Xin trả lại tên phố cho danh nhân Nguyễn Văn Siêu

PGS.TS Vũ Nho| 11/08/2021 22:12

Xin trả lại tên phố cho danh nhân Nguyễn Văn Siêu
Tranh vẽ Nguyễn Văn Siêu dạy học (năm 1853)

Tìm phố Nguyễn Văn Siêu trên internet, chúng tôi thấy trang online của tạp chí Người Hà Nội (thứ hai, ngày 7 tháng 5, 2018) có thông tin chỉ dẫn theo sách Từ điển đường phố Hà Nội, NXB Hà Nội - 2010, trong đó có đoạn: 
“Trước 1890 là phố Hàng Gạch (rue Briques), năm 1928 đổi thành phố Án Sát Siêu, năm 1945 đổi thành phố Phương Đình, năm 1949 đổi thành phố Nguyễn Siêu. Những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này. Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Trong những ngày đầu của toàn quốc kháng chiến, phố này là hậu cứ của Liên khu I. Từ đêm (19/12/1946) đến đêm Trung đoàn Thủ đô rút ra ngoài thành phố (17/2/1947) giặc Pháp chưa hề đặt chân được tới phố này. Và chính đêm rút quân 17/2/1947, phố Nguyễn Văn Siêu là nơi tập kết toàn Trung đoàn, rồi từ đây, quân ta ra chỗ chợ Gạo, vượt đường Trần Nhật Duật đi sang bãi Phúc Tân, Phúc Xá để đáp đò ngang qua bên kia sông.
Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) hiệu là Phương Đình, nguyên quán ở thôn Kim Lũ (trước đây thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, từ năm 2004 thuộc quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội). Từ nhỏ ông đã dời ra ở giáp Giang Nguyên, thôn Cổ Lương, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ.
Nguyễn Văn Siêu đỗ phó bảng năm 1838, trải làm quan lúc ở kinh đô Huế, lúc ở các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, lúc đi sứ nhà Thanh... Năm 1854, đang làm Án sát Hưng Yên, mới 55 tuổi, ông bị bệnh xin về hưu, ở nhà viết sách và dạy học cho tới khi mất.
Ông là bạn thân của Cao Bá Quát và cả hai được đương thời gọi tôn là “Thần Siêu, Thánh Quát”. Nguyễn Văn Siêu để lại nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại: lịch sử, địa lý, kinh tế, văn học và thơ ca.”
***
Theo tư liệu mà chúng tôi tham khảo thì cụ Nguyễn Văn Siêu chưa bao giờ có tên hay bút danh Nguyễn Siêu. Dân gian gọi cụ là Thần Siêu cùng với Thánh Quát. Hoặc gọi chức vụ và tên Án Sát Siêu, hoặc gọi tên hiệu Phương Đình. 
Nguyễn Văn Siêu là một nhân vật đặc biệt nổi tiếng trong câu đối mà người ta cho là vua Tự Đức nói về những người hay chữ của triều đại ông:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường
(Văn như văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì Tiền Hán không đáng kể nữa.
Thơ như thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lí Vương thì Thịnh Đường chẳng thấm vào đâu). 
Ông là một trong Tràng An tứ kiệt (4 người xuất sắc của Tràng An - kinh đô) gồm có Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát.
Khi được cử đi sứ nhà Thanh, vua Tự Đức đánh giá rất cao tài năng và dặn dò ông trong Chiếu Châu phê: “Khanh tính trời thông minh, học vấn uyên bác, đi lần này nhớ thu thập những điều tai nghe mắt thấy, giúp trẫm làm tai mắt; qua các danh lam thắng cảnh cùng phong tục các nơi bên Bắc triều, phải lấy bút biên chép tỉ mỉ ngay, chờ lúc về trình trẫm xem; giúp trẫm thấy rõ ngoài muôn dặm”.
Xin trả lại tên phố cho danh nhân Nguyễn Văn Siêu
Một góc phố Nguyễn Siêu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
Sau khi đi sứ về, Nguyễn Văn Siêu viết Như Yên dịch trình tấu thảo (Tấu thảo về hành trình đi sứ Yên Kinh) dâng lên nhà vua. Ông được thăng chức Tập hiền viện học sĩ, sau lại thăng chức Kinh diên khởi cư chú. Năm Tân Hợi (1851), Nguyễn Văn Siêu được bổ làm Án sát tỉnh Hà Tĩnh, là chức quan phụ trách án tụng của một tỉnh.
Có hai giai thoại về sự xử kiện tài tình của quan án Siêu.
Chuyện thứ nhất, quan án đi kinh lí huyện Kì Anh. Có một người đàn bà chửi mất gà. Quan cho gọi dân xóm và người đàn bà đến, bắt mọi người phải tát người đàn bà kia về tội làm huyên náo làng xóm. Mọi người vâng lệnh quan phải tát nhưng tát khẽ. Chỉ có một gã là tát thật lực. Quan liền cho lính bắt gã ấy và kết luận chính gã là kẻ trộm gà. Gã kia chối bai bải kêu oan. Quan đến nhà gã hỏi đứa bé đang chơi ở sân sau khi cho quà: Tối qua bố có làm thịt gà không? Đứa bé gật đầu và chỉ ra góc vườn. Mọi người xem thì thấy lông gà đổ ở đó. Tên trộm gà phải thú tội.
Chuyện thứ hai, quan gặp hai kẻ giành giật nhau tấm vải. Quan gọi lại hỏi. Bính nói: “Tấm vải này của tiểu dân, tên này đến cướp!”. Đinh cãi: “Con vừa mua tấm vải này ở chợ, về qua đây, tên này xông ra cướp. Xin quan xử cho!”. Quan huyện sở tại thấy khó xử. Quan án Siêu cũng thấy khó. Nhưng quan nói: “Hai anh đều có lí. Vậy ta xử công bằng thế này: Xé tấm vải làm đôi, mỗi người một nửa!”. Đinh hớn hở nhận ngay. Bính thì rầu rĩ. Quan liền cho bắt tên Đinh, bảo: “Chính mày cướp vải, vì vậy mày không tiếc xé tấm vải, khôn hồn thì khai thực sẽ được khoan hồng, nhược bằng điêu toa sẽ bị tội nặng”. Tên Đinh thấy quan bắt đúng tội, phải khai thực chính y cướp vải.
Tương truyền thời ấy, Tùng Thiện Vương biết chuyện đã cho người chép vào sách, ý chừng muốn khẳng định, dưới triều đại vua Tự Đức, Đại Nam cũng có “Thanh Thiên” và muốn các quan Án học tập.
Sau khi làm Án sát Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Siêu được bổ làm Án sát Hưng Yên. Ông trình bày thẳng thắn về việc đê điều, do không hợp ý triều đình nên bị hạ ba cấp năm 1854. Lấy cớ sức khỏe, ông xin về hưu sớm, mở trường Phương Đình dạy học. Phương Đình là tên hiệu của ông. Chữ “Phương” có nhiều nghĩa, có một nghĩa là vuông. Phương Đình là cái đình vuông để dạy học. Nhưng chữ “Phương” cũng còn có nghĩa là đạo, đạo lí, phép, phép tắc. Phương Đình là nơi dạy đạo lí, dạy phép tắc chứ không chỉ là nơi dạy chữ.
Tên hiệu cho thấy nhân cách và chí hướng của một vị Phó bảng, Án sát, nhà giáo Nguyễn Văn Siêu. Khi dạy học, ông đã cùng học trò làm công việc xã hội là tham gia nạo vét sông Tô Lịch, trùng tu công trình văn hóa quanh hồ Gươm với Đài Nghiên, Tháp Bút với ba chữ “Tả thanh thiên”  (Viết lên trời xanh) nổi tiếng.
Ông xứng đáng là danh nhân văn hóa không chỉ của Hà Nội, mà là danh nhân văn hóa của cả nước.
Con phố Nguyễn Siêu hiện nay từng mang tên Án Sát Siêu (1928), Phương Đình (1945).  Đó là điều chính xác đúng với Nguyễn Văn Siêu. Không hiểu lí do gì mà từ năm 1949 đến nay phố lại mang tên Nguyễn Siêu. Phải chăng, đấy là thiếu sót trong việc đặt tên phố, bỏ chữ “Văn” cho gọn? Nguyễn Siêu khác với Nguyễn Văn Siêu. Theo sử sách, năm 966, lợi dụng sự suy yếu của chính quyền Trung ương, các thổ hào nhiều nơi nổi dậy, mỗi người hùng cứ một vùng, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Nguyễn Siêu là một sứ quân đã xây dựng cho mình được lực lượng cát cứ hùng mạnh, chiếm giữ vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội ngày nay). Vùng đất Thanh Trì ngày nay còn 3 xã có đền và miếu thờ Nguyễn Siêu, riêng làng Đông Phù còn thờ ông làm Thành hoàng, coi ông là người sáng lập làng. 
Như vậy, Nguyễn Siêu và Nguyễn Văn Siêu là hai người hoàn toàn khác nhau về danh tính và tiểu sử, hai ông lại sống cách nhau đến 900 năm. Sự nhầm lẫn này từ lâu đã gây sự hiểu lầm. Bản thân chúng tôi khi thấy phố Nguyễn Siêu, cũng ngờ ngợ không biết có phải đó là phố mang tên danh nhân Nguyễn Văn Siêu, người có công lớn trong việc trùng tu quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm có Đài Nghiên và Tháp Bút nổi tiếng hay không.
Từ chuyện tên phố Nguyễn Siêu không đúng, lại liên quan đến tên trường. Hà Nội có trường tiểu học dân lập Nguyễn Siêu, có trường THCS và THPT Nguyễn Siêu. Lãnh đạo nhà trường căn cứ vào tài liệu nào để đặt tên? Hay căn cứ vào tên phố Nguyễn Siêu để đặt tên trường?
Còn có tên đường phố nào sai sót nữa cần rà soát? Xin có đôi lời với niềm mong Thành phố Hà Nội nghiên cứu và trả lại đúng tên phố và có thể cả tên trường cho danh nhân Nguyễn Văn Siêu!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xin trả lại tên phố cho danh nhân Nguyễn Văn Siêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO