Thanh tra toàn diện một doanh nghiệp XKLĐ, kiểm điểm Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH thời kỳ 2013- 2018

Sơn Dương| 07/03/2021 10:07

Đó là một trong những nội dung quan trọng được Thanh tra Chính phủ cho biết ngày 04/3/2021 tại Thông báo Kết luận Thanh tra về công tác Quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (ĐNLĐVNLVONN) theo hợp đồng tại Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (Bộ LĐTB&XH) và 6 tỉnh, gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị:  xử lý nghiêm Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước
Thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội.

Cụ thể, trong Thông báo Kết luận Thanh tra số 351/TB-TTCP, ngày 03/03/2021, Thanh tra Chính phủ giao Thanh tra Bộ LĐTB&XH thanh tra toàn diện hoạt động ĐNLĐVNLVONN đối với Công ty Cổ phần nguồn nhân lực quốc tế Thuận An Kyoto (Công ty Thuận An Kyoto). Trước đó, trong số 46 - ra ngày 23/11/2018, báo Người Hà Nội đã đăng tải bài viết về trường hợp của anh Đặng Anh Tuấn ở xã Sơn Kim 1, Hương Sơn, Hà Tĩnh được một người tên là Phạm Thị Nguyệt tư vấn, hướng dẫn và thu tiền đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Đài Loan. Nhưng vì lý do trước khi dẫn anh Tuấn đến Công ty Thuận An Kyoto thì bà Nguyệt đã dẫn anh Tuấn tới nhiều công ty khác để thi đơn hàng, cho nên sau khi trúng tuyển, anh Tuấn đã xin rút hồ sơ ở Công ty Thuận An Kyoto và không đi XKLĐ nữa. Tuy nhiên, việc anh Tuấn rút hồ sơ và tiền ở Công ty Thuận An Kyoto đã gặp phải không ít khó khăn vì vậy, anh đã đến báo Người Hà Nội viết đơn xin được hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận thông tin của anh Tuấn, phóng viên Nhân Thịnh - báo Người Hà Nội đã liên hệ xác minh với đại diện Công ty Thuận An Kyoto nhưng không đạt hiệu quả. Cho nên, báo Người Hà Nội đã gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng xem xét.

Thanh tra toàn diện một doanh nghiệp XKLĐ, kiểm điểm Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH thời kỳ 2013- 2018
Đơn của người lao động Đặng Anh Tuấn gửi báo Người Hà Nội phản ánh về doanh nghiệp Thuận An Kyoto

Đề nghị xử lý vi phạm của Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế Phú Hưng vì không có giấy phép XKLĐ mà thu tiền, tuyển lao động

Bên cạnh đó, cũng tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 351, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra, trong giai đoạn năm 2013-2018, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về ĐNLĐVNLVONN còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm, như: Bộ LĐTB&XH không báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi không xây dựng được chiến lược, kế hoạch về ĐNLĐVNLVONN, chậm kiến nghị, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ĐNLĐVNLVONN, ban hành một số văn bản hành chính, thủ tục hành chính không đúng quy định pháp luật,… Cục Quản lý lao động ngoài nước (Cục QLLĐNN) không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản,…

Với những vi phạm ấy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục, như: Xử lý nghiêm Cục trưởng Cục QLLĐNN giai đoạn năm 2012-2016 trong việc tham mưu ban hành và ban hành các văn bản không đúng quy định của pháp luật, các văn bản cho phép doanh nghiệp thu phí thị trường Nhật Bản; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015; xem xét trách nhiệm các cục trưởng Cục QLLĐNN từng thời kỳ từ năm 2000 đến thời điểm thanh tra trong việc không tham mưu Bộ và báo cáo Thủ tướng giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan, Nhật Bản; ban hành và tham mưu ban hành các văn bản cho phép doanh nghiệp thí điểm thị trường Nhật Bản… Đồng thời, Bộ LĐTB&XH cần kiểm điểm trách nhiệm đối với Chánh Thanh tra Bộ này qua các thời kỳ năm 2013-2018 trong việc tham mưu ban hành quy định chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Bộ LĐTB&XH không đầy đủ nội dung theo quy định. “Xử lý trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH thời kỳ năm 2015-2018 do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của doanh nghiệp”.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Bộ LĐTB&XH thu hồi giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại và Cung ứng nhân lực Quốc tế Bắc Việt, Tổng công ty Thuỷ sản Hạ Long (nay là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần); thu hồi giấy phép hoặc kiểm tra, rà soát đối với 36 doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra toàn diện một doanh nghiệp XKLĐ, kiểm điểm Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH thời kỳ 2013- 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO