Rét ngọt

Nguyễn Minh Hoa| 25/02/2020 12:05

Chẳng hiểu do đâu, ai nói lời đầu tiên để rồi bấy lâu nay người đời nói “rét ngọt”. Rét đến nỗi áo mặc thêm rồi mà vẫn thấy phong phanh, vẫn cảm nhận thật rõ sự buốt giá.

Rét ngọt

Chẳng hiểu do đâu, ai nói lời đầu tiên để rồi bấy lâu nay người đời nói “rét ngọt”. Rét đến nỗi áo mặc thêm rồi mà vẫn thấy phong phanh, vẫn cảm nhận thật rõ sự buốt giá. Gió bấc vi vút thổi trên mái nhà, lá cây sắt lại, cỏ gà cũng trụi đi vì rét. Trời xám đục, hanh hao khô trắng những sân nhà, những con đường đất quẩn gió bụi mù. Nhà đóng kín cửa, mà vẫn sợ những luồng hơi lạnh mảnh mai, nhọn hoắt luồn qua khe. Ấy thế mà đến lạ, bấy lâu nay, người ta vẫn ngóng rét ngọt khi mùa về, dường như phải có rét ngọt nữa mới đủ tính qua mùa. Nhà thơ từng viết:

Anh nhớ em như đông về 
nhớ rét…

Bao giờ tôi cũng nghĩ cái rét này là rét ngọt.

Lại phải nói thêm về “rét ngọt”, gọi là rét ngọt phải thực là rét và không có mưa, trời có hửng sáng thì rét vẫn thấu tận xương.Trong cái se sắt hà khắc của thiên nhiên lá cành ngủ vùi như không muốn thức dậy, dòng sông, con suối như thể chảy chậm lại. Giữa trời đất chỉ thấy mênh mang, giá buốt. Ấy là rét ngọt. 

Thế nhưng, ngày rét ngọt cho quả chín, cho rau xanh. Những quả bưởi chín vàng, những cam quýt chín đỏ, những quả hồng cũng dần khô. Vị ngọt ướp trong cái giá lạnh của đất trời khiến nó trở nên đặc biệt. Bưởi và cam quýt sẽ được cắt cho xuống nước, ngọt lịm, hồng sẽ được sấy khô ăn dần tới suốt cả mùa sau. Trên những cánh đồng, khi là trấu, lúc là tro ủ ấm cho những hạt mầm lớn lên cạnh những xà lách hay bắp cải gặp lạnh cuộn chặt. Những rau màu của mùa đông xanh tươi trong cái lạnh như lộ rõ sự hài lòng về thời tiết.

Dường như chúng hiểu được rằng chúng đang được chờ đón trong những bếp nhà mùa đông. Nước ở những con mương lớn nhỏ đôi khi bốc hơi. Nước tưới cho rau lên đúng lứa, nước khỏa đôi bàn tay lấm đất màu, đất trên tay sạch nhưng nhựa cây ăn vào móng và những vết nứt nẻ khiến đôi bàn tay thô ráp hơn. Đang vụ màu, mấy người để ý chuyện này, niềm vui thu hoạch khiến đồng đất rộn ràng, thây kệ những giá rét bủa vây xa gần.

 Có năm rét ngọt chỉ có trong năm, cho đến Tết, đến lập xuân, trời ấm dần lên và rồi nồm ẩm cùng mưa xuân khiến rét ngọt không còn nữa. Nhưng cũng có khi rét ngọt vắt qua năm, để những Giêng Hai vẫn còn cái tha thiết trong rét ngọt mà mỗi người có một cách cảm nhận, gìn giữ cho mình.

Rét ngọt, trời hanh khiến má bọn trẻ con ửng hồng, bà và mẹ phải ủ ấm trong khăn áo vì sợ cơn gió bấc. Tóc mây thiếu nữ chải mà cũng bám  theo lược vì hanh hao. Người cẩn thận phải chọn cho mình một màu áo,  một màu son tươi hơn trong những ngày se sắt thế này. Thế mà rét ngọt vẫn được coi là món quà của thiên nhiên dành cho con người. Có lẽ vì một lý do đặc biệt thì phải? Dường như những nồng nàn của mùa thu chưa đủ, nên phải có rét ngọt trên đời để những “với nhau” được trọn vẹn. Rét ngọt bọc những “với nhau” ấy lại để rồi chẳng bao giờ quên, cho dẫu đằng đẵng thời gian và cả những dông gió, cho dẫu con đường chẳng còn, cái cây cũng đã khác.  

Chỉ còn mùi hương tóc xưa vấn vương. Giọt nước mắt lăn dài trong ánh trăng lạnh. Cau vườn nhà lứa ấy chẳng theo người sang sông dạm ngõ. Chẳng có mùa đông nào lạnh đến như thế. Đến bụi hồng bên bể nước cũng lụi đi. Cho dù không lâu sau mưa phủ bụi dỗ dành cũng chẳng lên thêm lứa hoa nào.

Có người thấy sợ cả con đường dẫn lối sang sông. 

Cầu xây nơi bến cũ đã lâu, tóc người chắc cũng đã bạc như tóc ta, bãi với làng giờ chẳng xa cách như xưa. Bao đời nay 2 làng kết chạ, người bên bãi vẫn về làng xem hội quán. Quán cổ dưới chân đê đêm hội xuân vẫn sáng đèn, ai đó đã trồng lại cây hoa mộc chỗ mái gianh. Trong đêm rét ngọt, hoa vẫn thơm như thủa nào mà người xa hút bóng. Đám quan họ về làng hát hội, bài Giã bạn hát mãi chưa dứt. Chẳng dám cắt nghĩa cho rõ chuyện xưa bao giờ mà bỗng nhớ quay quắt, đến lạ…

Tôi thắp lên ngọn đèn trong phòng, chẳng mấy đã thơm sực mùi tinh dầu hoa bưởi. Qua đợt rét ngọt này, ấm lên, cuối xuân bưởi sẽ nở trắng hoa, người ta sẽ lại hái hoa đem về phố bán từng gánh thơm lừng.

Tôi thấy nhớ rất nhiều cây bưởi nhà hàng xóm, nhớ từ thủa tôi nhặt về một quả rụng vừa lòng tay để chơi mốt, nhớ bà mẹ mặc áo bông chần vẫn ngóng con trai út về mỗi độ xuân sang, bà chấm nước mắt tìm những chùm hoa đầu tiên thắp hương cho anh ngày nhập ngũ, còn ngày giỗ, bà theo làng chọn ngày 27/7.

 Vào một năm rét ngọt độ sau Giêng, hương hoa bưởi đưa bà về trời thật nhẹ nhàng. 

Cây bưởi ấy những mùa sau chỉ sai hoa mà không còn đậu quả. Bác cả nhà ấy về treo lên cây 2 giò phong lan, tên mỗi loài là gì tôi không biết, chỉ biết 1 giò nở hoa tím, 1 giò nở hoa trắng. Tôi đã nghĩ bà là bông hoa tím, còn anh ấy là đóa hoa trắng đẹp tinh khiết kia. Trong giá lạnh, trong nắng ấm, sớm mùa xuân hay đêm mùa hạ mẹ con anh ấy đã bên nhau. 

Tôi nhớ con đường về làng với những luồng cỏ may khô rạc đầy mộng mị. Trong một ý nghĩ điên rồ thủa thiếu thời tôi đã ao ước được xòe diêm đốt, để thấy bùng sáng, để ấm, để nhìn thấy ngọn lửa mặc sức lan dài cho đến tận cuối con đường. Chẳng bao giờ tôi làm điều như thế vì tôi sợ nhiều lẽ, sợ cả việc nếu lửa cháy hết thì lấy đâu ra hạt để cỏ may sẽ mọc tiếp những mùa sau. 

Trong một ngày rét ngọt, tôi đã nhớ thật nhiều!
(0) Bình luận
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
  • Người anh trai bé nhỏ
    Câu chuyện này tôi được nghe kể từ người bác sĩ phẫu thuật từng có thời gian dài làm việc tại một bệnh viện của thị trấn nhỏ cách thành phố Pskov 100km. Câu chuyện đã làm cho tôi xúc động đến tận đáy lòng. Tôi sẽ cố gắng kể lại nó sao cho gần với nguyên gốc nhất.
  • Bến đợi
    Bà lão co ro trông thật tội nghiệp trước thềm khoa ung bướu của một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Bộ quần áo bạc màu, nhăn nhó càng làm cho thân hình bà lão thêm khắc khổ, nhỏ bé trước biển người đang chen chúc nhau xếp hàng chờ đến lượt được khám.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Rét ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO