Tục sêu Tết nhà vợ ở huyện Phú Xuyên

09/02/2018 14:08

Ở huyện Phú Xuyên nhiều nơi có tục sêu Tết nhà vợ. Lễ vật để sêu nhà vợ trước hết là tấm bánh chưng bố. Gạo, thịt, đỗ, lá dong vẫn phải chọn kỹ như Tết hàng năm của nhà mình. Riêng khuôn khổ - mà cũng chả có khuôn nào cho vừa - đành phải gói tay. Sao cho 4 góc kề sát, lọt thỏm xuống khít trong lòng cái mâm đồng.

Trưa mồng hai Tết (mồng một tết cha/ mồng hai tết mẹ/ mồng ba tết thầy), con rể mang lễ sang bên nhà vợ. Trên đó có các cụ, ông bà ngoại, chú bác cậu dì, khách quý, bạn thân… đến phá chiếc bánh chưng bố do đằng nhà giai sang lễ Tết! Nói cho đẹp, chứ đâu chỉ có thế, bên nhà gái còn phải bày thêm cơm rượu, giò chả, thịt đông và cả bánh chưng con (như thường thấy) của nhà mình thêm vào.

Bánh gói tay đã khó vuông thành sắc cạnh, cân dưới trên bởi khối lượng quá to, rồi còn kén cái gì luộc cho vừa và ninh bao lâu cho khỏi bị hấy? Có nhà phải chạy méo mặt, đi mượn từ đầu tháng Chạp. May cho các chàng rể là tục lệ bánh chưng bố ấy chỉ phải chu biện từ cái độ mới có cơi trầu dạm - có đám dạm mấy năm rồi mới cưới – cho đến khi sinh con đầu lòng thì được miễn hẳn (con mọc răng/ còn nói năng gì nữa!).

Đến lễ sêu tuy không cầu kỳ như bánh chưng bố nhưng lại phải cái rất khó làm. Lễ phẩm gồm một đĩa cốm tẩm mật, đĩa phải to úp được 6 chén vại uống nước. Cốm là thứ lúa nếp không để đứng đồng già, như sau này đồ xôi in oản, nhưng cũng chả được gặt từ khi mới đậu sữa, quá non như thể cốm Vòng.

Mật ngọt canh đặc với gừng hoặc thảo quả, để nguội sẽ trộn đều với cốm, ủ trong nồi vài ba tiếng mới lèn vào đĩa cho chặt (chứ không thể lồng bồng như mẹ chồng đơm xôi đâu!). Nếu không tiện mật, có thể thay bằng kẹo bột giã dập dập, vẩy nước gừng cho mềm hẳn mới trộn ủ. Chiều cao của đĩa cốm phải cắm ngập chiếc đũa ăn cơm mới là đủ lễ bộ! Cùng với ba quả quýt đẹp, không xây xát, chưa rụng núm, hoặc năm quả chuối tách ở nải ra còn liền hai nải mới được.

Khó nhất là đĩa cá rán. Được cái cuối năm, tát ao nhiều dễ có cá to. Phải chọn loại cá chép tươi, bần cùng mới dùng đến cá trắm. Chú ý, con nào còn nguyên đuôi hẵng mua, kén loại 3 cân trở lên. Mổ cẩn thận, chặt vây, tuyệt nhiên không được đụng đến đuôi! Mài dao sắc, thớt to, tước lấy sợi nõn rơm, đo từ môi cá đến đuôi thì cắt. Sau đó chung đôi, lại đặt vào – đo, ngắm nghía kỹ - mới để thẳng dao, cầm cái chày khẽ nện làm hai (nếu có mỡ, trứng thì ấp vào phía đầu cá để tỏ rằng: Con gái đã đi lấy chồng thì bụng dạ phải dành hết cho bên nội). Và đó cũng là phần nhất thủ, đem dâng Tết nhà giai. Còn phía dưới đuôi cũng phải đúng một nửa phân miệng, dính toàn vẹn với cái đuôi (nhị vĩ, dành đi sêu đằng ngoại).

Tục lệ này có lẽ chỉ muốn dạy cho các con cháu sau này ăn ở phải: “Bố mẹ thiếp cũng như bố mẹ chàng/ Ước gì ta tạc chữ vàng thờ chung”.

Lưu Trangsưu tầm
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tục sêu Tết nhà vợ ở huyện Phú Xuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO