Văn chương Việt Nam Những nhà thơ thế kỷ XX: Lãng mạn Tản Đà, cái tôi ngông

Vũ Quần Phương| 30/07/2019 16:52

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 25/5/1889, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, cạnh sông Đà và cách núi Tản Viên 10km theo đường chim bay. Ông đã mượn tên núi tên sông làm bút danh. Tản Đà tạ thế tại Hà Nội ngày 7/6/1939.

Văn chương Việt Nam Những nhà thơ thế kỷ XX: Lãng mạn Tản Đà, cái tôi ngông

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 25/5/1889, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, cạnh sông Đà và cách núi Tản Viên 10km theo đường chim bay. Ông đã mượn tên núi tên sông làm bút danh. Tản Đà tạ thế tại Hà Nội ngày 7/6/1939.

Tản Đà bước vào văn chương ở buổi cũ mới giao thời. Thơ lối cũ không còn đủ chứa tình ý của thời đại. Còn lối mới thì ông phải tự tìm lấy. Bỗng nhiên Tản Đà thành người tự do không bị khuôn khổ nào câu thúc, cả về hình thức lẫn nội dung. Thơ ông lắm lối lắm loại. Khi thì ông phân biệt chúng bằng hình thức: hát nói, hát xẩm, tứ tuyệt, bát cú, yết hậu, lục bát, trường đoản, từ khúc, trường thiên… Khi thì bằng nội dung: tập Kiều, thù tiếp, thơ họa… phân biệt lắm thứ như thế vì thật sự Tản Đà không quan tâm đến sự phân biệt. Ông làm thơ như chỉ vì mình. Thơ như nói, nói như chơi mà thấm thía nhân tình. Biên độ thơ Tản Đà rất rộng. Dân ca liền với triết học, cổ điển xen cùng lãng mạn, trào phúng trộn với trữ tình. Nhiều khi câu chữ có cái vẻ ngoài mực thước như của người xưa nhưng cái chất chứa bên trong lại rất Tản Đà, cứ như ông thổi sinh khí vào tượng đất cho nó thành người biết ứa nước mắt.

Cái mới rõ nhất ở Tản Đà là sự hồn nhiên, tự nhiên. Ông làm thơ như hít thở, thấy thế, cảm nghĩ thế thì viết thế. Tản Đà phẫn chí về danh phận nhưng lại đắc ý về tài năng: tài cao phận thấp; chí khí uất, đắc ý về cách sống, cách làm thơ: tuổi chửa bao nhiêu, văn rất hùng. Thơ ông nói chuyện đời ông, nói việc hàng ngày của ông. Ông không mỹ lệ hóa đời thường cũng không thần bí hóa thơ mà cũng chẳng màu mè vờ vĩnh. Đắc ý thì nói đắc ý, buồn thì nói buồn. Dám bộc lộ thật mình trong văn chương ở thời Tản Đà là bạo lắm. Phạm Quỳnh công kích Tản Đà: Người ta, phi người cuồng, không ai dám trần truồng mà đi ngoài phố. Nhà làm sách cũng vậy, không ai đem thân thế của mình mà làm truyện cho người đời xem. Phạm Quỳnh đại diện cho thời cất giấu cá nhân. Cá nhân lẫn vào trong bầy đàn, người ta tả được loài cừu nhưng không ai nhớ mặt một con cừu. Cái mặt cừu người ta tả là mặt của cả loài cừu. Tản Đà dám chiềng cái mặt (của tâm hồn) mình ra giữa cái buổi còn lòa nhòa nhân ảnh ấy nên bị lớp người cũ phản ứng. Nhưng chính chỗ ấy là chỗ Tản Đà đã khai sinh ra chủ nghĩa lãng mạn cho thơ Việt Nam, trước cả phong trào Thơ Mới. Trình độ dân trí hồi ấy đã cho phép Tản Đà bộc lộ chính mình, xã hội đã chấp nhận cho “cái không giống ai” trong phạm trù cá nhân, cá thể tồn tại, điều mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Du chưa có. Các cụ xưa mới chỉ bộc lộ được từng nét cá thể khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Các cụ mới có từng yếu tố lãng mạn chứ chưa có chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn lấy cái tôi làm nền tảng, quan tâm, chăm chút cái tôi. Tản Đà lãng mạn trên cái tôi ngông. Ngông là một cách đòi quyền tồn tại cá thể chống mọi khuôn khổ áp đặt. Ngông là lãng mạn trong cõi thực. Tản Đà còn lãng mạn ra ngoài cõi thực. Và đấy lại  là chỗ bộc lộ nhất tinh hoa thơ Tản Đà: Nhớ mộng, Tống biệt, Nói với bóng, Nói với ảnh… Đọc văn xuôi Tản Đà càng thấy rõ phẩm chất lãng mạn của tâm hồn ông.

Hồn mơ mộng, thơ hiu hắt, tình điệu âm u. Cõi u ẩn của lòng người, cao thấp sang hèn gì, đều dám phơi lên mặt giấy, gợi thương, gợi buồn, gợi cảm thông. Bài Tống biệt từ âm điệu đến hình ảnh đều nói được cái dùng dằng của khách trần lưu luyến động tiên, khát thèm mộng ảo: 

Cửa động 
Đầu non 
Đường lối cũ 
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi. 

Bài Nhớ mộng mở đầu như một sự  giác ngộ giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi. Nhưng 
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng 
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời. 

Hai câu này còn là cái lãng mạn mực thước của chủ nghĩa cổ điển. Nó là tổng kết chung của cuộc đời dâu bể. Cái chỗ hé ra nỗi niềm Tản Đà đó là ở câu: Những lúc canh gà ba cốc rượu và mộng cũ, mê đường biết hỏi ai. 
Tản Đà có lối vào bài thơ thật tự nhiên:

Ngồi buồn đâm nhớ chị hàng cau
Chiều mát ngồi xem đứa thả câu
Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi
Viết như không mục đích. Viết, xem, nhớ... để khuây khỏa nhu cầu của lòng mình, để có việc mà làm, để khỏi chống chếnh vì nỗi hết thú chơi ở cõi đời:

Trông khắp trần gian hết thú chơi
Thèm trông con hạc nó lên trời.
Tản Đà còn than với chị Hằng Trần thế em nay chán nửa rồi, muốn chuyển hộ khẩu lên đó: 
Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Tản Đà có những câu thơ chán đời nhưng trong cốt lõi ông là người ham chơi, ham sống: 

Trời sinh ra bác Tản Đà 
Quê hương thời có cửa nhà 
thời không 
Nửa đời Nam Bắc Tây Đông
Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly.

Mỗi lần nói đến cái chết, dù lúc đang đùa, câu thơ Tản Đà vẫn cứ lặng đi, xa vắng lắm. Nói với bóng: 
Còn ta bóng nỡ nào đi
Ta đi, bóng có ở chi cõi trần
Nói với mùa xuân: 

Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm

Tản Đà chỉ hiện thực khi  nào cái hiện thực đánh rất đau vào cái mộng, vào tâm trí nhân ái: Năm hào một đứa trẻ lên sáu. Tiền có năm mà trẻ lên tuổi sáu, ấn tượng con số diễn tả sự rẻ rúng của phận người năm lụt lội đói kém. Chi tiết như tân văn, chính xác, cụ thể. Và cõi lòng thì bao nhiêu xa xót. Tản Đà còn hiện thực đến mức dùng thơ làm quảng cáo. Rạch ròi giá cả, khuyến mãi, cổ động, đủ cả. Bài thơ này đọc thấy buồn cười, cười mà ứa nước mắt. Cười vì thấy chức năng thơ (!) Còn ứa nước mắt vì tình thế ông Tản Đà. Ông như con hải âu có sải cánh dài đủ sức làm ông hoàng ở bầu trời nhưng khi phải bước chân lên mặt đất, thì đôi cánh (lãng mạn) kia càng dài ông càng chuệnh choạng *. Tâm hồn Tản Đà không lãng mạn thì không có bài thơ này.

Về hình thức câu thơ, Tản Đà cũng có nhiều cách tân lắm. Bên cạnh thơ lối cũ, ông viết nhiều thơ lối mới. Ông dùng song song cả mới lẫn cũ, không bài xích hay bênh vực thứ nào nên người ta cứ nghĩ phải đến thời Thơ Mới câu thơ Việt Nam mới có cách tân. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam coi Tản Đà như người bắc cầu cho hai thời đại thi ca Việt Nam là có lý. Nhưng không phải chỉ ở nội dung mà còn ở cả hình thức nghệ thuật. 
...............................................................
(*) Thơ Baudelaire
(Xin xem báo Người Hà Nội từ số 24, ra ngày 21/6/2019)
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn chương Việt Nam Những nhà thơ thế kỷ XX: Lãng mạn Tản Đà, cái tôi ngông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO