Wislawa Szymborska (Ba Lan - giải Nobel văn học 1996)

Lê Bá Thự dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan| 05/11/2020 08:54

Ba Lan, đất nước với gần bốn mươi triệu dân, có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel văn học: Henryk Sienkiewicz (1905), Stanislaw Reymont (1924), Czeslaw Milosz (1980) và Wislawa Szymborska (Nobel 1996). Trong thời gian trên năm mươi năm cầm bút, W. Szymborska (1923 - 2012) chỉ sáng tác trên 200 bài thơ, nhưng đó là những tinh hoa đã vượt qua sự chọn lựa vô cùng khắt khe của tác giả. Bà là một nhà thơ cực kỳ khiêm tốn, bà không thích xuất hiện trên tivi, trên báo chí, không thích xuất hiện trước đám đông. Nếu độc giả muốn biết về cuộc đời nhà thơ thì chỉ còn có cách phải đọc ra từ thơ, bởi không bao giờ bà thổ lộ hoặc giải thích tiểu sử của mình. Khi rất cần thiết, như khi nhận giải thưởng Nobel, thì bà mới đọc một bài phát biểu không dài, chỉ đề cập đến thi ca và sự nghiệp sáng tác.
Những bài thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ của bà được chuyển ngữ sang tiếng Việt đã thực sự cuốn hút các nhà thơ, nhà văn và những người yêu văn học Ba Lan ở Việt Nam. 

Wislawa Szymborska (Ba Lan - giải Nobel văn học 1996)

Tấm ảnh chụp ngày 11 tháng 9

Họ nhảy xuống
Từ những tầng nhà rực lửa
một người, hai người và tiếp nữa
cao hơn, thấp hơn

Tấm ảnh chụp cố níu họ sống,
Còn bây giờ lưu giữ họ
Đang lao xuống
từ trên cao

Họ vẫn còn nguyên
với gương mặt mình,
Máu họ vẫn chìm
Sâu trong cơ thể

Thời gian còn đủ
cho tóc họ bay,
Tiền xu, chìa khóa
rơi khỏi túi dày.

Họ vẫn còn trên không trung,
trong những vị trí
mở toang

Chỉ hai việc tôi có thể làm cho họ:
Miêu tả chuyến bay
Và không đặt tay
Ghi vào câu kết.

Khoảnh khắc

Tôi thả bước trên đồi xanh
Cỏ và hoa chen cỏ
Tựa trong tranh dành cho trẻ nhỏ 
Sương tan, trời biếc xanh
Trong tĩnh lặng tầm nhìn lan nhanh
sang những quả đồi lân cận.

Dường như tại chốn này
Nguyên đại cổ sinh chưa hề có
cái thời đá gầm với đá
đùn thành núi cao
đêm không ánh lửa
ngày đen một màu.

Dường như qua đây không di chuyển
những bình nguyên
điên vì nóng
run vì cóng.
Dường như biển chỉ gầm ở nơi khác
và phá nát bờ ở tận trời xa.

Chín giờ ba mươi, giờ địa phương
Mọi vật trong vị trí của mình
trong hòa thuận thường tình
Dưới thung lũng suối nhỏ vẫn là con suối nhỏ
Đường mòn vẫn là đường mòn như muôn thuở
Rừng thiên niên vạn đại vẫn là rừng
Trên trời những chú chim đang lượn
vẫn là những chú chim đang lượn trên trời.

Tôi đưa mắt quan sát
Hiện hữu tại nơi đây khoảnh khắc
Một trong những khoảnh khắc trần gian
tôi mong cầu tồn tại ngàn năm.

Tất cả

Tất cả -
lời nói càn, đầy kiêu.
Phải cho vào ngoặc kép.
Ra bộ không bỏ qua gì hết,
tập hợp, bao gồm, chứa đựng và có.
Thực ra chỉ là
cơn lốc đã tan.

Một thí dụ

Cơn lốc
đêm qua vặt sạch lá cây
trừ một chiếc lá nhỏ,
vẫn còn đây
để một mình đung đưa trên cành trụi

Bằng thí dụ này
Bạo lực bảo rằng,
đúng thế - 
đôi khi nó thích đùa
Không có gì hai lần

Không có gì xảy ra hai lần
Sẽ chẳng bao giờ là như vậy
Mới hay đó là nguyên nhân
Khi sinh ra ta không thuần thục
Ta không lão luyện lúc từ trần.

Cho dù là những học trò tột cùng dốt đặc
dưới mái trường thế gian,
chúng ta chẳng thể nào tái lập
dù một mùa đông hay hè.

Không có ngày nào lặp lại,
Không có hai đêm như nhau,
Không có hai nụ hôn giống hệt,
Không có hai ánh mắt nhìn
Lại y như một.

Hôm qua bên em
có người nhắc tên anh
em như được một bông hồng
bay qua cửa sổ mở vào phòng.

Hôm nay chúng mình bên nhau, 
Em quay mặt vào tường.
Bông hồng ư? Bông hồng ra sao?
Đó là bông hoa? Hay là cục đá?
Hỡi thời gian tệ hại
Sao mi gây lo ngại
Chẳng đâu vào đâu?
Mi đang hiện hữu - rồi mi trôi qua.
Mi sẽ trôi qua - thế là tuyệt đẹp.

Miệng cười, tay ôm nhau
Chúng ta cố tìm hòa thuận
Cho dù chúng ta khác biệt
Như hai giọt nước trong lành.
Ba từ kỳ lạ nhất

Khi tôi phát âm từ Tương lai
Âm tiết đầu tiên đã bước vào quá khứ

Khi tôi phát âm từ Yên lặng
Tôi đang hủy diệt từ này

Khi tôi phát âm từ Không có gì
Tôi đang tạo ra cái
Không nằm trong bất kỳ
Một sự không tồn tại nào. 
Bản đồ

Tấm bản đồ
trải phẳng trên mặt bàn
Không dịch chuyển
không suy suyển.
Bên trên bản đồ - 
hơi thở con người của tôi
không tạo ra những cơn lốc xoáy,
không xóa nhòa những sắc màu tươi rói
của tấm bản đồ.

Ngay cả biển cũng xanh hoài màu xanh dễ chịu
bên những bờ nứt toang.

Ở đây cái gì cũng nhỏ xíu, tới được, rất gần.
Tôi có thể gí đầu móng tay vào núi lửa,
và chẳng cần đi găng dày gì cả,
vẫn xoa tay trên hai cực địa cầu,
một cái nhìn của tôi
thâu tóm từng sa mạc
cùng con sông liền kề.  

Vài cây nhỏ cỏn con,
là ký hiệu rừng nguyên sinh ở đó
đi trong rừng cây như thế
làm sao có chuyện lạc đường.

Phía Tây, phía Đông,
bên trên, bên dưới đường xích đạo -
im lìm như anh túc đã gieo(*)
trong mỗi hạt màu đen
con người đang sinh sống.
Mồ tập thể, những trận hủy diệt bất ngờ
không có chỗ trên bản đồ này.

Biên giới các quốc gia nửa mờ nửa tỏ,
dường như các đường biên này đang do dự
có nên trường tồn hay không.

Tôi thích bản đồ này, vì bản đồ nói dối.
Vì sự thật trêu gan bị bản đồ cấm cửa.
Vì vừa hảo tâm vừa vui tính,
bản đồ trải lên mặt bàn cho tôi một thế giới,
chẳng phải thế giới này.
---------------

(*)Tục ngữ Ba Lan - yên lặng như tờ, không một tiếng động, tiếng sột soạt nào. Sử dụng câu tục ngữ có nói đến hạt anh túc này, tác giả còn có một ẩn ý: Trên bản đồ, những chấm đen nằm rải rác, nom như hạt anh túc đã gieo, chính là ký hiệu các thành phố, thị xã, thị trấn… nơi con người sống đông đúc.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Wislawa Szymborska (Ba Lan - giải Nobel văn học 1996)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO