Về qua chốn cũ

Đào Phạm Thùy Trang| 06/07/2019 10:37

Nhà mới, hộ khẩu mới nhưng còn thiếu tên một thành viên. Chị trù trừ mãi mới dám nói với chồng rằng con trai còn chưa cắt khẩu. Chồng cười xòa: - Thì về bên bển mượn sổ, một phút ba mươi giây ra công an phường là xong! - Em sợ… bà nội bé không cho… - Đó là quyền công dân không ai có quyền ngăn cản, em hãy mạnh dạn lên.

Bóng chiều đổ nghiêng nghiêng qua mấy vạt lá nhãn lòa xòa bên khung cửa bếp. Mâm cơm gạo mới thơm lừng cùng món cá chạch chiên giòn dầm nước mắm kẹp xoài xanh là món “tủ” của chị, chồng đã cố công nấu. Chị nói khẽ; “Ngày mốt em sẽ về bên đó”. Chồng cười cười: “Về lại nhà cũ thì đừng nên đẹp quá”. Chị cãi, nào có đẹp gì đâu, vẫn sẽ là trang phục bình thường, vẫn thoa tí son, đánh tí màu mắt, “tiện đường” ghé nhà nội bé trao đổi về việc tách khẩu cho con thôi mà. Chồng vẫn đùa dai “Nhưng ngày em ra đi từ đấy, em không xinh như bây giờ, em không tươi như bây giờ, không chừng người ta lại nói…”. “Hay là anh chở em đi, để khỏi lăn tăn này nọ?”. “Anh không lăn tăn gì cả, chỉ là chốn cũ vốn không vui, ta đừng mang hạnh phúc quá nhiều quét ngang qua nó”.

Ngày đó, chị ra đi từ chốn cũ. Chốn mà chị đã ngây ngô dùng cả thanh xuân để yêu thương nhưng chỉ được “chia tài sản” duy nhất sau 10 năm làm dâu làm vợ là đứa con cùng hai bộ đồ dính da. Chuyện này không phải do chồng cũ, cũng không phải do chị, mà có lẽ do… duyên nợ.

Ngày ấy… cha mẹ không “duyệt” nhưng chị vẫn chọn người đó. Để rồi nhận lấy bao nhiêu tủi hờn cay đắng vì một đứa con gái không mất trầu cau cũng vác xác tới nhà người ta. Thì mắc gì người ta phải trân trọng? Mười năm làm vợ, làm dâu, cũng sinh nở như ai nhưng không được nhà ruột dòm ngó chăm nom, nhiều khi bà đẻ đói cơm mà đứa con đỏ hỏn trong lòng cứ nhai vú mẹ đến rát ruột. Chồng chị cũng không phải là người hay làm, nhưng có cái miệng như thoa mật. Vui vẻ tếu táo kiểu “Dạ thưa em, thói hư tật xấu trên đời này như nhậu nhẹt, cà phê thuốc lá, gái gú, bài bạc… anh không mê món nào cả”. Chị ngu ngơ nghe theo mà quên nghe hết câu sau “… nhưng đôi khi anh có nói dối một chút”.

Để rồi…


Anh không nhậu nhẹt, gái gú mà chỉ mê cá độ, bài bạc cộng thêm sự “chống lưng” của mẹ chồng: “Tao chỉ có một thằng con trai thôi, nó muốn ăn gì thì ăn, chơi gì thì chơi, mày là vợ, không được quyền ý kiến”.


Chị không được quyền có ý kiến về chuyện ăn chơi của chồng, nhưng có “quyền” trả nợ thay chồng khi anh bài bạc mà mẹ chồng đã dang tay ra trả “Để người ngoài khỏi chê cười”. Còn trong nhà, chị làm việc như một con ở để vừa trả sinh hoạt phí cho mình, vừa quy ra tiền lương mà trả nợ thay chồng.


Nhà mẹ chồng có quán ăn khá lớn, các người phụ bếp, bưng bê chỉ làm theo ca, còn chị thì “bao sô” tất cả. Bao năm làm vợ, chị chưa ngủ được quá 4 giờ sáng và chưa một lần chợp mắt khi kim đồng hồ chỉ dưới 11 giờ khuya. Làm việc gấp hai gấp ba người khác như thế, là để nuôi sống bản thân và trả nợ cho chồng. Mẹ chồng hàng tháng vẫn cho tên chị vào sổ lương, nhưng chỉ ký thôi, chứ không biết mặt đồng tiền tròn méo thế nào. Tất cả đã trừ lại các sinh hoạt phí và để “trả nợ giùm chồng”. Mà chu kỳ nợ của chồng chị thật kinh khủng. Một tháng, có thể ba mẹ “bao tiêu” cho anh cả trăm triệu tiền đề đóm, cá độ!


Bao lời tỉ tê ngọt ngào năn nỉ, bao nước mắt tủi hơn tuôn rơi, cũng vài bận làm hầm làm hè nhưng chồng vẫn chứng nào tật ấy. Chị ly hôn.


Đường đi, có con đường nào là vô tận. Rồi cũng đến một ngả rẽ, cũng hết con đường mang tên này để vắt qua con đường mang tên khác dù chung cùng trên một trục đó thôi. Xem như con đường tình duyên này ta chỉ quá giang nhau một đoạn, dù đoạn ấy nhiều ổ gà ổ voi và gập ghềnh khúc khủy nhưng cũng sưu tầm được một “cục vàng” và anh ưu tiên cho chị cất giữ.


Và sau 10 năm lưu lạc vì ngây ngô, chị đã trở về bên vòng tay mẹ.


Rồi chị và chồng cũ, ai cũng chọn cho mình một cung đường mới. Chị cung đường mang tên “nửa chừng xuân; anh cung đường không biết gọi tên bởi triền miên vui chơi bài bạc.


Mấy năm sau đó may sao có một người đàn ông “xăm mình”  gánh giúp chị để kê bằng một gia đình đang thiếu cây cột cái.


Anh giúp chị học xong chương trình “Bánh ngon nhà làm” mà chị rất thích nhưng ngày xưa vì bận bịu áo cơm nên chưa hoàn tất được. Nhưng quan trọng nhất là anh quý mến con chị, đã tới lui làm quen với cu cậu để nhóc con biết “con nhớ bác Hà” trước khi chính thức về cùng một nhà. Rồi họ cất nhà mới, mở tiệm bánh kem, chuyên cung các vật dụng liên quan ngành bánh. Ngày ngày vợ chồng quấn quýt với hàng tá công việc từ mua bán đường, bột, sữa, kem... đến bắt bông kem, viết chữ cho từng cái bánh. Niềm vui của anh chị là những ánh mắt lấp lánh và tiếng “woa” của khách hàng khi họ nhận bánh đầy hài lòng.

***

Mấy em chồng cũ huých nhau khi thấy chị không nhàu nhĩ, già xọm như ngày nào. Càng không phải là một kẻ suốt năm chỉ độc nhất hai bộ quần áo như ngày trước.


- Trời ơi  chị Hai, nay làm ăn sao mà coi bộ ngon dữ vậy?


- Chắc là khá giả nha! Nhìn chị sang chảnh vầy là tụi em biết liền à!


Kỳ lạ chưa, mới bốn năm thôi mà, quán ăn ồn ào một góc thị trấn giờ đã như biến mất. Mẹ chồng bệnh nằm một chỗ, hai cô em chồng nói năng nhỏ nhẹ thân tình chứ không phang ngang cộc cằn khinh khỉnh như ngày trước. Em còn khen chị giày mua ở tiệm nào mà đẹp quá, tóc duỗi spa nào mà mượt ghê.


Chốn cũ bây giờ người và cảnh xơ xác như bản thân chị ngày ra đi khỏi “vùng chiến sự”. Mẹ anh thều thào bảo rằng, tại mẹ nuông chiều quá thành ra con trai mẹ hư. Con dâu à, con cũng có con trai, đừng chiều cháu nhé, để nó như cha nó thì mẹ sống không bằng chết.


Hóa ra, nhà cửa bây giờ đã bị đứa con trai duy nhất của mẹ cầm cố hết cho những cuộc chơi không biên giới. Hai năm nay, anh ta đi đâu cả nhà cũng không liên lạc được. Nhà đất này đang chờ ngày kê biên thi hành án. Cha anh buồn tình đã đi tìm một mái chùa thâm u để rũ bỏ những phiền muộn đời thường. Nhà giờ chỉ còn người vợ già với chứng bệnh thấp khớp lâu năm và mớ nợ nần không lối thoát. Hai cô con gái lấy chồng gần nên ngày ngày thay phiên nhau qua chăm sóc mẹ.


Các cô em gái của anh tranh nhau đưa sổ hộ khẩu cho chị, cái quyển số bé tí ti mà mươi năm ở đây chị chưa một lần thấy mặt nó. Ở đó, có tên con trai chị mà ngày xưa mẹ chồng nhất quyết giành đi nhập khai sinh chứ không cho chị nhập khẩu cháu về hộ khẩu mẹ cháu.


Mẹ chồng cũ nắm mãi bàn tay mà mười năm trời suýt tan ra thành nước bởi bao chồng chén bát ngùn ngụt mà chị phải rửa. Bà hỏi nay con làm ăn ra sao, trông con trẻ và xinh tươi quá. Bàn tay con ấm và mềm, đó là người nhân hậu. Nếu không phiền, mai mốt con chở thằng cu Tín về thăm nội nha con!


Ôi… âm giọng ngọt ngào, câu từ dịu êm mà gần năm ngàn ngày qua chị chưa một lần được nghe từ chốn cũ.


Chị hứa với bà, sẽ đưa cháu về thăm nội, chỉ sợ là thằng bé không đồng ý vì đứa trẻ 10 tuổi đã biết thế nào là thương - ghét. Bởi ngày chị dắt con ra đi, nội bé còn hắt theo cả thau nước rửa chén nhờ nhờ dầu mỡ kèm câu mắng chửi “Mẹ con mày chỉ có nước hốt đất mà ăn khi ra khỏi cái nhà này”.


Chị thưa với bà nội của con mình rằng giờ mình đã lập gia đình mới. Một người đàn ông hiền lành chân thật và siêng năng. Rổ rá cáp lại nhưng an yên hạnh phúc vì ai cũng đã đi qua hơn nửa đời gian khổ.


Hai cô con gái của bà thì tranh nhau nói về “Tiệm bánh nhà làm” thời gian này nổi tiếng trên mạng với chất lượng bánh ngon và tỉ lệ người chia sẻ khá cao. Rồi họ nhoay nhoáy bấm điện thoại cho mẹ xem mặt bằng tiệm bánh:


- Của chị Hai đó mẹ!


- Hồi đó chị ở đây là con biết rồi! Chị khéo tay số một! Thịt nướng thơm ngon mà không khét, cơm dẻo ngọt vô cùng! Khách khen quá trời, mẹ nhớ không?


- Thì giờ làm bánh ngon là dĩ nhiên hén Hai?


Sự ngọt nhạt của hai em chồng cũ làm chị buồn cười. Giá mà lúc ấy thương nhau được nửa thế này... thì có lẽ quãng đời làm dâu của chị không cay đắng lắm.


Mẹ chồng gật gù khi nghe chị trình bày lý do đến, rằng “Mẹ có ngăn cản gì đâu, con có nhà riêng mẹ mừng còn không hết. Nhà của con thì cũng là nhà của cháu mẹ chứ ai. Con bảo hai em đưa hộ khẩu cho, có gì khó khăn cứ mách mẹ nhé!”.


Đôi chân thấp khớp nặng của mẹ chồng cũ vào những ngày mưa gió nặng hạt thế này càng nhức nhối dữ. Nhưng mẹ cũng chống gậy tiễn chị ra tận bậc thềm kèm lời dặn dò “Khi nào rảnh nhớ tới thăm mẹ nhé, nhà giờ vắng con buồn lắm”.


Bà run run khi cầm chiếc phong bì chị biếu, chị rưng rưng thương chốn cũ quạnh hiu.

(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Về qua chốn cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO