Đền Trần Thương - Nơi hội tụ giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh

Lệ Quyên| 20/01/2021 12:11

Có một ngôi đền, dù đã trải qua nhiều thế kỉ nhưng vẫn giữ được những nét từ thuở sơ khai và đã trở thành dấu ấn lịch sử minh chứng cho nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của Việt Nam. Đồng thời cũng đã trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nam mỗi khi nhắc tới. Đó là đền Trần Thương

Đền Trần Thương thuộc xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được biết đến là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, nơi đây hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tâm linh. Đền Trần Thương thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. 

Đền Trần Thương - Điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh

Lễ hội đền Trần Thương

Trần Thương là mảnh đất địa linh, trù phú như câu ca truyền đời “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương” và câu thơ khắc ghi trên bức châm tại đền: “Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân” (đất Trần Thương lắm phúc, hoa quả bốn mùa xuân). Trước đây, Trần Thương là trung tâm “Lục đầu khê” (6 khe nước). Từ đây có thể ngược sông Hồng đi Thăng Long hoặc xuôi ra biển, qua sông Hồng về phía Đông khoảng 3km là khu Tam Đường (Hưng Hà, Thái Bình), nơi đặt lăng mộ của nhà Trần, về phía Nam khoảng 20 km là đền Trần – chùa Tháp (Nam Định).
Đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền trên đường đi đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu, bèn đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến. Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương chính. Sau khi chiến thắng trở về Ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như: Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật… những tên cổ gắn với việc đồn trú của quân đội nhà Trần. Trong số các di tích thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương trên đất Hà Nam và cả nước, đền Trần Thương là di tích tiêu biểu, có quy mô kiến trúc lớn. Ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính tọa lạc trên thế đất thiêng “Hình nhân bái tướng” “Ngũ mã thất tinh”, được xây kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng…Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng. Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước mây trời…Tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian. Đồ thờ, cổ thư của ngôi đền cũng rất phong phú, quý hiếm. Đặc biệt là pho tượng Đức Thánh Trần trong ban thờ hậu cung với vẻ mặt uy nghiêm của một vị “Thánh”, nhưng vẫn nở nụ cười bao dung, đôn hậu. Tổng thể kiến trúc, cảnh quan đền Trần Thương đã gợi lên bóng dáng phủ đệ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Trần Thương - Điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh

Lãnh đạo TW và địa phương tham dự Lễ phát lương năm 2019. Ảnh: Trần Chiến

Cùng với giá trị lịch sử - văn hoá, đền Trần Thương còn mang đậm giá trị văn hoá tâm linh thông qua lễ hội. Đền Trần Thương hàng năm mở 2 Lễ hội lớn: Lễ phát l­ương Đức Thánh Trần đền Trần Thương tổ chức vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Lễ giỗ Đức Thánh Trần từ 18 đến 20 tháng 8 (âm lịch), một lễ hội vùng tiêu biểu của tỉnh Hà Nam, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian, tục thi đặc sắc, độc đáo nhất là lễ rước nước và thi bơi chải trên sông. Các nghi thức trên vừa mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, “Phong đăng, hòa cốc”, “Quốc thái dân an”, nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời gợi nhớ nguồn gốc của dòng tộc nhà Trần. Bên cạnh đó, còn tổ chức “diễn Xướng Thanh đồng”, một lễ nghi đặc sắc có từ lâu đời của đền Trần Thương với sự tham gia đông đảo của các “cơ cánh” đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng. 

Đền Trần Thương - Điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát lương cho đại biểu và nhân dân, Ảnh : Hanamonline

Lễ hội tháng Tám “Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Từ bao đời nay, nơi đây cùng các địa phương thờ Trần Hưng Đạo, mở hội vào dịp trung tuần tháng 8 (âm lịch), đặc biệt là ngày 20 tháng 8, ngày Đại vương qua đời. Dân gian có câu: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. Vào ngày lễ hội, từ Kiếp Bạc - Chí Linh - Hải Dương đến đền Trần Thương - Lý Nhân - Hà Nam về đến Bảo Lộc - Nam Định khách hành hương theo lộ trình chiêm bái, tôn vinh người anh hùng dân tộc, đã được truy tôn là bậc “Thánh”, ban những điều tốt lành, mong làm việc thiện.
Cũng như mọi năm, năm nay, lễ phát lương đền Trần Thương cũng đã được UBND huyện Lý Nhân, Ban quản ly di tích đền Trần Thương phối kết hợp lên kế hoạch chi tiết và phương án triển khai  sẵn sang cho ngày lễ trọng đại này. Ông Nguyễn Thành Thăng - Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân , tưởng ban  tổ chức cho biết: Thông qua Lễ hội phát l­ương Đức Thánh Trần nhằm khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu về văn hoá tâm linh của nhân dân và du khách thập phương về chiêm bái Ng­ười Anh hùng dân tộc Quốc Công Tiết Chế H­ưng Đạo Đại Vư­ơng Trần Quốc Tuấn, cùng tri ân các bậc tiền nhân có công với nước, với dân. Tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc từ đó góp phần vào công cuộc dựng nước và giữ nước, các cuộc trường chinh chống xâm lược của nhân dân ta. Đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên ở thế kỷ XIII. Chính vì thế, các hoạt động diễn ra trong Lễ hội phải đ­ược tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, đảm bảo cả phần lễ và phần hội, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đảm bảo an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và khách thập phương về dự Lễ hội.

Đền Trần Thương - Điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh

 Nhân dân và khách thập phương tham dự lễ phát lương năm 2019. Ảnh :Đỗ Trọng

Để bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di tích năm 2009, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đã phê duyệt quy hoạch tổng thể và chi tiết di tích Lịch sử - Văn hóa đền Trần Thương giai đoạn 2009-2015, với 5 khu chức năng chính gồm: Khu vực bảo tồn các di tích Lịch sử - Văn hóa: Đền Trần Thương, đình Tróc, chùa Di, đền Khu Hoàng; Khu du lịch thương mại, khu du lịch sinh thái; khu vực lễ hội và khu các trò chơi dân gian với tổng diện tích quy hoạch 100ha. Năm 2009, đền Trần Thương đã được Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo lớn toàn bộ kiến trúc chính: Cung Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam, hai giải vũ, giếng, đường vào đền và nghi môn với nguồn vốn trên 16 tỷ đồng. Năm 2017 - 2018 Ban quản lý di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần Thương làm tốt công tác xã hội hóa xây dựng nhà sắp lễ và nhà bếp và sửa chữa sân, đường đi quanh đền nguồn kinh phí trên 10 tỷ đồng. Đồng thời đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông mới vào di tích. Đến nay huyện Lý Nhân đã có 2 cây cầu lớn Hưng Hà và Thái Hà bắc qua sông Hồng nối liền Hà Nam với các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên…Đây sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi để khu di tích Lịch sử - Văn hóa, tâm linh đền Trần Thương phát huy tốt các giá trị, trở thành điểm du lịch tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của tỉnh Hà Nam, là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước.
Trên lộ trình về đền Trần Thương du khách còn được tham quan các di tích cấp Quốc gia tiêu biểu: đình Vĩnh Trụ, đình Văn Xá, đền Bà Vũ, đình Trác Nội, thăm quê hương Nhà văn – Liệt sĩ Nam Cao. Đền Trần Thương, điểm quy tụ để nhân dân, khách thập phương xa gần, hành hương tưởng nhớ về cội nguồn, chiêm ngưỡng di tích lịch sử văn hóa và cầu nguyện may mắn trong cuộc sống.
Lễ hội đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần đã trở thành nét văn hóa đẹp, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc; đồng thời thể hiện khát vọng chân chính, thiêng liêng mãi mãi được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn Hóa- Thông tin xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2015 đền được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2017 được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận Lễ hội đền Trần Thương là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Trần Thương - Điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh
Đón nhận Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Trần Thương và Lễ Phát lương Đức Thánh Trần

Cùng với những ý nghĩa đó, đền Trần Thương hàng năm đã thu hút đông đảo khách thập phương đến thăm quan và tham gia lễ hội. Và đã dần trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đền Trần Thương - Nơi hội tụ giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO