Văn hóa doanh nghiệp quan trọng nhất là xây dựng văn hóa con người

Minh Lý (Thực hiện)| 27/06/2019 09:54

Đó là chia sẻ của Ông Đàm Quốc Hiệp - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Danko khi trao đổi với phóng viên báo Người Hà Nội về vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nói chung và văn hóa doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay nói riêng.

Văn hóa doanh nghiệp quan trọng nhất là xây dựng văn hóa con người
Ông Đoàn Quốc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đanko

PV: Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nên xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp theo hướng nào để tạo dựng lòng tin của chính đội ngũ nhân viên trong công ty, các đối tác và của khách hàng, thưa ông?

Ông Đàm Quốc Hiệp: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những hình thức kinh doanh mới. Trong lĩnh vực BĐS, dễ thấy nhất là sự thay đổi về cách tìm kiếm, so sánh đối chiếu thông tin từ phía khách hàng. Không những không bị hạn chế không gian tìm kiếm thông tin mà họ còn được trao nhiều hơn các đặc quyền với sự ra đời của một loạt các phần mềm ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo để chiều lòng khách hàng. Chính vì thế, việc tìm kiếm khách hàng, thuyết phục khách hàng trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố có thể giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng.

Trong mọi giai đoạn, con người luôn là yếu tố đóng vai trò quyết định với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội, đặc biệt là trong nền kinh tế tri thức và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hiện nay. Con người, dù ở vị trí nào cũng đều là những chủ thể quan trọng trong việc sáng tạo và phát huy những lợi thế của doanh nghiệp. Với sự năng động và sáng tạo, những nhân sự trẻ sẽ giúp cho doanh nghiệp rất nhiều trong việc tiếp thu những cái mới, nhạy bén trong việc học hỏi và nâng cao tri thức, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển lên một tầm cao mới.

Chính vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời đại ngày nay, quan trọng nhất vẫn là xây dựng phát triển nguồn nhân lực, và đưa doanh nghiệp bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường.

PV: Văn hóa công việc là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết để hình thành bản sắc văn hóa doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ những vấn đề nào doanh nghiệp cần lưu tâm trong quá trình xây dựng và phát triển“văn hóa công việc” đối với lĩnh vực bất động sản?

Ông Đàm Quốc Hiệp: “Văn hóa công việc” chính là những nề nếp, quy định, nguyên tắc của doanh nghiệp mà mọi cán bộ nhân viên (CBNV) phải tuân theo, là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết để hình thành bản sắc văn hóa doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng đến cách nhân viên tương tác với nhau và cách mà doanh nghiệp hoạt động; góp phần tạo động lực làm việc cho CBNV. Ngoài ra, “văn hóa công việc” còn thiết lập nền tảng cho CBNV có tinh thần tự giác, nhiệt tình và có trách nhiệm cao trong công việc, tuân thủ quy định chung, từ đó tạo thành một khối thống nhất trong cả bộ máy của doanh nghiệp.

Thái độ, nề nếp và tác phong làm việc của CBNV sẽ ảnh hưởng 80% tới sự thành công của doanh nghiệp. Với doanh nghiệp BĐS, những bộ nhận dạng thương hiệu như đồng phục đi làm, các ngày lễ, event sẽ khiến cho nhân viên trở nên chuyên nghiệp hơn trước khách hàng và đối tác. Nhiều doanh nghiệp có đồng phục mà người khác nhìn cái biết ngay doanh nghiệp đó, tức là về mặt hình ảnh họ đã thành công. Với “văn hóa công việc”, mỗi nhân viên phải luôn là người chuyên nghiệp và có thể tìm kiếm, thuyết phục khách hàng một cách tốt nhất.

Ngoài ra, với lãnh đạo, nên biết cách khen ngợi và tạo động lực cho nhân viên, khuyến khích sự thảo luận tại nơi làm việc để có cách làm tốt hơn. Lãnh đạo cũng cần thúc đẩy các hoạt động nhóm để gắn kết nhân viên; thực hiện các chương trình đào tạo, hội thảo để nâng cấp kỹ năng cho nhân viên.Một nền văn hóa công việc lành mạnh sẽ mang đến sự hài lòng cho nhân viên hài lòng và năng suất công việc cũng sẽ tăng lên.

PV: Theo ông một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh và bền vững sẽ đem lại cho doanh nghiệp những lợi thế như thế nào?

Ông Đàm Quốc Hiệp: Trong thời đại 4.0, vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa doanh nghiệp sẽ thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh, giao tiếp và tương tác hiệu quả giữa các nhân viên, giúp thu hút và giữ chân nhân tài. Doanh nghiệp xây dựng được một văn hóa tốt sẽ thu hút được khách hàng và đối tác đến với mình, và dần làm nên thành công cho doanh nghiệp. Mọi người muốn làm việc với bạn chỉ vì những gì mà họ yên tâm và tin tưởng, chứ không đơn giản chỉ vì sản phẩm.

Văn hóa doanh nghiệp đại diện cho công ty về các giá trị, hành vi, cách thức quản lý của tổ chức và  đạo đức nghề nghiệp. Tất cả những điều này sẽ được thể hiện qua các phương tiện truyền thông hiện hữu như website, mạng xã hội,… và những yếu tố vô hình như thái độ, tác phong chuyên nghiệp, lòng nhiệt thành của nhân viên, trách nhiệm của công ty đối với xã hội… Nếu văn hóa doanh nghiệp làm tốt được tất cả những điều trên, thì chúng sẽ giúp phát huy sức mạnh chiến lược của công ty, làm tăng hiệu quả hoạt động và tạo sự khác biệt trên thị trường. Và chính hiệu quả và sự khác biệt này sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường.

Văn hóa doanh nghiệp quan trọng nhất là xây dựng văn hóa con người

PV: Ông hãy chia sẻ đôi nét về “Văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Danko” hiện nay?

Văn hóa mà Danko Group hướng tới chính là văn hóa con người, luôn lấy con người làm trung tâm. Thành công của doanh nghiệp, bắt nguồn từ chính thành công của mỗi CBNV. Chính vì vậy, bên cạnh hoạt động kinh doanh, Tập đoàn luôn luôn xây dựng những lộ trình dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực để mang đến một môi trường làm việc tốt nhất cho CBNV. Tập đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, gắn kết quy mô lớn như team building, lễ vinh danh, hội xuân Danko, ngày truyền thống Tập đoàn, ngày hội tuyển dụng... Ngoài ra, Tập đoàn còn liên tục tổ chức các cuộc thi đua trong nội bộ như thi đua doanh số, thi ý tưởng và sáng kiến, thi ảnh đẹp,... Những khóa Đào tạo huấn luyện dành cho Ban Lãnh đạo cùng toàn thể CBNV cũng đã và đang được thường xuyên tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng nhân sự, góp phần cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Ở Danko Group, mọi ý kiến của nhân viên đều được lắng nghe. Ban Lãnh  đạo tôn trọng sự khác biệt của mỗi nhân viên, mọi người đều được tạo điều kiện để phát huy năng lực cá nhân. Danko Group luôn hướng đến xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, và đó chính là động lực phát triển cho toàn Tập đoàn.

Ngoài ra, Danko Group vẫn luôn chú tâm đến những hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, như các buổi thiện nguyện đến làng trẻ em SOS, ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ cho các chương trình văn hóa, thể thao; tặng quà cho trẻ em vào những ngày 1/6; Tết trung thu, các quỹ học bổng dành cho sinh viên các trường đại học … Với Danko Group, văn hóa doanh nghiệp là kim chỉ nam cho mọi cá nhân, tập thể hướng tới và ngày càng hoàn thiện mình, giúp cho Tập đoàn ngày càng phát triển và đóng góp nhiều giá trị hơn cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa doanh nghiệp quan trọng nhất là xây dựng văn hóa con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO