Vì sao Kỳ họp thứ 9 lại đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam?

kinhtedothi| 20/05/2020 08:09

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV là một kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam hơn 70 năm qua.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt.
Đợt 1: Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020); Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020).
Đúng 8 giờ 00 sáng ngày 20/5/2020, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội bằng hình thức họp trực tuyến.
Họp trực tuyến giúp rút ngắn thời gian kỳ họp Quốc hội họp tập trung
Thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19 đã làm cho thay đổi nhiều vấn đề của đời sống, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có liên quan đến việc họp của các nghị viện.
Hiện nay, đã có khoảng 21 nghị viện đã có chuẩn bị cho việc họp trực tuyến mà trong đó có Việt Nam. Họp trực tuyến của Quốc hội có những đặc thù khác so với họp trực tuyến của Chính phủ. Bởi vì, thời gian họp Quốc hội dài hơn và các yêu cầu về một số phần mềm đảm bảo cho hoạt dộng của nghị viện cũng khác với các cuộc họp thông thường. Vì vậy, đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yêu cầu phức tạp hơn.
Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của cuộc họp trực tuyến đợt 1 của Quốc hội thì đòi hỏi công tác chuẩn bị của Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phải rất kỹ lưỡng và đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đơn vị phát triển công nghệ thông tin. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành tốt.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khó khăn lớn nhất là chúng ta phải giữ đường truyền liên tục trong10 ngày. Từ trước đến nay chưa từng có họp trực tuyến dài ngày như vậy, thông thường chỉ họp trực tuyến từ 1 đến 2 ngày. Đây là lần đầu tiên họp đến 10 ngày, vì vậy phải đảm bảo an toàn trực tuyến.
Thứ hai, phải đảm bảo an toàn an ninh mạng trong suốt thời gian Quốc hội họp trực tuyến.
Thứ ba, là các phần mềm về đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết,.. làm sao cho ổn định, đảm bảo an toàn và không bị gián đoạn để khi tất cả đại biểu Quốc hội biểu quyết thì có kết quả hiện về hệ thống trên phòng Diên Hồng trong vòng 1 phút. Đây là phần mềm mới, viết riêng cho họp trực tuyến của Quốc hội. Và vì là lần đầu nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong giai đoạn chúng ta đang tiến tới công nghệ 4.0 thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong 1 kỳ họp Quốc hội là cần thiết.
“Đây sẽ là lần thử nghiệm cho 1 hình thức họp mới và nếu phương thức họp này thực sự vận hành tốt thì tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là một bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Việc họp trực tuyến sẽ giúp rút ngắn thời gian kỳ họp Quốc hội phải họp tập trung. Nếu phương án này tiến hành tốt thì các kỳ họp Quốc hội chỉ cần họp tập trung 10 ngày trở lại.
Bằng cách họp trực tuyến, các đại biểu tại địa phương bên cạnh việc tham gia họp Quốc hội, ngoài giờ có thể xử lý công việc hành chính tại địa phương. Ngoài ra, việc họp trực tuyến cũng giúp tiết kiệm chi phí đi lại,…. Do họp tực tuyến nên các cơ quan cần chuẩn bị văn bản tóm tắt cô đọng, súc tích, chỉ sử dụng đúng thời gian được ghi trong chương trình.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: “Nếu dợt 1 Quốc hội tiến hành họp trực tuyến thành công thì tôi kỳ vọng đây chính là điểm đổi mới, có thể áp dụng trong các nhiệm kỳ sau. Với ý nghĩa như vậy, tôi rất muốn kỳ họp này được chuẩn bị thật kỹ, thấu đáo đảm bảo thành công để làm cơ sở, tiền đề cho chúng ta nghiên cứu, phát triển phương thức họp mới này”.
Đại biểu công tác tại Hà Nội (trừ đại biểu thuộc Đoàn Hà Nội) họp tại Hội trường Diên Hồng
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về cách thức tổ chức, đại biểu Quốc hội của Đoàn nào sẽ tham dự kỳ họp ở điểm cầu ở ngay tại Đoàn đó.
Trường hợp đang công tác tại tỉnh, thành phố khác sẽ lựa chọn tham dự tại điểm cầu ở nơi công tác hoặc nơi mình tham gia Đoàn và đăng ký với Trưởng Đoàn nơi sẽ tham dự họp. Đại biểu công tác tại Hà Nội (trừ đại biểu thuộc Đoàn thành phố Hà Nội) sẽ tham dự kỳ họp tại Hội trường Diên Hồng.
Liên quan đến vấn đề dịch bệnh, Văn phòng Quốc hội vẫn luôn chú trọng các biện pháp để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch như: Hạn chế tối đa số lượng người ra vào Nhà Quốc hội; tại đợt 1, việc bố trí chỗ ngồi của đại biểu ở phòng Diên Hồng đảm bảo giãn cách và so le; phối hợp với các cơ quan y tế xây dựng phương án cụ thể về phòng, chống dịch trong thời gian họp Quốc hội…
Tại các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước.
Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng.
Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên Ipad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Theo đó, đại biểu Quốc hội có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9. Đại biểu Quốc hội có thể gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin và nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.
Công tác chuẩn bị cho đợt 1 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV với hình thức họp trực tuyến đã được Văn phòng Quốc hội chuẩn bị chu đáo đảm bảo đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện.
Đồng thời, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được Văn phòng cài đặt, cải tiến nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu Quốc hội cũng như cung cấp chân thực nhất thông tin kỳ họp tới cử tri và nhân dân cả nước.
Với sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo như vậy, cử tri có thể kỳ vọng và tin tưởng vào một kỳ họp an toàn, hiệu quả của Quốc hội Việt Nam, trong bối cảnh dịch covid-19 trên thế giới vẫn đang còn diễn biến hết sức phức tạp.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Kỳ họp thứ 9 lại đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO