Vua Hùng và Mai An Tiêm: Truyền thuyết và văn chương

Bùi Việt Thắng| 28/04/2020 08:39

Vua Hùng và Mai An Tiêm: Truyền thuyết và văn chương
Đền thờ Mai An Tiêm ở Nga Sơn, Thanh Hóa.

Tháng 5/2019, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Giảng dạy tác phẩm văn học viết về lịch sử trong nhà trường”. Nhà văn Hỏa Diệu Thúy trong Ban tổ chức, quê ở huyện Nga Sơn có sáng kiến tổ chức thực tế cho đoàn các nhà văn và nhà nghiên cứu văn học đến từ Hà Nội đi thăm quan một địa chỉ lịch sử - văn hóa của xứ Thanh. Nga Sơn trước đây nổi tiếng về đặc sản chiếu cói. Cũng ở đây du khách còn được chiêm bái Động Từ Thức và đền thờ Mai An Tiêm. Chuyến về Thanh Hóa của chúng tôi thật sự thắng lợi cả về khoa học lẫn thực tế đời sống. Đền thờ Mai An Tiêm tọa trên một vị trí, xét về mặt phong thủy là độc đắc, mặt tiền hướng ra biển cả bao la, gợi mở liên tưởng về sự sâu thẳm và bao dung, lưng tựa vào núi vững chãi như tư thế tự tin của những con người tử tế, giàu ý chí và nghị lực, lòng mở rộng khoan hòa. Từ nhỏ, thế hệ chúng tôi đã thuộc làu sự tích quả dưa hấu (dưa đỏ). Tuổi thơ đọc Robinson Crusoe của nhà văn Anh Daniel Defoe, hay có cái liên tưởng mơ màng và lãng mạn, phiêu diêu đến nhân vật Mai An Tiêm như là một “Robinson Crusoe Việt Nam”.

 Sau này khi chuyên tâm giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, khi tra cứu tiểu thuyết lịch sử Quả dưa đỏ (có người gọi là tiểu thuyết phiêu lưu) của nhà văn Nguyễn Trọng Thuật, xuất bản lần đầu 1925 (Giải thưởng văn chương của Hội Khai trí tiến đức), chúng tôi rất quan tâm và thích thú khi so sánh với trưởng lão Tô Hoài tiếp tục “chuyện cũ viết lại”, ra mắt độc giả Đảo hoang (gọi là tiểu thuyết, hoặc truyện dài đều được). Người ta thường xếp Đảo hoang vào “ô” truyện thiếu nhi nhưng trong bản chất, tác phẩm văn chương hay (tuyệt phẩm) thì không thuộc “ô” nào cả. Xin quý vị thử xếp Không gia đình của Hetor Malot, Robinson Crusoe của Daniel Defoe, Túp lều của Bác Tôm của Harriet Stowe, Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verue thuộc “ô” văn học nào?

Vua Hùng và Mai An Tiêm: Truyền thuyết và văn chương
Tiểu thuyết Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và 
Đảo hoang của Tô Hoài.
 Có thể nói, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã viết tiểu huyết Quả dưa đỏ từ sự gợi ý, dẫn dắt của truyền thuyết đậm màu sắc huyền thoại. Trong kho tàng văn chương cổ điển của dân tộc có bộ sách quý Lĩnh Nam chích quái (Những chuyện kỳ lạ thu góp, lượm lặt được ở cõi Lĩnh Nam, tức cõi nước Nam ta) của tác giả Trần Thế Pháp (không rõ năm sinh/ mất, chỉ xác định vào đời Trần). Lĩnh Nam chích quái gồm 22 truyện dưới nhiều hình thức khác nhau như thần thoại cổ (Truyện họ Hồng Bàng, Truyện Tản Viên, truyện Đổng Thiên Vương,...), truyện thần tích (truyện Từ Đạo Hạnh, truyện Hà Ô Lôi,...), truyện về phong tục tập quán dưới hình thức sự tích (Truyện bánh chưng, Truyện trầu cau, Truyện dưa hấu,...). Lĩnh Nam chích quái không chỉ là một tác phẩm văn chương trở thành đối tượng nghiên cứu mà còn là một nguồn cứ liệu phong phú với các nhà sử học khi viết về thời đại Âu Lạc - Văn Lang (xem Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại, NXB Đại học Vinh, 2019; Chương 2: “Việt Nam thời kỳ dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, trang 53-84).

Vua Hùng và Mai An Tiêm: Truyền thuyết và văn chương
 Hình thức “chuyện cũ viết lại” trong tay các nhà văn tài năng nhiều khi đem lại cho độc giả những khoái cảm thẩm mỹ mới. Đó là trường hợp Tô Hoài viết Đảo hoang (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1970, tái bản lần thứ 8). Chúng tôi tạm gọi Tây Qua truyện (Truyện dưa hấu) trong Lĩnh Nam chích quái là “cổ mẫu”, Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và  Đảo hoang của Tô Hoài là “phóng tác” của một mô-tip chủ đề, cốt truyện, nhân vật, tình huống. Nhưng rõ ràng, Đảo hoang của Tô Hoài đượm cái không khí đời sống thời hiện đại hơn, hư cấu cao hơn và phóng khoáng hơn, nhân vật sinh động hơn, lối kể chuyện phù hợp hơn với thị hiếu độc giả hiện nay. Tất nhiên vì nó ra đời sau Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật gần nửa thế kỷ.

Về cốt truyện, cả hai tác phẩm đều dựa vào “cổ mẫu” Tây Qua truyện (Truyện dưa hấu) của Lĩnh Nam chích quái (Quyển I, truyện số 9): Mai An Tiêm là con nuôi của Vua Hùng thứ  17, là người tài cao chí lớn. Được vua ban nhiều bổng lộc. Nhưng An Tiêm chỉ nói: “Đó là do tiền thân của ta!”. Bị bọn nịnh thần xúc xiểm, vua cả giận đày cả nhà An Tiêm ra đảo xa. An Tiêm động viên vợ con: “Trời sinh ta tất nuôi nổi ta!”. Bằng ý chí ham sống và tinh thần lao động cần cù, cuối cùng cả nhà vẫn tồn tại sau khi dùng hết số lương thực vua cấp chỉ đủ dùng bốn, năm tháng. Một bận có con chim bạch trĩ bay qua đảo đánh rơi mấy hạt lạ, sau mọc thành loại cây cho quả vỏ xanh lòng đỏ, bổ ra ăn ngon ngọt, mát lành. An Tiêm nói: “Đây không phải là dị vật mà là trời cho để nuôi ta!”. An Tiêm đặt tên là quả Tây Qua (vì chim cho hạt quý bay đến từ phía Tây đến). An Tiêm còn nhờ vào quả Tây Qua trao đổi với các thương lái qua đảo, đổi thành gạo và các thức dùng khác nuôi sống gia đình. Nhà vua sau nghĩ lại, cho người đi tìm An Tiêm. Người về tâu lại, vua ân hận mà nghĩ “Hắn nói là do ở tiền thân, điều đó thực không ngoa!”. Sau đó vua ra chiếu cho gọi An Tiêm về, phục chức, cấp bổng lộc. Từ đó, nơi An Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, làng đó gọi là Mai thôn”. Truyện dưa hấu trong Lĩnh Nam chích quái chỉ chưa đầy 500 chữ. Nó được coi là “nguyên liệu” tinh chất để các nhà văn đời sau thả sức tung hoành ngọn bút.

 Đảo hoang của Tô Hoài có độ dài gần 300 trang (trong 16 chương). Về thời gian gia đình An Tiêm lưu lạc trên đảo hoang, Tô Hoài không mặc định (14 năm như Nguyễn Trọng Thuật viết trong Quả dưa đỏ), chỉ viết “mấy mùa nắng”, hoặc “lại có đến mấy năm nữa qua”, hoặc “tóc An Tiêm dài quá lưng”,… Như vậy độc giả đủ hình dung những tháng năm đằng đẵng khổ ải của gia đình An Tiêm (gồm bốn người: An Tiêm, vợ là Nàng Hoa, con trai là Mon và gái út). Tình tiết tìm ra giống dưa hấu (dưa đỏ) trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật và Tô Hoài cũng khác nhau (một bên là khi làm vườn Lạc Tiên, vợ chồng An Tiêm tìm ra một giống quả lạ; một bên là do chim trĩ thả hạt xuống đảo, chính Mon trong thời gian lạc nhà đã gieo trồng nó rồi thả quả dưa đỏ theo dòng nước để mong bố mẹ tìm ra mình). Đánh giá Đảo hoang theo phương pháp “Địa - Văn hóa” (Géo - Culture), nhà nghiên cứu văn học Bùi Duy Tân cho rằng “cổ mẫu” Tây Qua truyện (Truyện dưa hấu) là nói về “Sự ra đời của văn hóa vật chất” (xem Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, NXB Giáo dục, 2007, trang 127). Đó là cách tiếp cận văn học từ văn hóa, một phương pháp rất khả thủ và hữu hiệu hiện nay trong nghiên cứu văn học. Nếu chú ý thì chúng ta thấy một sợi chỉ đỏ xuyên nối nhiều lĩnh vực: Trần Thế Pháp khi viết/ biên soạn Lĩnh Nam chích quái đã dựa vào folklore (văn hóa dân gian), các nhà lịch sử cũng dựa vào Lĩnh Nam chích quái khi viết về thời đại Văn Lang - Âu Lạc (như đã nói ở trên), các nhà văn hiện đại thì phóng tác từ “cổ mẫu” của Lĩnh Nam chích quái. Vậy nên, khoa học liên ngành đã giúp chúng ta tiếp cận văn học đa chiều hơn.

Nhưng vấn đề đặt ra là, Đảo hoang của Tô Hoài đã đem đến cho độc giả (nói chung) hôm nay những mỹ cảm (cảm xúc/ tình cảm về cái đẹp) nào? Theo chúng tôi, có ba vấn đề quan trọng cần lưu tâm trong tiếp nhận Đảo hoang. Một là vấn đề nhân cách. An Tiêm vì sự trung thực, thẳng thắn mà hàm oan. Đáng lý vua ban bổng lộc thì cứ im lặng theo thói thường của đám đông. Vậy thì an toàn. Nhưng lại nói thẳng ra là: “Đó là do tiền thân của ta!” (Từ điển tiếng Việt [Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992]: Tiền thân: Bản thân mình ở kiếp trước trong quan hệ với thể xác kiếp sau, gọi là hậu thân, theo thuyết luân hồi của đạo Phật). Tiết tháo của An Tiêm không phù hợp với vị thế của mình là kẻ bị trị, kẻ hàm ơn bề trên. Nhưng cuối cùng thì chính vua cũng ngộ ra: “Hắn nói là do ở tiền thân, điều đó thực không ngoa!” (Tây Qua truyện/ Lĩnh Nam chích quái). An Tiêm không trở thành “con biến màu” nên phải hứng chịu khổ nạn. Biết làm sao được. Nhưng cả nhà An Tiêm đã vượt qua muôn trùng thử thách là nhờ vào lao động quên mình và sáng tạo. Vậy nên, đọc Đảo hoang của Tô Hoài là chúng ta được cổ vũ niềm vui sống, được kích thích kiến tạo sức sống bằng niềm vui lao động. Lao động là vinh quang. Vẻ đẹp của lao động chính là cái hạt nhân, căn cốt của Đảo hoang. Nhân vật chính của Đảo hoang là những con người bình thường nhưng vĩ đại. Cuối cùng, Đảo hoang của Tô Hoài, nếu vận dụng phương pháp phê bình sinh thái, sẽ thấm nhuần ở độc giả vấn đề “con người và tự nhiên” (có người gọi là “con người là tự nhiên”). Nếu nói có chức năng giáo dục của văn chương thì chính là ở điểm mấu chốt này: hãy dạy/ truyền cảm hứng cho trẻ em trước hết tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên. 

Một tác phẩm thành công như Đảo hoang là nhờ vào nội dung lành mạnh, sâu sắc, đã đành. Nghĩa là dựng nên được “câu chuyện” hay, gánh vác, hàm chứa tư tưởng nhân văn sâu sắc. Nhưng nếu nhà văn không tạo nên hấp lực bằng “văn”, thì tác phẩm cũng nhanh chóng trôi tuột đi theo thời gian. Tô Hoài nổi tiếng là một “xảo thủ” ngôn từ với Dế mèn phiêu lưu ký, Quê người, Truyện Tây Bắc, Cát bụi chân ai,…Trong Đảo hoang, nhà văn vận dụng lối kể của cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn khiến cho câu chữ như có ma lực, cuốn hút dẫn dụ không chỉ trẻ thơ mà cả người lớn tuổi. Đúng là “văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Nhân ngày Giỗ Tổ, xin bạn đọc bớt chút thời gian đọc lại Đảo hoang của Tô Hoài.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ngắm nhìn mùa hè rực rỡ qua triển lãm “Bóng nắng - Sự phản chiếu”
    Sáng 8/5, phòng tranh đương đại Gate Gate Gallery (55 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội ) đã chính thức giới thiệu triển lãm "Bóng Nắng - Sự phản chiếu | The Sun's Reflection”. Đây là triển lãm đầu tay của họa sĩ Lê Quỳnh Anh sau hơn 10 năm theo đuổi nghệ thuật, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình tìm kiếm ngôn ngữ hội họa cá nhân của họa sĩ.
  • Trận Điện Biên của âm nhạc Việt
    Ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện qua giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt và giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt.
  • Chiến sĩ Điện Biên luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ
    Đại diện Chiến sỹ Điện Biên phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) diễn ra sáng nay ngày 7/5 tại TP Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Đức Cư, khẳng định “là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ”.
  • Khi viết về Hà Nội…
    Khi viết về Hà Nội, người ta không viết, người ta cảm nhận. Khi viết về Hà Nội, chữ Hà Nội nghe thật thân thương và trìu mến, như bầu không khí quanh ta, như cơn mưa thất thường mùa hạ, như mẹ, như cha và như tất cả.
  • Đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp
    Đoàn giám sát Ban Văn hoá - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Ghi danh Cửu Đỉnh - Hoàng Cung Huế là di sản tư liệu thế giới
    “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” đã được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới.
  • Hà Nội: Lễ hội tôn vinh mối tình cao đẹp của Chử Đồng Tử - Tiên Dung
    Lãnh đạo UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) vừa chia sẻ, công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội tình yêu 2024 tại xã Hồng Vân đã hoàn tất. Tối 8/5, tại Quảng trường Thống Nhất (phố đi bộ đêm) xã Hồng Vân, Lễ hội tình yêu 2024 sẽ khai màn.
  • Nhớ chuyến chụp ảnh ở Điện Biên năm ấy
    Thấm thoắt Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã qua 70 năm. Ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa đủ tuổi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tôi chỉ thấy người lớn mua và đọc báo Tia sáng đưa tin về các máy bay của hãng “Đa-cô-ta”, máy bay “Bê-vanh-xít” (B.26) tại các sân bay Bạch Mai, Gia Lâm (Hà Nội) và phi trường Cát Bi (Hải Phòng - tên gọi sân bay Cát Bi ngày ấy), máy bay liên tục cất và hạ cánh chở lính nhảy dù, xe tăng, trọng pháo đổ xuống Mường Thanh - Điện Biên Phủ
  • Những kỷ vật biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi. Nó gợi nhớ một thời đạn bom, hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
  • Triển lãm giao lưu mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - Huế - Hà Nội
    Mục tiêu của cuộc triển lãm nhằm thắt chặt tình cảm của hội viên  Hội Mỹ thuật 3 miền, thúc đẩy mối quan hệ học tập sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực mỹ thuật của 3 thành phố lớn.
  • Xúc động lá thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi bạn thơ 66 năm trước
    Trong cuốn sách “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (nhà văn Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn), vừa được NXB Trẻ tái bản và phát hành, độc giả không khỏi xúc động với lá thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết từ Điện Biên năm 1958 gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
  • "Những ngày Văn học châu Âu" tại Việt Nam: Giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính
    “Những ngày văn học châu Âu” sẽ diễn ra từ nay đến 19/5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính.
  • Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1196/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024”.
  • Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương
    Để phát huy hơn nữa hoạt động quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương phục vụ du khách, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND về việc Quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế.
  • Huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Tổ chức triển lãm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tri ân các chiến sĩ
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên (30/7/1954 – 30/7/2024), Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội), Hội Cựu chiến binh và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Vua Hùng và Mai An Tiêm: Truyền thuyết và văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO