Về thăm quê Bác

Nguyễn Văn Thanh| 13/08/2018 08:20

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2018) và Kế hoạch công tác năm 2018 của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, vừa qua, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức chuyến đi thực tế “Hành hương về quê Bác” cho văn nghệ sĩ Thủ đô là ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp. 6h sáng, đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô do NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm trưởng đoàn đã lên xe khởi hành chuyến “Hành hương về quê Bác”. Ấn tượng đầu tiên trong chuyến đ

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là thị xã Cửa Lò. Đây là nơi được tổ chức du lịch thế giới đánh giá là một trong những bãi tắm lý tưởng nhất Việt Nam. Điểm đến tiếp theo trong hành trình của Đoàn là về thăm quê ngoại Bác - làng Hoàng Trù cách làng Kim Liên khoảng 2 km. Nơi đây có cụm di tích Hoàng Trù, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra và lớn lên. Đây là nơi gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của Bác, cùng câu chuyện cảm động về những bậc sinh thành của Người.

Về thăm quê Bác
Đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô chụp hình kỷ niệm khi về thăm quê Bác. Ảnh: Thanh Xuân

Cụm di tích Hoàng Trù bao gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép – ông bà ngoại của Bác Hồ; ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân; và ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan – thân sinh Bác Hồ. Cụm di tích Hoàng Trù là một quần thể rộng 7 sào Trung Bộ (khoảng 3.500m2), mang đậm dấu ấn làng quê Việt.

Trong ngôi nhà tranh 3 gian nép mình dưới khóm tre xanh, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời vào buổi sáng ngày 19/5/1890, hương sen ngào ngạt ở làng Hoàng Trù. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ sống tại quê ngoại từ lúc lọt lòng cho tới 5 tuổi, nhưng hình ảnh quê ngoại, đặc biệt là những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ êm đẹp vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí của Nguyễn Sinh Cung cả khi đã là Chủ tịch nước. Ngay từ bé, tại mảnh đất Hoàng Trù, Nguyễn Sinh Cung đã cảm nhận được sự dạy bảo ân cần của ông bà ngoại, tình cảm thương yêu của cha mẹ đối với mình. Làng Hoàng Trù còn được biết tới là cái nôi của văn hóa xứ Nghệ, bởi vậy mà lời ru, câu hát quê hương đã theo Nguyễn Sinh Cung từ thuở lọt lòng cho tới trước lúc đi xa: “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.

Cả một đời bôn ba lo việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân tới nhiều quốc gia, nhiều miền quê trên khắp đất nước Việt Nam, thế nhưng Người chỉ có điều kiện trở về quê ngoại được một lần duy nhất. Đó là vào ngày 9/12/1961, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Hồ Chí Minh về lại làng Hoàng Trù sau nhiều năm xa cách. Mọi kỷ vật trong ngôi nhà vẫn còn đó. Án thư nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc thường dạy các con học, chiếc khung cửi - nơi người mẹ tảo tần cả đời vì chồng vì con Hoàng Thị Loan vẫn ngồi dệt vải, phản gỗ nơi các nhà nho yêu nước thường đến bàn chuyện thời cuộc nước nhà với cụ Nguyễn Sinh Sắc… tất cả còn nguyên vẹn với thời gian. Đặc biệt là chiếc rương gỗ vẫn ở nguyên vị trí mà trước đây cậu bé Nguyễn Sinh Cung chập chững, vịn tay vào mép rương bước ra chỗ cha đọc sách.

Khi được tận mắt thấy những kỷ vật đã gắn liền với tuổi thơ của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, NSND Trần Quốc Chiêm bồi hồi xúc động nói: “Mặc dù đã đến làng Chùa rất nhiều lần, nhưng mỗi khi nhìn thấy những kỷ vật này tôi vẫn rất xúc động. Từng đồ vật, góc nhà qua lời kể của hướng dẫn viên mà tôi thấy tất cả luôn thân quen với mình vậy. Được về đây, nhìn thấy quê Bác thế này, tôi mới thấy từ ngày còn bé Bác đã được kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của ông bà, cha mẹ. Nếp sống bình dị mà thanh cao quá.”

Con đường tỉnh lộ 540 dẫn chúng tôi đi từ “làng Trù quê mẹ” sang “làng Sen quê cha”. Không biết tên làng Sen có tự bao giờ, chỉ biết rằng, làng hình thành cùng với những đóa sen ngát hương thơm trong nơi đây. 

Nhân dân làng Sen đã dựng ngôi nhà mới 5 gian mộc mạc cách quê ngoại Hoàng Trù hai cây số để chào mừng cụ Phó bảng vinh quy bái tổ. Đó chính là làng quê thơm ngát hương sen mà Bác Hồ đã sống thời niên thiếu (1901 - 1906). Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ bàn ghế kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh. Hiện nay các kỷ vật trong ngôi nhà này còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tên gọi thời nhỏ của Bác Hồ). Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh (chị cả Bác Hồ). Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó.

Theo như lời hướng dẫn viên, chúng tôi hình dung ra những năm tháng ấy khi cụ Phó bảng vất vả với cảnh ''gà trống nuôi con'' thì cô Thanh đã đảm nhiệm công việc nội trợ chăm sóc gia đình. Dù là người tài sắc, lại thông thạo chữ Hán nhưng bà Thanh đã từ chối các đám dạm hỏi của trai làng để toàn tâm, lo việc nhà thay mẹ đã mất. Bà Thanh đã hy sinh quên mình như những bông hoa sen lặng lẽ tỏa hương dâng hiến cho đời.

Về làng Sen, chúng tôi cảm nhận đầy đủ hơn về một làng quê, hồn quê đặc trưng thuần Việt. Ở làng Sen quê Bác, ta được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: Lò rèn cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý, nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc Nam. Hay một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo… Ta gặp lại ở đây cây đa làng mà hai lần Bác Hồ về thăm quê năm 1957 và năm 1961 đứng dưới bóng cây cổ thụ xanh tốt, Bác đã căn dặn bà con làng Sen với giọng trầm ấm - dù bao năm đi xa tiếp xúc với nhiều ngoại ngữ các nước khác nhau nhưng Bác vẫn nói giọng quê quen thuộc, vẫn những lời thân thiết gần gũi như một câu Kiều: "Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Qua bao năm ấy biết bao ân tình''.

Theo như lời kể của hướng dẫn viên, về thăm quê, dù đã cách xa mấy chục năm, Bác vẫn lần theo lối quen ngày trước và Người ngồi lặng đi trên chiếc chõng tre ngày xưa. Bây giờ đứng trong khung cảnh đơn sơ ngôi nhà tranh của Bác ở làng Sen tôi mới hiểu vì sao ở lối đi vào ngôi nhà sàn ở Thủ đô Bác lại cho trồng những rặng hoa dâm bụt. Những cánh hoa đỏ nhị vàng xòe ra trong nắng sớm dập dờn, mỏng manh như những cánh bướm. Thì đây, trong khu vườn cũ của Bác, lối vào nhà cũng được xén gọn đều tăm tắp những khóm hoa dâm bụt mộc mạc đơn sơ khoe sắc. Loài hoa mà cái tên thật thiện căn, bác ái đã gieo vào lòng Bác ngày thơ ấu, từ những cái vịn tay bước đi chập chững đầu tiên ở nơi này.

Dù bây giờ làng Sen đã nhiều đổi thay. Đường làng bằng đất đã được lát bằng bê tông, nhiều ngôi nhà san sát mọc lên ngói đỏ. Nhưng vẫn còn đó những ao sen, đầm sen tỏa hương thơm ngát. Và nếp nhà tranh trong vườn của Bác đã trải qua bao sương gió vẫn một màu mộc mạc đồng quê. Những liếp cửa bằng tre đã nhẵn bóng thời gian vẫn mở ra đón lộng gió. Và cây vườn vẫn xanh tốt tươi theo năm tháng đã sống dậy, thức dậy trong ta bao ký ức của một thời, của một vành nôi đã sinh ra một vĩ nhân. Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng, phong cách, đạo đức và những lời dạy của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Hình ảnh giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại, Người hiến dâng cả đời mình cho nền độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc, đang và sẽ mãi luôn khắc ghi trong lòng muôn triệu trái tim người dân nước Việt.

Ô tô chuyển bánh đưa đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô rời khỏi làng Sen. Bất chợt ai đó trong đoàn hát lên làn điệu dân ca ví dặm đầy sâu lắng:

Từ làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát…
Từ làng Sen đã tỏa làn hương thơm ngát
Hương đóa Sen thanh bạch Hồ Chí Minh
Còn non còn nước còn người
Mà hương thơm vẫn muôn thuở ngàn đời mãi không phai… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Về thăm quê Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO