Về nghe núi gọi tên mình

Trọng Toan| 26/11/2019 08:51

Cảm giác một lần nghe tên mình vọng lại từ trập trùng núi rừng xanh thẳm chẳng dễ gì quên được, nhất là với người sinh ra từ nơi chốn ấy. Người từ lúc đẻ ra đã uống nước mạch, ăn quả rừng hái chon von cành cao phải sống xa thì nhớ nhung ghê lắm, có khi nhớ người thương cũng chỉ vậy mà thôi.

Về nghe núi gọi tên mình

Cảm giác một lần nghe tên mình vọng lại từ trập trùng núi rừng xanh thẳm chẳng dễ gì quên được, nhất là với người sinh ra từ nơi chốn ấy. Người từ lúc đẻ ra đã uống nước mạch, ăn quả rừng hái chon von cành cao phải sống xa thì nhớ nhung ghê lắm, có khi nhớ người thương cũng chỉ vậy mà thôi.

Tôi không nhớ nổi lần đầu leo núi mình mấy tuổi, cũng không nhớ mình đã bao lần căng bắp chân bước trên những con dốc mòn đầy gai và lá khô. Chỉ biết quãng tuổi xanh của mình gắn liền với đồi cao, khe sâu, vậy mà 30 năm đời người ấy, trẻ thế khỏe thế mà chẳng đi hết nổi núi non quê mình.

Bản tôi nằm giữa hai dãy núi, dãy núi lừng lững phía sau bản cao lắm lại có hình người đàn ông đang nằm ngủ. Còn dãy phía trước, nơi mỗi buổi sáng cả bản nhìn thấy mặt trời trước nhất, nhỏ và thấp hơn lại từa tựa hình người đàn bà nằm ngủ. Lạ hơn cái cặp đôi khổng lồ ấy họ nằm đảo đầu nhau, để ra một chỗ trống ở giữa ấy là bản tôi.

Ngày bé tôi vẫn hay nghe nội kể chuyện về nguồn gốc của bản, câu chuyện một đám người mò mẫm vượt thác cao, vũng sâu xuôi dòng nước đi tìm nơi trú chân, tới khi gặp một con thác cao chặn đường, họ cùng nhảy xuống chân thác, có người mất có người còn. Những người còn sống quyết định dừng chân lấy mảnh đất dưới chân thác làm nơi sinh cơ lập nghiệp, đặt tên cho con thác cũng là tên của bản luôn. 

Từ hai dãy núi ấy bao mạch ngầm chảy ra nuôi sống những đứa bé người Tày, người Dao cho tới khi lớn lên và về với rừng. Suối trong ngắt, mát và ngọt ngào biết bao. Nước chảy ra từ dốc suối biến lưng núi thành ruộng bậc thang, chảy xuống chân núi suối là ao sâu cá lội, là mương nước tưới đẫm ruộng màu mỡ. Những mó nước trong vắt gắn với bao đời người Tày bản tôi từ lúc mở mắt nhìn thấy mặt trời đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng là kết tinh của núi. Nếu người Kinh ở miền xuôi có giếng làng thì người Tày chúng tôi có mó nước. Mỗi dòng họ, mỗi xóm nghèo chân núi đều có một mó nước chung. Nước từ máng vầu, máng tre chảy bất tận, chảy vào đôi xô theo đòn gánh kẽo kẹt về nhà. Nước chảy vào chậu nước cười với đứa bé lảnh lót những trưa hè. Đêm trăng mó nước vang tiếng cười, nước loang loáng một màu vàng chảy trên cơ thể thanh tân, trắng ngần, mạnh khỏe của những sơn nữ xinh đẹp. 

Tôi thường ví rừng với biển, những lần một mình đi vào rừng như lặn sâu vào tán lá cao vút xanh ngằn ngặt mà chẳng ngạt thở bao giờ. Lúc ấy chỉ thấy mình nhỏ nhoi trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, trên đầu mình là lá, là chim sóc chuyền cành, trên nữa là mặt trời mà ánh sáng của nó cũng chẳng thể chiếu thủng những tầng lá ấy. 

Mùa nào rừng núi quê tôi cũng xanh thẳm, Xuân, Hạ, Thu, Đông đều vậy cả. Ở đâu mùa thu rừng lá đổ vàng, đổ đỏ thì tôi không biết, chỉ biết cây lá ở núi đồi quê tôi vẫn xanh ngắt. Tôi thích nhất mùa hè trên núi quê tôi, mùa ấy lá tươi tốt, hoa quả đua nhau nở, vào rừng lúc này thấy thơm lựng, ngọt ngào và đa sắc. Hè ấy trám gặp gió lớn rụng rào rào trên lá, bứa chín vàng giữa những vạt nứa ngả nghiêng, và cả đồi sim chông chênh vang tiếng chào mào kêu như muốn giữ quả chín khỏi rơi vào tay lũ trẻ đầu trần. 

Ký ức của người sống xa núi nhiều lắm. Những con người ấy tưởng mình được đi xa, thoát khỏi núi xanh rừng thẳm, tha hồ rộng mắt nhìn trời biển, nhưng cứ thử dăm ba cái Tết, ngửa mặt phóng mắt bốn phương mà không thấy một chóp xanh sừng sững, không nghe được nổi một tiếng chim gọi bầy lòng chả buồn quay quắt. Lúc ấy thể nào chả nhớ lại hình ảnh mình đứng trên mom đồi trọc, dang tay mở ngực ra đón cơn gió thổi tung áo quần đầu tóc. Thể nào chả muốn về mà dựa lưng vào núi thở than phiền muộn cuộc đời.

Cứ về đi rồi giãi bày với núi, rồi gọi tên mình giữa trập trùng đất trời, núi bao dung lắm, nhận hết những ta thán ấy, về mà ăn miếng chua chát, đắng đót từ đất trời sinh ra.

Người miền rừng khi xa quê lâu ngày có hai thứ phải tìm ăn khi về lại với núi. Một thứ ở trên trời, một thứ ở dưới đất: “Ba bát thịt trâu không bằng bát quả sổ”. Cái thứ quả tròn tròn xanh xanh ăn vào vừa chua, vừa chát ấy nếm một lần rồi không quên được đâu, nhắc tên là ứa nước miếng, là muốn ngược dốc đi tìm cho bõ thèm ngay. Còn thứ dưới đất phải đợi mưa đổ xuống, đợi sấm giật vang trời mới xé đất nhú lên, ăn vào đắng đót chứ ngọt ngào gì mà sao ai cũng nhớ. Cái thứ măng vầu đắng ngắt ấy lần nào chẳng chui vào câu chuyện miên man nỗi nhớ của đám con dân miền rừng khi xa quê mỗi khi được gặp nhau.

Người Kinh có câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Người Tày xa quê không về với núi thì sao còn là người Tày, khi mà nhau thai của anh từ lúc lọt lòng đã được treo ở tàng cây trong cánh rừng dưới chân núi. Mỗi lần trở về, lên núi hòa mình vào những cỏ cây, tôi vẫn thấy mình là đứa con của núi. Mùa măng mới vẫn có thể nhìn vết đất nứt mà lần ra củ măng nhu nhú, vẫn biết dừng bước lắng nghe khi tiếng dũi nhai rễ cây kèn kẹt dưới hang. Vẫn biết khum hai tay vào trước miệng hét tên mình vào núi để được nghe tiếng đáp da diết vọng từ thăm thẳm xanh ngắt của núi và rừng.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trận Điện Biên của âm nhạc Việt
    Ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện qua giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt và giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt.
  • Chiến sĩ Điện Biên luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ
    Đại diện Chiến sỹ Điện Biên phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) diễn ra sáng nay ngày 7/5 tại TP Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Đức Cư, khẳng định “là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ”.
  • Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”
    Thông tin từ Ban Quản lý Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), cho biết, trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” vừa khai mạc. Trưng bày diễn ra đến hết tháng 9/2024.
  • Thưởng thức thứ quà đặc biệt của Hà Nội
    Người ta thường nói, Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, khi những cây hoa sữa mới bắt đầu trổ bông, tỏa hương thơm ngào ngạt, khi cái lạnh chỉ mới chớm, chạm nhẹ vào vạn vật xung quanh. Còn mùa đông Hà Nội thật đặc sắc. Từng con phố trải dài với hai hàng cây bên đường trơ trụi lá, thân gầy guộc, nghiêng nghiêng hứng gió đông. Những cơn gió lạnh rít qua khe cửa, tay lạnh cóng run run. Lúc đó dừng chân xuống vỉa hè với bát chè xanh nóng hổi và thơm ngất, nhấp từng ngụm cảm nhận hơi ấm đang tràn về, hay mùi thơm của bát phở nóng bốc lên cho ta cảm nhận hương vị đặc sắc của món ăn Hà Nội. Một trong những món ăn làm nên nét tinh túy của ẩm thực Hà Nội đó là phở.
  • Bài 1: Vững vàng trên trận tuyến phòng, chống ma túy
    Điện Biên được xác định là một trong những địa bàn trung chuyển ma túy lớn từ khu vực “Tam giác vàng” ra khu vực biên giới Lào - Việt Nam, sau đó vận chuyển về Điện Biên rồi đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy ở khu vực biên giới của tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, BĐBP Điện Biên đã tăng cường lực lượng, bám nắm các địa bàn trọng điểm, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, từng bước làm trong sạch địa bàn. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đi
Đừng bỏ lỡ
Về nghe núi gọi tên mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO