửa nhà
Có vườn hoa
Vườn tuy nhỏ,
Cây xùm xòa.

Ngày xuân đẹp trời,
Nắng ấm sáng ngời,
Nguyệt cùng em bé
Ra vườn vui chơi.

Nắm tay em đi quanh
Bồn hoa nở rung rinh.
Bé Nguyệt véo von hát
Lời tự đặt linh tinh:

"Cóc cụ trong hang, cóc nhảy ra.
Sển sền sên múa, vác theo nhà.
Dưới lỗ, chú dế mèn hát xẩm,
Trên cành, vành khuyên ríu rít ca..."

Ông nhìn các cháu phởn phơ,
Ông cười: "Cái Nguyệt làm thơ khá vần".
Cháu ông cao hứng lên dần
Một câu sáu tám bất thần nảy ra:
"Nhà em có một vườn hoa,
Bướm vào bướm đậu, bướm ra bướm cười".
Bướm cười! Ngộ nghĩnh quá thôi!
Một vần thơ mới tuyệt vời thiếu nhi.

........................................................................................

Thơ tuyển rút từ tập “Tú Mỡ thơ với tuổi thơ” NXB Kim Đồng 2002.
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tú Mỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO